Doanh nghiệp Việt tích cực chuyển đổi xanh
Không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu, nhiều doanh nghiệp Việt đã bắt đầu chuyển đổi xanh bằng những bước đi cụ thể.
Từ doanh nghiệp bán lẻ đến sản xuất, các doanh nghiệp trong nước đang chủ động bắt nhịp xu hướng này bằng những hành động thiết thực.
Trung tâm Bách hóa Tổng hợp và Siêu thị AEON Xuân Thủy đã triển khai dịch vụ cho thuê túi môi trường và ghi nhận 22.000 lượt thuê trong năm 2024. Theo đó, khách hàng không sử dụng túi nilon có thể thuê túi tái chế với giá 5.000 đồng và được hoàn tiền 100% khi trả lại túi. Bên cạnh việc ngừng kinh doanh sản phẩm nhựa dùng một lần, doanh nghiệp áp dụng nhiều ưu đãi để khuyến khích khách hàng hạn chế sử dụng túi nilon.
Bà Lê Thị Hương Thắm, Giám đốc Trung tâm Bách hóa Tổng hợp và Siêu thị AEON Xuân Thủy chia sẻ: “Với mỗi giao dịch không sử dụng túi nilon, chúng tôi sẽ trừ ngay 1.000 đồng. Vào mỗi thứ Hai hàng tháng, chúng tôi có ngày không túi nilon, không phát túi nilon cho khách hàng. Ngoài ra chúng tôi có dịch vụ thuê túi "rent a bag", cho khách hàng thuê túi với giá 5.000 đồng. Chúng tôi cũng bày bán sẵn túi eco thâm thiện môi trường ngay gần quầy thanh toán để khách hàng mua khi có nhu cầu”.
Không chỉ ngành bán lẻ, những doanh nghiệp sản xuất cũng đang từng bước ứng dụng đổi mới công nghệ để xanh hóa quy trình. Đơn cử như Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau đã chủ động nghiên cứu chế tạo sản phẩm đa chức năng, vừa tiết kiệm chi phí cho nông dân, vừa giảm thất thoát ra môi trường.
Ông Văn Tiến Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) cho hay: “Chúng tôi cũng đã phát triển những dòng phân bón giúp nông dân tiết giảm lượng sử dụng, giảm thiểu sự ảnh hưởng đến môi trường đất và nước. Xa hơn nữa, chúng tôi đã phát triển thành một bộ giải pháp dinh dưỡng để sử dụng hiệu quả, hợp lý. Chúng tôi cũng phát triển phân bón hữu cơ và các chế phẩm sinh học để cải thiện môi trường đất và nước tại các vùng canh tác nông nghiệp. Sắp tới chúng tôi sẽ thành lập một trung tâm nghiên cứu phát triển ở huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An để lập được bản đồ thổ nhưỡng, phân tích tính chất của đất và tư vấn cho nông dân áp dụng những giải pháp canh tác phù hợp”.
Theo khảo sát của Ban IV (Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng), có 48,7% doanh nghiệp cho rằng, việc giảm phát thải và chuyển đổi xanh là cần thiết hoặc rất cần thiết. Điều này cho thấy nhận thức đang dần thay đổi trong cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho biết: “Có thể nói chuyển đổi xanh là một quá trình tất yếu. Nó không chỉ là câu chuyện cam kết chính trị của các quốc gia, các lãnh đạo thế giới, mà quan trọng hơn, nó là câu chuyện của thị trường, của chính đòi hỏi từ người tiêu dùng. Tôi muốn nhấn mạnh sự chuẩn bị, sẵn sàng thay đổi từ quản trị doanh nghiệp, từ tầm nhìn doanh nghiệp. Và nếu làm được điều đó, cùng với văn hóa doanh nghiệp nữa thì sẽ có được những bước đi cần thiết để bắt nhịp với đòi hỏi tất yếu là chuyển đổi xanh”.
Ông Frederick Teo - CEO Gen Zero, Tập đoàn Temasek Holdings, Singapore nhận định: “Việt Nam là một quốc gia có nền kinh tế trẻ và năng động với các ngành quan trọng như nông nghiệp và năng lượng - những lĩnh vực có tiềm năng lớn để khử carbon và chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Singapore có thể hỗ trợ cho Việt Nam trong vấn đề chi phí chuyển đổi, cũng như các giải pháp đổi mới như thị trường carbon và tín chỉ carbon, qua đó hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi ngành nông nghiệp và năng lượng sang hướng bền vững hơn”.
Chuyển đổi xanh không còn là xu hướng, mà đang trở thành tiêu chuẩn mới trong phát triển kinh tế. Dù còn nhiều thách thức về chi phí và công nghệ, nhưng sự chủ động của doanh nghiệp Việt Nam trong việc thích ứng, thay đổi và hợp tác là tín hiệu tích cực cho một tương lai tăng trưởng xanh - bền vững - có trách nhiệm.