Lý do NVIDIA 'mở khóa' chip AI cho Trung Quốc?
Công ty NVIDIA và Bộ Thương mại Mỹ cùng xác nhận Nhà Trắng đã "bật đèn xanh" cho công ty này xuất khẩu trở lại chip AI H20 sang Trung Quốc.
Điều này được dự báo sẽ nối lại chuỗi cung ứng toàn cầu và là một dấu hiệu tích cực trong quan hệ thương mại giữa Washington và Bắc Kinh.
Chip AI của Mỹ sắp được xuất khẩu sang Trung Quốc
Ông Jensen Huang, Giám đốc điều hành của NVIDIA, công ty công nghệ có trụ sở tại Mỹ, hôm 15/7 đã xác nhận với các phóng viên Trung Quốc về việc sẽ xuất khẩu chip trí tuệ nhân tạo H20 sang đất nước tỷ dân này.
"Tôi xin thông báo rằng, chính phủ Mỹ đã chấp thuận cho chúng tôi nộp đơn xin giấy phép để bắt đầu xuất khẩu chip H20. Vì vậy, chúng tôi sẽ bắt đầu bán H20 cho thị trường Trung Quốc. Tôi rất mong chờ việc xuất khẩu H20 trong thời gian sớm nhất.”
Trước đó, trang web của NVIDIA cũng nêu rõ, chính phủ Mỹ đã đảm bảo rằng sẽ cấp giấy phép và công ty "hy vọng sẽ sớm bắt đầu giao hàng".
Ngay sau đó, nhà sản xuất chip máy tính Advanced Micro Devices (AMD), đối thủ của NVIDIA, cũng thông báo sẽ sớm nối lại việc xuất khẩu chip AI MI308 sang Trung Quốc. AMD thông báo rằng, Bộ Thương mại Mỹ cho biết sẽ nối lại việc xem xét giấy phép xuất khẩu chip MI308 và công ty có kế hoạch nối lại việc xuất khẩu chip sang Trung Quốc sau khi được chấp thuận.
Cả chip H20 và MI308 đều được phát triển riêng cho thị trường Trung Quốc sau khi Mỹ lần đầu tiên hạn chế bán NVIDIA tại Trung Quốc vào năm 2022. Chip xử lý H20 của NVIDIA, hay GPU, là một loại thiết bị tiên tiến được sử dụng để xây dựng và cập nhật một loạt các hệ thống AI, nhưng nó kém mạnh hơn so với các chip bán dẫn hàng đầu của Nvidia hiện nay. Nguyên nhân là do chip H20 được phát triển để tuân thủ chặt chẽ các hạn chế của Mỹ đối với việc xuất khẩu chip AI sang Trung Quốc. Chip MI308 của AMD cũng tương tự.
Vào tháng 4, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang do cuộc chiến thuế quan của ông Trump, chính quyền Mỹ đã siết chặt việc xuất khẩu chip AI, bao gồm cả chip H20 của NVIDIA cũng như chip MI308 của AMD sang Trung Quốc, viện dẫn những lo ngại về an ninh quốc gia.
Vì sao Mỹ đồng ý xuất khẩu chip cho Trung Quốc?
Từ trước khi ông Trump trở lại Nhà Trắng nhiệm kỳ hai, Washington đã thắt chặt kiểm soát xuất khẩu công nghệ tiên tiến sang Trung Quốc trong nhiều năm, với lý do lo ngại an ninh quốc gia, đồng thời cũng để làm chậm bước tiến của Trung Quốc trong phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, giờ đây, những công ty công nghệ này của Mỹ đã được “bật đèn xanh” để xuất khẩu chip AI cho Trung Quốc, vậy lý do tại sao lại có sự đảo ngược đáng kể trong lập trường của chính quyền Trump về vấn đề này? Và đây có phải là một dấu hiệu tích cực làm dịu căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc?
Sau khi ông Trump siết chặt xuất khẩu chip AI sang Trung Quốc, NVIDIA cho biết, những biện pháp này sẽ khiến công ty thiệt hại thêm 5,5 tỷ USD. Ông Jensen Huang - CEO của NVIDIA cùng các nhà lãnh đạo công nghệ khác đã vận động hành lang để ông Trump đảo ngược các hạn chế này. Trong cuộc gặp với Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng hồi tháng 5, ông Huang nhấn mạnh rằng, những hạn chế như vậy cản trở sự cạnh tranh của Mỹ trong một lĩnh vực tại một trong những thị trường công nghệ lớn nhất thế giới. Ông Huang cho rằng: “Trong thời đại công nghệ AI lan tỏa toàn cầu như hiện nay, nếu chúng ta không cạnh tranh ở Trung Quốc và để Trung Quốc xây dựng một hệ sinh thái công nghệ mạnh mẽ, thì nền tảng mới nổi này sẽ không còn là của Mỹ nữa và công nghệ cũng như vị thế dẫn đầu của Trung Quốc sẽ lan tỏa ra toàn cầu".
