Hà Nội đưa robot AI vào phục vụ hành chính công | Hà Nội tin mỗi chiều

Phường Cửa Nam (Hà Nội) vừa chính thức vận hành robot trí tuệ nhân tạo tại Trung tâm hành chính công để hướng dẫn người dân các thông tin và thủ tục cần thiết.

Đây không chỉ là một bước đi công nghệ mà là bước tiến về tư duy phục vụ, cho thấy chính quyền cơ sở đang chủ động chuyển mình, nhất là trong bối cảnh mô hình chính quyền địa phương hai cấp đang định hình lại vai trò phường, xã - nơi trực tiếp tiếp xúc người dân nhiều nhất.

"Nhân viên AI đặc biệt" này có tới 6 nhóm chức năng: từ tư vấn thủ tục hành chính, phát số thứ tự, hỗ trợ phản hồi trực tuyến, tra cứu điện tử, di chuyển tự động đến giao tiếp bằng tiếng Việt. Đặc biệt, robot còn có thể tự di chuyển trong phòng tiếp dân, phục vụ nước, bánh kẹo tận nơi và đóng vai trò như một “thư viện thông tin” giúp người dân tự tra cứu các quy trình, thủ tục hành chính. 

Sau giai đoạn vận hành ban đầu, Trung tâm Hành chính công phường Cửa Nam sẽ tổ chức đánh giá toàn diện hoạt động của robot để rút kinh nghiệm và tiếp tục cải tiến. Việc ứng dụng robot AI là bước đi nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn trong tiến trình xây dựng mô hình chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số phục vụ nhân dân.

Có thể thấy, trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia đang được đẩy mạnh, mô hình như phường Cửa Nam có thể trở thành hình mẫu để nhân rộng ra các địa phương khác - nơi chính quyền không chỉ quản lý mà còn thực sự phục vụ. Điều này cho thấy nỗ lực rất lớn của chính quyền trong việc đặt người dân vào trung tâm của cải cách. Bản thân một chú robot không thể tự tạo ra chính quyền số. Điều tạo nên khác biệt nằm ở chính quyền dám thay đổi cách tiếp cận: từ “cán bộ chờ dân hỏi” sang “dịch vụ chủ động tìm đến dân”.

Nếu trước đây, chỉ cần một hồ sơ thiếu giấy tờ, người dân có thể bị phải xếp hàng lại từ đầu, giờ đây việc tra cứu và hướng dẫn trở nên thân thiện hơn. Robot không thể vận hành nếu cán bộ không sẵn sàng phối hợp. Robot cũng không thể phát huy tác dụng nếu dữ liệu vẫn phân tán, quy trình vẫn rườm rà như trước đây. Robot AI chính là “phép thử” cho sự sẵn sàng của cả hệ thống. Làm cho robot “sống” được ở phường, tức phải chuẩn hóa quy trình, số hóa dữ liệu, đào tạo cán bộ tương thích với công nghệ chứ không chỉ là “mua thiết bị về cho có”. Đây là thách thức không nhỏ nhưng cũng cho thấy nỗ lực của chính quyền gần dân, sát dân, vì nhân dân phục vụ.

Nhìn ra thế giới, Nhật Bản từ lâu đã triển khai robot Pepper tại các tòa thị chính để hỗ trợ người già. Singapore sử dụng kiosk tự động ở trung tâm công quyền. Estonia, dù không dùng robot hình người nhưng đã có trợ lý ảo AI giúp người dân kết hôn, khai thuế, mở doanh nghiệp… chỉ trong vài phút. Công nghệ mỗi nơi mỗi khác, nhưng điểm chung ở các quốc gia tiên phong là họ luôn bắt đầu từ một câu hỏi gốc rễ: “Làm thế nào để người dân cảm thấy dễ dàng và được tôn trọng hơn trong hành chính công?”

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời