Hồng bì ngâm đường
Hồng bì ngâm đường là món ăn dân gian quen thuộc tại các tỉnh phía Bắc, không chỉ giúp thanh nhiệt mà còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Hồng bì đang vào mùa chín rộ. Những ngày này, xuống phố, ta sẽ gặp những hàng, những gánh hồng bì chín mọng thấp thoáng mọi nẻo đường, ngõ nhỏ ở Hà Thành. Theo kinh nghiệm dân gian, hồng bì được dùng để giải nhiệt, làm mứt, ngâm đường phèn hoặc ngâm mật ong để trị ho, tốt cho tiêu hóa nên được nhiều bà nội trợ chọn mua mỗi khi vào mùa.
Theo công thức của chuyên gia ẩm thực Vĩnh Quyên, thành phần chính làm nên thức uống này là hồng bì tươi, hai loại đường là đường phèn và đường hoa mai. Hồng bì ngon quả sẽ có màu vàng nâu, hơi lấm tấm xanh, vỏ mỏng có lông tơ, vị chua ngọt dễ chịu. Để ngâm hồng bì, cần kết hợp đường phèn lúc nấu và đường hoa mai lúc ngâm ủ để cân bằng độ chua và tạo nên sự ngọt dịu của hồng bì sau khi ngâm; ngoài ra còn có một số phụ liệu khác như gừng và muối hạt giúp hương vị thêm hài hòa.
Nước cốt hồng bì thành phẩm sẽ có độ sánh và nâu đậm đẹp mắt. Vị thơm đặc trưng tiết ra từ tinh dầu của vỏ hòa lẫn với vị ngọt dịu của nhân, tạo nên một nét rất riêng cho món ăn này. Hương vị đặc trưng của hồng bì ngâm đường là sự hòa quyện của vị chua thanh, ngọt nhẹ. Hồng bì ngâm đường có tác dụng thanh nhiệt, tiêu đờm, giảm ho.
Với nước cốt hồng bì, ta còn có thể tạo ra một khúc biến tấu khác cho mùa hạ. Trà ướp sen Tây Hồ kết hợp cùng quả hồng bì chín tạo ra hương vị thật đặc biệt. Nhấp một ngụm trà thấy có vị thanh mát chua ngọt, hương thơm của tinh dầu từ vỏ quả tiết ra, lại có cả vị chát nhẹ thoảng hương sen của trà... tất cả hòa quyện tạo nên hương vị mùa hạ.
Nếu có dịp khám phá, tìm hiểu nét ăn nét mặc của người Hà Nội, hãy dừng chân ghé một quán giải khát bất kỳ, thưởng thức một cốc trà sen hồng bì mát lạnh để làm dịu cơn khát của bạn, cảm nhận câu chuyện văn hóa về nguyên liệu đồ uống mùa hè mà các bà, các mẹ đã truyền lại, cảm nhận hương vị đặc trưng của một thức quả mang đậm ký ức của một thời…