Dấu ấn khối ngoại trong tháng 7

Song hành với đà tăng của chỉ số VN-Index trong những ngày đầu tháng 7 là sự trở lại mạnh mẽ của dòng vốn ngoại khi họ đã mua ròng hơn 10.300 tỷ đồng.

Đây là một tín hiệu rất đặc biệt vì trong hầu hết thời gian từ năm 2023 cho đến nay, xu hướng chính của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam là bán ròng. Chỉ tính riêng trên sàn HoSE, cả năm 2023, khối ngoại đã bán ròng gần 24.700 tỷ đồng. Sang năm 2024, họ tiếp tục bán ròng với quy mô còn lớn hơn, lên tới gần 90.300 tỷ đồng và trong nửa đầu năm 2025, họ bán ròng thêm gần 40.000 tỷ đồng. 

Về cơ bản, thị trường chứng khoán Việt Nam "bập bùng" đi ngang trong suốt hai năm trở lại đây, trong bối cảnh khối ngoại liên tục rút vốn. Đến tháng 7/2025, thị trường bất ngờ khởi sắc cùng với lực mua mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài.

Thống kê giao dịch từ FiinPro cho thấy, dòng tiền từ khối ngoại đổ vào trong những ngày đầu tháng 7 vừa qua là động lực tăng trưởng chính của thị trường. Tuy nhiên, nếu nói khối ngoại đổ tiền vào là thị trường sẽ tăng, điều này lại không hoàn toàn đúng với dữ liệu trong quá khứ. 

Ví dụ, vào Quý IV năm 2022, khi các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng tới gần 27.300 tỷ đồng, chỉ số VN-Index giảm điểm tới hơn 11% trong cùng giai đoạn đó. Nói cách khác, họ đã từng mua vào khi thị trường giảm điểm và sau đó bán ra khi thị trường tăng điểm trở lại. Nhìn chung, họ luôn giao dịch khôn ngoan như vậy, mua khi giảm điểm và bán khi tăng điểm. 

Dòng vốn của khối ngoại trong lần này còn có một điểm đáng chú ý là câu chuyện liên quan đến thuế quan. Theo thống kê của FiinPro, từ ngày 3-8/4, khối ngoại đã bán ròng tới hơn 8.600 tỷ đồng chỉ trên 10 mã bị bán mạnh nhất, ngay sau khi Mỹ thông báo về khả năng áp thuế quan đối ứng. Tuy nhiên, với những mã cổ phiếu này, nếu tính từ đó đến nay, khối ngoại gần như đã mua lại toàn bộ số cổ phiếu đã bán ra. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài dường như đã gạt đi những lo lắng ban đầu về chính sách thuế quan đối ứng từ phía Mỹ. Hoặc họ nhận thấy rằng, so với các nước khác, chính sách thuế mà Mỹ có thể áp lên Việt Nam có vẻ đỡ tiêu cực hơn?

Câu chuyện về khối ngoại trong 10 ngày đầu tháng 7 cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam đang phụ thuộc khá nhiều vào các giao dịch của nhóm nhà đầu tư này. Trong khi đó, từ trước đến nay, động lực tăng và giảm điểm của thị trường là từ nhóm các nhà đầu tư cá nhân trong nước. 

Một câu hỏi quan trọng được đặt ra là: Liệu khi nào nhà đầu tư nước ngoài sẽ lại bán ra? Có thể là để chốt lời sau một đợt tăng giá hay đơn giản là để cơ cấu lại danh mục đầu tư. Khi đó, thị trường sẽ diễn biến như thế nào?

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời