Tâm bão Wipha đang ở trên vùng biển ven bờ Hưng Yên
Vào lúc 9h30 sáng 22/7, tâm bão số 3 Wipha đang nằm trên vùng biển ven bờ Hưng Yên - Ninh Bình, cách bờ biển Đồng Châu (Hưng Yên) khoảng 10 km với cường độ cấp 9 (74 - 88 km/h), giảm một cấp so với trước đó.
Bão đang đổ bộ vào đất liền khu vực Hưng Yên – Ninh Bình
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, vào 10h sáng 22/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20.2 độ Vĩ Bắc; 106.4 độ Kinh Đông, nằm trên đất liền ven biển giữa Hưng Yên và Ninh Bình. Sức gió mạnh nhất: Cấp 8 - 9 (62 - 88 km/h), giật cấp 11. Dự báo: Trong ba giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ khoảng 10 - 15 km/h.
09:30
Vùng mây hoàn lưu bão đang di chuyển về phía Hà Nội
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết theo ảnh vệ tinh, định vị sét và ảnh ra đa thời tiết, vùng mây ở phía Bắc hoàn lưu bão đang di chuyển vào khu vực Hà Nội, gồm các địa bàn như Sơn Tây, Tùng Thiện, Phúc Thọ, Thạch Thất, Hòa Lạc, Cổ Loa. Vùng mây này tiếp tục hình thành và phát triển, gây mưa trên địa bàn thành phố.
Trong bốn giờ tới, các phường nội thành Hà Nội như Việt Hưng, Bồ Đề, Hồng Hà, Ba Đình, Khương Đình có mưa rào và dông, vùng mưa có thể mở rộng ra các khu vực trung tâm khác. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Theo cơ quan khí tượng, từ đêm 21/7, Hà Nội đã có mưa nhưng lượng không lớn; sáng 22/7, gió bắt đầu tăng nhưng chưa mạnh. Nguyên nhân là vùng mây hoàn lưu bão chủ yếu tập trung ở phía Tây và Nam. Khi di chuyển sâu vào đất liền, bão suy yếu nên Hà Nội không có gió lớn, chủ yếu chịu ảnh hưởng bởi mưa.
Ảnh vệ tinh cho thấy hoàn lưu bão bắt đầu ảnh hưởng nhiều đến Hà Nội. Ảnh: NCHMF.
09:00
Tâm bão Wipha đang ở trên vùng biển ven bờ Hưng Yên
Vào lúc 9h00 sáng 22/7, tâm bão số 3 Wipha đang nằm trên vùng biển ven bờ Hưng Yên - Ninh Bình, cách bờ biển Đồng Châu (Hưng Yên) khoảng 10 km với cường độ cấp 9 (74 - 88 km/h), giảm một cấp so với trước đó.
Vị trí tâm bão.
08:30
Hà Nội: Khẩn trương ứng phó ngập lụt do bão
Sở Xây dựng Hà Nội vừa có văn bản gửi các đơn vị quản lý hạ tầng kỹ thuật và UBND các xã, phường đề nghị có các giải pháp phòng chống ngập úng do bão số 3 ở các điểm thường xảy ra ngập cục bộ như: hầm chui Đại lộ Thăng Long, các tuyến phố chính, các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ…
Sở Xây dựng lưu ý tăng cường duy trì hệ thống cống, rãnh, ga thu nước mặt..., đảm bảo khả năng tiêu thoát nước, giảm thời gian, chiều sâu úng ngập; vận hành hiệu quả trạm bơm Yên Sở, phối hợp vận hành phương án điều tiết đập Thanh Liệt tuân thủ quy trình và kế hoạch của Sở Xây dựng phục vụ tiêu thoát nước khu vực nội thành và hỗ trợ tiêu thoát nước cho khu vực sông Nhuệ.
Dùng bao cát và thanh gỗ chặn cửa kính trung tâm thương mại chống bão. Ảnh: Báo Dân trí.
Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội và các đơn vị duy trì thoát nước trên địa bàn thành phố đảm bảo vận hành ổn định, an toàn 100% công suất các trạm bơm, hồ điều hòa, các cửa phai, đập điều tiết, đảm bảo thoát nước hệ thống cống, kênh mương, sông phục vụ thoát nước đô thị; tổ chức tập kết đầy đủ máy móc thiết bị, nhân lực, phương tiện ứng trực 24/7 giải quyết úng ngập trên địa bàn quản lý.
Sở Xây dựng cũng đề nghị các cơ quan đơn vị, phường xã tuyên truyền vận động chủ sở hữu công trình thực hiện gia cố đảm bảo an toàn, tổ chức di dời, sơ tán người và tài sản ra khỏi khu vực không đảm bảo an toàn để phòng tránh thiên tai.
Khu vực Nhà hát Lớn Hà Nội trời mưa nhỏ. Ảnh: VnExpress.
Đối với các công trình nhà cao tầng có tầng hầm phải có biện pháp chống ngập tầng hầm, kiểm tra, rà soát tình trạng hoạt động của các thiết bị, máy móc đảm bảo bơm tiêu phòng chống úng ngập và an toàn phòng cháy, chữa cháy trong tầng hầm; xây dựng phương án chuẩn bị địa điểm và tổ chức thực hiện việc di dời dân cư khi công trình xuất hiện tình trạng nguy hiểm do thiên tai gây ra.
Công ty Công viên cây xanh Hà Nội và các đơn vị duy trì cây xanh trên địa bàn thành phố phối hợp với UBND các phường, xã kịp thời giải tỏa cây đổ cành gẫy đảm bảo an toàn tỉnh mạng, tài sản nhân dân, đảm bảo giao thông; kịp thời giải tỏa cây, cành cây gãy đổ không để xảy ra ùn tắc giao thông; tổ chức trồng lại cây xanh nghiêng đổ, bật gốc trong thời gian quy định sau khi kết thúc đợt thiên tai đảm bảo cảnh quan đô thị.
08:00
Vùng ven biển trong bão số 3 cực kỳ nguy hiểm
Cơ quan khí tượng cảnh báo vùng ven biển trong bão số 3 ở các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên… cực kỳ nguy hiểm, không an toàn cho bất cứ tàu thuyền, công trình nào hoạt động trong khu vực này.
Theo tin từ Cục Khí tượng Thủy văn, tính đến lúc 7 giờ sáng nay (22/7), vị trí tâm bão ở khoảng 20,2 độ Vĩ Bắc; 106,7 độ Kinh Đông cách Hải Phòng khoảng 67 km về phía Đông Nam, cách Hưng Yên khoảng 25 km về phía Đông, cách Ninh Bình khoảng 45 km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất: Cấp 9 (75 - 88 km/h), giật cấp 11. Trong những giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ khoảng 15 km/h.
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, ở đặc khu Bạch Long Vĩ đã có gió mạnh cấp 10, giật cấp 12; đặc khu Cô Tô có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11; Cát Bà (đặc khu Cát Hải) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; Cửa Ông có gió mạnh cấp 9, giật cấp 12; Bãi Cháy có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9; Quảng Hà có gió mạnh cấp 8; Tiên Yên có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9; trạm Thái Bình có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8; Móng Cái có gió mạnh cấp 6, giật cấp 9…
Ở khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Thanh Hoá, Nghệ An có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 70 - 150 mm, có nơi trên 200mm.
Biển Đồ Sơn có sóng rất lớn. Ảnh: VnExpress.
Dự báo nước dâng do bão sẽ gây ngập lụt khu vực ven biển, của sông. Vùng ven biển Hưng Yên - Quảng Ninh có nước dâng do bão cao từ 0,5 - 1,0m. Mực nước tại Ba Lạt (Hưng Yên) cao 2,4 - 2,6m, Hòn Dấu (Hải Phòng) cao 3,9 - 4,1m, tại Cửa Ông (Quảng Ninh) cao 4,6 - 5,0m và tại Trà Cổ (Quảng Ninh) cao 3,6 - 4,0m.
Cơ quan khí tượng cảnh báo thời tiết trên biển, vùng đất liền ven biển trong bão cực kỳ nguy hiểm, không an toàn cho bất kỳ phương tiện, công trình nào hoạt động trong vùng nguy hiểm như: Tàu du lịch, tàu chở khách, tàu vận tải, lồng, bè, khu nuôi trồng thuỷ sản, đê, kè, tuyến đường ven biển. Các phương tiện có khả năng cao bị lật úp, phá huỷ, ngập úng do gió mạnh, dông, lốc, sóng lớn và nước biển dâng.
Trên đất liền, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An có gió mạnh cấp 6 - 7, vùng gần tâm bão cấp 8 - 9, giật cấp 12; khu vực sâu trong đất liền các tỉnh/thành Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nội, Ninh Bình và Thanh Hoá có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7 - 8. Gió cấp 9 có thể làm gãy cành cây, tốc mái nhà gây thiệt hại về nhà cửa.
