Đan Mạch làm Chủ tịch luân phiên EU: Thách thức bủa vậy
Đan Mạch tiếp nhận chức Chủ tịch luân phiên EU vào thời điểm quan trọng đối với khu vực, gặp nhiều thách thức trong việc giải quyết các vấn đề về địa chính trị, an ninh và quốc phòng.
Từ ngày 1/7, Đan Mạch tiếp nhận từ Ba Lan cương vị Chủ tịch liên phiên EU. Trong thời gian nửa năm tới sẽ là lần thứ 8 Đan Mạch đảm nhận trọng trách này kể từ khi gia nhập EU vào năm 1973. Nửa năm vừa qua, Ba Lan không có được thành công dẫn dắt EU nên gánh nặng đối với Đan Mạch càng thêm lớn.Tuy nhiên, nếu kiến tạo được nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên EU thành công trong bối cảnh tình hình hiện tại, Đan Mạch có thể thu về rất nhiều danh lợi.
Điều này không dễ dàng bởi Đan Mạch hiện còn khó khăn hơn nhiều so với Ba Lan. Tiêu đề được Đan Mạch xác định và đưa ra cho nhiệm kỳ Chủ tịch EU là "Vì một châu Âu hùng mạnh trong một thế giới đang chuyển đổi". Đan Mạch gửi gắm trong tiêu đề ấy hai trọng tâm chính sách: an ninh và năng lực cạnh tranh cho châu Âu, cụ thể là đảm bảo an ninh cho châu Âu và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế của châu Âu trên mọi phương diện nói chung và về kinh tế, thương mại và công nghệ nói riêng. Qua đó, châu Âu được kỳ vọng hùng mạnh hóa để có thể vượt qua được mọi thách thức, rủi ro và đe doạ trong thế giới hiện đại.
Thách thức đối với Đan Mạch là EU rạn nứt nội bộ liên quan đến vấn đề hậu thuẫn Ukraine trong cuộc chiến tranh giữa Nga - Ukraine. Hungary và một vài thành viên khác của EU không đồng thuận với quan điểm chính sách và định hướng hành động của EU đối với Ukraine và Nga. Đan Mạch là một trong số những thành viên EU và NATO ủng hộ Ukraine nhiệt thành nhất và đối địch Nga quyết liệt nhất. Vì vậy, việc tạo dựng nên sự đồng thuận trọng nội bộ EU về những vấn đề này gần như bất khả thi đối với Đan Mạch. Những vấn đề khác như tăng cường vũ trang, bảo vệ khí hậu trái đất, xiết chặt chính sách nhập cư và tị nạn.... đều là những việc EU đã quyết và giờ chỉ tiếp tục làm, cũng không thể là dấu ấn riêng của Đan Mạch.
Một thách thức khác với Đan Mạch là cuộc thương chiến thuế quan bảo hộ thương mại giữa Mỹ và EU sắp đến thời khắc quyết liệt. Bản thân Đan Mạch cũng đang bị chính quyền mới ở Mỹ gây hấn với ý tưởng thôn tính đảo Greenland của Đan Mạch. Đan Mạch phải ứng phó Mỹ sao cho vừa bảo vệ được đảo Greenland, vừa bảo vệ được lợi ích của EU trong cuộc thương chiến với Mỹ mà vẫn phải tranh thủ và níu kéo Mỹ.
Trước khó khăn và thách thức bủa vây, liệu Đan Mạch có thể kiến tạo nên nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên EU thành công?