Cảnh báo thủ đoạn 'bắt cóc online'
Nhiều sinh viên tại Hà Nội đã bị lừa đảo, ép vào phòng kín rồi uy hiếp tinh thần, buộc tự tống tiền gia đình để thoát thân.
Thời gian qua, liên tiếp nhiều sinh viên tại Hà Nội bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bởi chiêu trò đe dọa tinh thần, dồn nạn nhân vào một căn phòng kín. Sau đó uy hiếp tinh thần, buộc nạn nhân phải tự tống tiền chính gia đình mình để thoát thân.
Đáng nói, tất cả các hoạt động đe dọa, uy hiếp, bắt cóc này đều diễn ra online, thông qua các cuộc gọi video. Mới đây, một nữ sinh tại phường Xuân Phương, thành phố Hà Nội đã thoát nạn trong gang tấc sau khi bị nhóm giả danh công an gọi diện “bắt cóc online”.
Chỉ sau một cuộc gọi lạ từ người tự xưng là công an, cô sinh viên 19 tuổi này đã thực sự tin mình đang dính vào một vụ án buôn bán ma túy, bị công an điều tra. Các đối tượng bên kia đầu dây điện thoại hướng dẫn em phải cắt liên lạc với gia đình, trốn khỏi nhà tại phường Xuân Phương, Hà Nội để lên xe vào tỉnh Tây Ninh. Mỗi hành động, lời nói của em đều được chúng kiểm soát chặt chẽ qua các cuộc gọi video ngầm.
Sau khi nhận được tin báo phải chuyển tiền để giao cho công an, gia đình nữ sinh đã nghi ngờ đây là một thủ đoạn lừa đảo nên trình báo cơ quan chức năng tại địa phương. Sự tỉnh táo, hiểu biết và may mắn đã giúp em trở về nhà an toàn và không gặp phải cảnh “tiền mất tật mang”. Các đối tượng lừa đảo trong thời đại công nghệ số, không chỉ dừng lại ở những chiêu trò chiếm đoạt tài sản thường thấy mà bọn chúng sẵn sàng xây dựng kịch bản, dẫn dụ nạn nhân tự nhốt mình, chủ động tống tiền gia đình để giao nộp cho chúng. Thậm chí, đây là nguồn cơn dẫn đến các vụ việc bắt cóc, buôn bán người thương tâm.
Trung tá Hà Huy Bình - Trưởng Công an xã Quảng Oai, Hà Nội cho biết: "Các đối tượng đã sử dụng nhiều phương thức thủ đoạn để khiến người dân tin tưởng hoặc đe dọa để giao nộp tài khoản chuyển tiền cho các đối tượng. Và công tác điều tra khám phá các vụ án lừa đảo qua mạng gặp rất nhiều khó khăn do các đối tượng là đối tượng ảo trên mạng, các đối tượng sử dụng các công cụ viễn thông như số điện thoại, trang zalo, trang cá nhân zalo, facebook ảo dẫn đến gặp rất nhiều khó khăn."
Tình trạng "bắt cóc online" nổi lên gần đây khi nhóm tội phạm hướng đến nạn nhân là học sinh, sinh viên, hoặc những người trẻ ít kinh nghiệm sống. Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân cần cảnh giác, đồng thời chủ động tuyên truyền cho người thân, bạn bè về phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này. Để làm việc với người dân, công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương chứ không gọi điện yêu cầu chuyển tiền hay cài đặt phần mềm.