Về lượng mưa, dự báo từ ngày 22/7 đến ngày 23/7, ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An mưa to đến rất to và dông với lượng mưa phổ biến 100 - 200mm, cục bộ có nơi trên 300mm; các nơi khác ở khu vực Bắc Bộ và Hà Tĩnh có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 50 - 100mm, cục bộ có nơi trên 150mm. Cảnh báo nguy cơ mưa có cường suất lớn (>150mm/3h). Lượng mưa lớn trong thời gian ngắn có thể gây lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng thấp.
07:00
Bão số 3 đổ bộ Hưng Yên - Ninh Bình vào 10-14h trưa nay
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm cho biết đến thời điểm này bão số 3 đã tiến rất sát với khu vực đất liền nước ta.
Tính đến 6 giờ sáng, tâm bão còn cách Hưng Yên – Ninh Bình khoảng gần 70 km và cách Thanh Hóa khoảng 100 km. Theo dự báo, khoảng sau 10 giờ sáng 22/7, bão số 3 sẽ đi sâu vào đất liền, ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực từ Hải Phòng trở vào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão đạt cấp 9, giật cấp 10 - 11; khi vào sâu trong đất liền vẫn duy trì gió mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8.
Ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, do hoàn lưu bão số 3 rất rộng, từ đêm 21/7 đến sáng 22/7, các tỉnh ven biển Bắc Bộ đã có mưa lớn, nhiều nơi lượng mưa đã vượt 200 mm. Dự báo trong ngày 22/7 và ngày 23/7, mưa tiếp tục gia tăng, phổ biến từ 200 - 300 mm, có nơi trên 500 mm. Khu vực mưa lớn tập trung ở Ninh Bình, Thanh Hóa và Nghệ An; các khu vực khác cũng có mưa phổ biến 100 - 200 mm.
Ông Khiêm khuyến cáo, lượng mưa rất lớn hiện nay có nguy cơ gây ngập úng tại đô thị, đồng thời làm tăng nguy cơ lũ quét và sạt lở đất, không chỉ trong hôm nay mà có thể kéo dài 2-3 ngày tới.
06:11
Di dân chung cư G6A Thành Công - Giảng Võ - Hà Nội
Toàn bộ hộ dân đang sinh sống tại chung cư G6A Thành Công (chung cư nguy hiểm cấp độ D) đã được chính quyền vận động, tổ chức di dời trong tối 21/7 để tránh bão Wipha. Đêm qua (21/7), Chủ tịch UBND phường Giảng Võ Cồ Như Dũng cho biết, chính quyền phường đã hoàn thành công tác tuyên truyền vận động người dân di dời khỏi chung cư G6A Thành Công để tránh trú bão.
Theo ông Dũng, các lực lượng, đoàn thể đã tích cực tham gia vận động từ tối 21/7 và nhận được sự ủng hộ đồng thuận của người dân nên việc di dời diễn ra ngay tối cùng ngày. Đến 21h hộ dân cuối cùng đã dời khu chung cư đến nơi lưu trú tạm do chính quyền bố trí.
"Tổng cộng có 18 nhân khẩu đang sinh sống tại 8 căn hộ, trong đó có 2 người trên 75 tuổi và 2 thiếu niên dưới 14 tuổi", Chủ tịch phường Giảng Võ thông tin và cho biết sau khi người dân tạm di dời, chính quyền bố trí lực lượng dân quân chốt trực để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tài sản của người dân.
Cũng theo lãnh đạo phường Giảng Võ, trong thời gian người dân phải tạm di dời tránh bão, chính quyền sẽ hỗ trợ nhu cầu thiết yếu cho nhân dân tránh trú ảnh hưởng của bão Wipha.
Các hộ dân tại chung cư G6A Thành Công di dời khỏi nơi ở.
05:30
Bão Wipha cách Hải Phòng gần 70 km
Vị trí tâm bão lúc 4 giờ sáng được xác định ở vào khoảng 20,5 độ Vĩ Bắc; 107,2 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ. Khoảng cách tới các địa phương hiện rất gần: cách Hải Phòng 70 km, cách Hưng Yên 80 km, cách Ninh Bình 110 km.
Bão đang di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ khoảng 15 km/giờ. Dự báo đến 13 giờ chiều 22/7, tâm bão sẽ nằm trên vùng biển ven bờ các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình, sức gió không đổi ở cấp 10, giật cấp 13.
