Iran nối lại đàm phán hạt nhân với nhóm E3
Các nhà ngoại giao của Iran và ba nước châu Âu gồm Anh, Pháp và Đức (hay còn gọi là nhóm E3) đã tiến hành đàm phán hạt nhân tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ.
Đây là nỗ lực ngoại giao mới nhất liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran và là vòng đối thoại đầu tiên giữa Tehran với các nước phương Tây kể từ khi Mỹ và Israel tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các cơ sở hạt nhân của nước này hồi giữa tháng 6 vừa qua.
Cuộc họp diễn ra tại tòa nhà Lãnh sự quán Iran ở Istanbul, ở cấp thứ trưởng ngoại giao, với trọng tâm là khả năng áp dụng cơ chế tái áp đặt trừng phạt đối với Iran vốn từng được dỡ bỏ theo thỏa thuận hạt nhân mà Iran ký với các nước phương Tây vào năm 2015. Theo đó, Iran chấp nhận hạn chế chương trình hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
Trước đó, các nhà ngoại giao châu Âu đã hối thúc Iran đạt tiến triển trong đàm phán hạt nhân trước thời hạn chót nói trên do quy định tái áp đặt trừng phạt sẽ hết hiệu lực vào ngày 18/10 tới. Việc kích hoạt cơ chế này sẽ mất khoảng 30 ngày.
Phát biểu trước thềm cuộc đàm phán, Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi khẳng định lập trường kiên định và không lay chuyển của Tehran là vẫn sẽ tiếp tục hoạt động làm giàu Urani. Mặc dù E3 và Iran vẫn duy trì các cuộc đàm phán, nhưng mối quan hệ giữa hai bên đã xấu đi trong năm qua, trong bối cảnh phương Tây tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Tehran liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này. Iran nhiều lần cảnh báo có thể rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân nếu các biện pháp trừng phạt được tái áp đặt.