Hà Nội chủ động ứng phó với bão số 3

Thủ đô Hà Nội dường như đang đi qua cơn bão số 3 một cách nhẹ nhàng do có sự chuẩn bị chủ động, tích cực của chính quyền và người dân.

Không đợi đến khi bão đổ bộ, nhiều hộ dân tại Hà Nội đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống thiên tai. Việc nâng cao nhận thức và sự chuẩn bị sớm không chỉ giảm thiểu thiệt hại mà còn cho thấy vai trò ngày càng chủ động của người dân trước diễn biến cực đoan của thời tiết.

Người dân Hà Nội chủ động phòng chống bão số 3

Bài học từ năm ngoái vẫn còn nguyên giá trị với gia đình anh Nguyễn Hồng Sơn, thôn Phúc Lâm Hạ, xã Phúc Sơn. Cơn bão Yagi năm 2024 đã khiến hơn 2 mẫu ruộng trồng hoa huệ và dưa của anh bị ngập úng, dập nát; nhà lưới bị tốc mái; thiệt hại ước tính hơn 200 triệu đồng. Năm nay, khi cơn dông lốc chiều 19/7 lại bất ngờ quét qua, mái nhà lưới tiếp tục bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nhờ cảnh báo kịp thời từ chính quyền xã cùng kinh nghiệm rút ra từ năm trước, anh Sơn đã kịp thời gia cố, chằng chống mái nhà lưới và che chắn lại khu vườn.

“Xã đã cử cán bộ xuống tận gia đình chúng tôi thăm hỏi và hướng dẫn chúng tôi cách chằng, chống vườn rau, hoa màu. Bên vườn nhà tôi cơ bản đã ổn định", anh Sơn chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Chí, Bí thư Chi bộ thôn Phúc Lâm Hạ (xã Phúc Sơn, TP. Hà Nội) cho biết: “Chúng tôi đã tới động viên, thăm hỏi các hộ và nhắc nhở phòng chống bão để giảm tối đa thiệt hại".

Sống cùng xã Phúc Sơn, anh Kim Mộng Tưởng cũng đang khẩn trương gia cố chuồng trại, chằng chống nhà cửa, chuẩn bị bạt quây vịt, lưới chắn ao cá. Với hơn 3.000 con vịt đẻ và 1.500 con vịt thịt, cùng hơn 1ha ao vườn, nếu bão vào mà không kịp ứng phó thiệt hại sẽ rất lớn, anh Tưởng cho biết.

Không chỉ vận động người dân chủ động ứng phó, xã Phúc Sơn - một địa phương giáp ranh đồi núi, lại nằm gần sông Bùi và sông Đáy cũng đã chuẩn bị sẵn các phương án sơ tán dân khỏi vùng ngập nếu tình huống xấu xảy ra.

Ông Nguyễn Đình Nguyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND xã Phúc Sơn cho rằng: “Vấn đề chúng tôi lo hơn cả là hai địa bàn giáp với tuyến đê sông Bùi và sông Đáy. Như đợt bão năm trước, nước sông lên rất nhanh nên một số khu vực gần sông bị nước tràn vào nhà cửa, gây nhiều thiệt hại. Chúng tôi cũng đã chủ động theo sát tình hình để có phương án di dời dân phù hợp".

Tại phường Hồng Hà, một địa phương ven sông Hồng, sau trận dông lốc ngày 19/7 gây đổ cây, tốc mái, người dân cũng đã nâng cao cảnh giác. Việc chủ động che chắn nhà cửa, cắt tỉa cây xanh trước bão đã trở thành phản xạ tự nhiên với nhiều hộ dân.

Sự chủ động, cảnh giác và ý thức phòng chống thiên tai từ người dân chính là yếu tố then chốt, góp phần giảm thiểu tối đa thiệt hại.

Hà Nội kích hoạt các phương án phòng chống bão

Trước tình hình phức tạp của bão số 3, các xã, phường trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có công tác chuẩn bị từ sớm trong nhiều trường hợp. Tại UBND xã Phúc Sơn, hội nghị triển khai công tác phòng chống thiên tai, cứu nạn cứu hộ đã quán triệt đội xung kích phòng chống thiên tai cùng các tổ công tác thuộc xã luôn đảm bảo 100% quân số ứng trực với tinh thần trách nhiệm cao nhất, sẵn sàng đảm bảo ứng phó bão.

Ông Nguyễn Đình Nguyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND xã Phúc Sơn cho hay: “Về nhân vật lực, theo phương châm '4 tại chỗ' của Thành phố, khi bão đến chúng tôi sẽ có biện pháp ứng phó phù hợp. Song song đó, chúng tôi cũng tuyên truyền để người dân kịp thời chằng chống nhà cửa, giảm thiểu thiệt hại do bão".

Tại xã Ứng Thiên, các tổ công tác đã tổ chức kiểm tra tại các khu vực trọng điểm, công trình thủy lợi, các khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở do hoàn lưu sau bão để có phương án ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.

Kiểm tra công tác ứng phó tại xã Xuân Mai và xã Trần Phú, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu các đơn vị không được chủ quan, lơ là trong bất kỳ tình huống thiên tai nào. Dù bộ máy mới còn nhiều việc phải kiện toàn, nhưng đây cũng là dịp kiểm tra năng lực chỉ huy, điều hành từ cơ sở.

Sở Xây dựng đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh và các công ty cây xanh trên địa bàn huy động tổng lực lượng rà soát triển khai cắt tỉa cành, hạ độ cao và chặt hạ các cây sâu, mục có nguy cơ gãy đổ gây nguy hiểm. 100% nhân sự của Xí nghiệp quản lý Cụm công trình đầu mối Yên Sở, thuộc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cũng túc trực 24/24h tại tất cả các vị trí công việc, đảm bảo không sai sót, không sự cố. Trên các tuyến, việc chủ động phòng tránh rủi ro cũng được lực lượng chức năng thực hiện từ sớm, tuyên truyền, vận động người dân và doanh nghiệp chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống bão.

Hà Nội sẽ có dông trong vài giờ tới

Trong khi bão số 3 đang đổ bộ vào đất liền, nhiều người dân ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc ngạc nhiên khi thấy trời giảm mưa, thậm chí hửng nắng. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là hoàn lưu bão đã hết mưa hoàn toàn ở các tỉnh, thành phía Bắc, mà mưa sẽ chỉ mang tính gián đoạn.

Do ảnh hưởng của bão, sâu trong đất liền các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Ninh, Ninh Bình và Thanh Hóa có gió giật cấp 6-8. Với cường độ này, gió có thể làm gãy cành cây, tốc mái nhà gây thiệt hại về nhà cửa. Cơ quan khí tượng cảnh báo Hà Nội có thể xuất hiện dông lốc. Người dân không nên chủ quan trước thời tiết tạnh ráo, cần tiếp tục kiểm tra, gia cố nhà cửa, mái tôn, biển hiệu và theo dõi tin cảnh báo chính thức, tránh tin đồn thất thiệt.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời