Giữ màu xanh Hà Nội sau bão
Cây xanh đô thị không chỉ để làm đẹp, mà còn cần được quy hoạch, chăm sóc và quản lý như một hạ tầng sống - để mỗi mùa bão đến, người dân không còn lo cây gãy, đổ đầy đường phố.
Mỗi khi mùa mưa bão về, tình trạng cây xanh gãy, đổ trên các tuyến phố lại trở thành nỗi ám ảnh của người dân. Cơn dông lốc chiều 19/7 vừa qua đã khiến nhiều khu vực tại Hà Nội hứng chịu thiệt hại.
Tại khu chung cư CT6, thuộc tổ dân phố 17 (phường Kiến Hưng), cơn dông chiều 19/7 đã làm bật gốc và gãy nhiều cây xanh quanh khuôn viên. Những thân cây đổ ngã chắn lối đi bộ, khu vực để xe và tiềm ẩn nguy hiểm cho cư dân sinh sống tại đây.
Không chỉ riêng tại phường Kiến Hưng, tình trạng cây xanh gãy đổ còn xảy ra trên nhiều tuyến phố và khu dân cư khác ở Hà Nội. Theo thống kê, đã có 941 cây xanh bị đổ và gãy sau dông lốc, làm cản trở giao thông và gia tăng nguy mất an toàn cho người dân.
Ngay sau dông lốc, các lực lượng chức năng đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường. Cây gãy, cành đổ được xử lý kịp thời để bảo đảm an toàn cho người dân và duy trì giao thông thông suốt. Không chỉ là nhiệm vụ của ngành chức năng, công tác khắc phục hậu quả sau dông lốc còn nhận được sự tham gia tích cực từ chính quyền cơ sở và người dân địa phương. Tổ dân phố huy động lực lượng dân phòng, đoàn viên thanh niên cùng chung tay thu dọn cây gãy, quét dọn đường phố.
Theo ông Bùi Thanh Bình, Đội phó Đội an ninh cơ sở Tổ dân phố 17 (phường Kiến Hưng), qua người dân phản ánh và tuần tra, lực lượng chức năng đã dùng cưa máy cắt, tỉa và chở đi, không để ảnh hưởng, gián đoạn đến giao thông của người dân.
Chỉ cách đây một năm, bão Yagi đã quét qua Hà Nội cũng gây thiệt hại lớn cho cây xanh đô thị với nhiều cây cổ thụ bật gốc, gãy đổ, gây gián đoạn giao thông và nguy cơ mất an toàn. Sau bão, công tác kiểm tra, chặt tỉa cây xanh được tăng cường để giảm thiểu thiệt hại.
Dông lốc mùa hè đến nhanh và đi cũng nhanh, nhưng hậu quả để lại thì không hề nhỏ. Bên cạnh nỗ lực của ngành chức năng, mỗi người dân cần chủ động phòng tránh, hạn chế ra đường khi mưa gió lớn và tránh đứng, đỗ xe dưới tán cây trong mùa bão.
Dọn dẹp và phục hồi cây xanh
Chiều ngày 20/7, TP.HCM cũng bất ngờ hứng chịu một đợt dông lốc dữ dội khiến hàng loạt cây xanh bật gốc, nhà cửa tốc mái, giao thông ùn tắc. Chỉ trong vòng chưa đầy một giờ, mưa lớn kèm lốc xoáy khiến nhiều cây xanh tại các địa phương trung tâm thành phố gãy đổ đè lên ô tô, nhà dân và chắn ngang mặt đường. Dù không gây thiệt hại về người nhưng người dân cảm thấy lo lắng trong những ngày này, mỗi khi thấy thời tiết chuyển xấu.
Anh Nguyễn Tấn Lộc (phường Gia Định, TP.HCM) cho biết: “Thường xuyên tham gia giao thông trên đường, mỗi lúc trời mưa tôi rất sợ cây đổ ngã, nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của mình cũng như những người xung quanh".
Ông Lê Đình Quyết, Đài Khí tượng Thuỷ văn Nam bộ thông tin: “Hoạt động của cơn bão với cường độ tương đối là mạnh, chính vì vậy đã nối với dãy hội tụ nhiệt đới cũng đang hoạt động ở trên khu vực Bắc Bộ tạo thành nơi hút gió, kích hoạt cho gió Tây Nam hoạt động mạnh hơn, làm thời tiết khu vực Nam Bộ mưa nhiều, kèm theo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác như dông, sét, gió giật mạnh trong những ngày vừa qua và những ngày sắp tới sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng”.
Trong cơn dông chiều 20/7, lượng gió đo được tại trung tâm TP. HCM có sức gió giật trên cấp 9. Dự báo trong những ngày tới sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng hoàn lưu bão, do đó, Công ty Công viên Cây xanh TP. HCM cho biết, tại những khu vực trọng yếu, nơi tập trung đông người, trước các tòa nhà cao tầng, các trường học..., công ty sẽ tăng cường kiểm tra để đảm bảo an toàn cho người dân và giảm thiểu thiệt hại do cây xanh gây ra; đồng thời khi xảy ra mưa dông, người dân nên hạn chế di chuyển ngoài đường.
Chủ động cắt tỉa cây trước bão
Các cành cây lớn được hạ độ cao, tán rậm được cắt tỉa gọn gàng - đây là những công đoạn được thực hiện định kỳ và tăng cường trong mùa mưa bão, nhất là tại những khu vực có nhiều cây cổ thụ, nằm sát nhà dân, trường học và trục giao thông chính, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản.
Không còn tâm lý trông chờ hay bị động, nhiều tổ dân phố tại Hà Nội đang thể hiện rõ tinh thần chủ động phòng chống bão ngay từ cấp cơ sở. Từ các ngõ nhỏ, tuyến phố nội đô đến khu dân cư ven đô, người dân cùng các lực lượng tự quản như dân phòng, đoàn viên thanh niên, tổ bảo vệ dân phố đã đồng loạt ra quân cắt tỉa cây xanh, xử lý các tán cây rậm rạp, nhất là tại những vị trí gần dây điện, trạm biến áp, trường học hay lối đi chung. Chính sự vào cuộc từ sớm và đồng lòng giữa chính quyền và cộng đồng đang tạo nên một lá chắn an toàn, giúp hạn chế thiệt hại có thể xảy ra khi mưa bão ập đến.
Không đợi đến khi bão đổ bộ mới hành động, Hà Nội đang từng bước hình thành thói quen ứng phó chủ động với thiên tai, bắt đầu từ những việc làm cụ thể như cắt tỉa cây xanh, giữ an toàn cho từng tuyến phố, từng khu dân cư. Sự vào cuộc đồng bộ của các lực lượng chức năng, cùng tinh thần trách nhiệm của người dân ở cơ sở, đang góp phần quan trọng tạo nên một đô thị an toàn hơn, bền vững hơn trước những biến đổi bất thường của thời tiết. Phòng là chính và khi cả cộng đồng cùng hành động, mỗi mùa mưa bão sẽ không còn là nỗi lo thường trực.