Đến 1 giờ sáng 23/7, tâm bão số 3 sẽ đi sâu vào đất liền khu vực Hải Phòng - Thanh Hóa, suy yếu còn cấp 8, giật cấp 10, trước khi tan dần trên khu vực Thượng Lào.
Đường đi bão số 3.
05:00
Hải Phòng sẵn sàng ứng phó với bão số 3
Hải Phòng được dự báo là một trong những điểm có khả năng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi bão Wipha đổ bộ. Khoảng 4 giờ sáng 22/7, tại khu vực Đồ Sơn đã bắt đầu xuất hiện mưa to kèm theo gió giật mạnh. Theo dự báo, hoàn lưu bão sẽ tiếp tục gây mưa to trên diện rộng trong nhiều giờ tới. Sóng biển cao từ 2 mét trở lên liên tục đánh vào bờ, nhiều khu vực dọc tuyến đê biển đã được lực lượng chức năng khoanh vùng, cắm biển cảnh báo nguy hiểm và cấm người dân qua lại.
Chính quyền địa phương đã chủ động sơ tán người dân sống tại các khu vực trũng thấp, ven sông và những vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn. Các tàu thuyền đã được yêu cầu neo đậu tập trung và không ra khơi từ chiều hôm qua.
Lực lượng bộ đội, công an, dân quân tự vệ cùng các tổ xung kích phòng chống bão đã được bố trí túc trực suốt đêm, sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống khẩn cấp xảy ra.
04:30
Hưng Yên ứng phó với bão số 3
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, tỉnh Hưng Yên đã triển khai đồng loạt các biện pháp phòng, chống nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Theo dự báo, bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn tỉnh, gây ra gió mạnh, mưa lớn và nguy cơ ngập úng trên diện rộng trong hôm nay.
Theo báo cáo, tỉnh Hưng Yên có tổng cộng hơn 1.100 tàu, thuyền với khoảng 3.200 lao động. Đến chiều ngày 21/7, toàn bộ các phương tiện đã giữ liên lạc; trong đó, toàn bộ tàu thuyền đã neo đậu an toàn trong tỉnh. Tỉnh cũng có gần 2.000 đầm ngoài đê và chòi canh ngao với gần 2.300 lao động. Đến nay, toàn bộ lao động và phương tiện đã vào nơi tránh trú an toàn.
Ông Hoàng Văn Thụ - Trưởng phòng tổ chức hành chính – Tập đoàn may Đại Dương cho biết, rút kinh nghiệm từ bão cơn bão Yagi năm ngoái, đơn vị này đã quyết định chuẩn bị khoảng 1.000 bịch nước để gia cố hàng nghìn m2 mái tôn nhà xưởng. Công việc được hoàn thiện gấp rút bất chấp mưa gió nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại.
04:00
Quảng Ninh, Thanh Hoá, Ninh Bình ứng phó với bão số 3
Tại Quảng Ninh: Trong đêm 21/7 và sáng 22/7, tại tỉnh Quảng Ninh đã ghi nhận mưa lớn kéo dài kèm gió giật mạnh. Từ 22h tối 21/7, lực lượng chức năng đã tạm thời cấm xe máy lưu thông qua cầu Bãi Cháy để đảm bảo an toàn cho người dân.
Cán bộ, chiến sĩ Ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ninh) giúp nhân dân ứng phó bão số 3. Ảnh: QĐND.
Tại Thanh Hoá: Để ứng phó bão số 3, thực hiện lệnh cấm biển, gần 1.000 tàu, thuyền của cư dân tại phường Sầm Sơn đã được đưa lên bờ tránh trú an toàn. Gần 10.000 dân của phường đã được thông báo về sự khó lường của cơn bão Wipha. Tại khu vực ven biển dài 6,3 km, các hộ kinh doanh trong chiều tối 21/7 đa tập gia cố các điểm sung yếu của ngôi nhà, sử dụng bao cát chắn nước, bao cát đặt trên mái chống tốc mái.
Tại Ninh Bình: Tại khu du lịch biển Quất lâm, xã Giao Ninh, tỉnh Ninh Bình vào đêm 21/7 và rạng sáng 22/7, mưa khá nặng hạt và gió giật mạnh, mực nước biển cũng đang dần dâng cao. Ban Phòng chống bão lũ của xã Giao Ninh cũng túc trực xuyên đêm thực hiện các phương án phòng chống kịp thời. Ngay từ chiều 21/7, các ki-ôt và các hộ kinh doanh gần biển cũng đã đóng cửa để gia cố lại, tàu thuyền cũng được neo đậu chắc chắn.