Đặc biệt, sự xuất hiện của chatbot AI DeepSeek của Trung Quốc vào tháng 1 đã làm dấy lên lo ngại về việc Trung Quốc có thể sử dụng chip tiên tiến trong nước để phát triển năng lực AI của riêng mình.
Ông Huang cảnh báo rằng, việc NVIDIA mất thị phần tại Trung Quốc - từ 95% xuống còn 50%, như số liệu ông cho biết vào tháng 5 - sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho các công ty phần cứng có trụ sở tại Thâm Quyến, Trung Quốc.
Thời gian gần đây, ông Jensen Huang đã thường xuyên đến thăm thị trường Trung Quốc và công khai bày tỏ sự cần thiết của việc các công ty Mỹ thâm nhập vào thị trường bán dẫn lớn nhất thế giới.
"NVIDIA đã có mặt tại Trung Quốc 30 năm. Thị trường Trung Quốc rất quan trọng đối với chúng tôi. Nó cũng rất quan trọng đối với sự phát triển của chúng tôi. Chúng tôi có rất nhiều nhân viên tại đây và sự xuất sắc về mặt kỹ thuật của ngành công nghiệp Trung Quốc là rất ấn tượng. Chúng tôi đã được hưởng lợi từ điều đó trong 30 năm qua. Vì vậy, chúng tôi đã nói về 30 năm qua và chúng tôi đã nói về 30 năm tiếp theo".
Động thái bật đèn xanh của Mỹ cho thấy những nỗ lực vận động hành lang của NVIDIA và AMD đã có kết quả, cho thấy chính quyền Mỹ đã nhận ra nguy cơ sẽ mất đi vị thế cạnh tranh với các công ty chip của Trung Quốc. Cố vấn AI và tiền điện tử của Nhà Trắng David Sacks cho rằng, việc cho phép NVIDIA tái khởi động việc bán chip H20 tại Trung Quốc sẽ giúp Mỹ cạnh tranh tốt hơn ở nước ngoài - đặc biệt là với nhà sản xuất chip Trung Quốc Huawei Technologies.
Động thái nới lỏng xuất khẩu chip của Mỹ cũng là dấu hiệu tích cực trong mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh. Quan hệ thương mại Mỹ - Trung đã leo thang nhanh chóng sau khi ông Trump công bố thuế đối ứng với nhiều nước, trong đó có Trung Quốc hôm 2/4.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết, việc tái khởi động việc bán chip H20 tại Trung Quốc có liên quan đến một thỏa thuận thương mại giữa hai nước về nam châm đất hiếm. Trung Quốc cho biết, họ đang phê duyệt giấy phép xuất khẩu nam châm đất hiếm sang Mỹ, trong khi Washington đã dỡ bỏ các hạn chế đối với phần mềm thiết kế chip và động cơ phản lực.
Sau cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết "cả hai bên đều mong muốn" về một cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình vào cuối năm nay.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Bessant cho biết, việc phê duyệt các giấy phép như chip H20 là một phần trong các cuộc đàm phán của chính quyền Trump với Trung Quốc. Ông cũng nói rằng không cần phải lo lắng về thời hạn 12 tháng 8 để Mỹ và Trung Quốc tạm dừng áp đặt một số mức thuế quan và các cuộc đàm phán giữa hai bên đang "diễn ra tốt đẹp".
Trả lời báo chí về những tuyên bố của NVIDIA và AMD, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm cho biết, Trung Quốc không bình luận cụ thể hành vi của doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Lâm Kiếm cho biết, hợp tác cùng có lợi giữa Trung Quốc và Mỹ là con đường đúng đắn. Trung Quốc phản đối việc chính trị hóa và vũ khí hóa các vấn đề thương mại và công nghệ.
"Chúng tôi thường không đưa ra bình luận cụ thể về hành vi của doanh nghiệp. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, Trung Quốc phản đối việc chính trị hóa, công cụ hóa và vũ khí hóa khoa học công nghệ cũng như các vấn đề kinh tế thương mại và lập trường phong tỏa và đàn áp ác ý đối với Trung Quốc là nhất quán và rõ ràng. Những hành vi như vậy làm gián đoạn sự ổn định của chuỗi công nghiệp toàn cầu và không vì lợi ích của bất kỳ bên nào".
Trước mắt, sự thay đổi chính sách của chính quyền Trump có thể vấp phải sự phản đối tại Quốc hội. Vào tháng 4, Ủy ban Đặc biệt Hạ viện về Cạnh tranh Chiến lược với Trung Quốc đã mở một cuộc điều tra về hoạt động bán chip của NVIDIA trên khắp châu Á. Ủy ban đang cố gắng đánh giá liệu nhà sản xuất chip này có cố tình cung cấp công nghệ quan trọng cho DeepSeek hay không - một động thái có thể đã vi phạm các quy định của Mỹ.
Lợi ích cho NVIDIA và ngành trí tuệ nhân tạo Trung Quốc
Mặc dù vẫn có một số ý kiến cho rằng, việc Mỹ đồng ý xuất khẩu chip AI sang Trung Quốc thể hiện sự thoái lui khỏi nỗ lực của Mỹ nhằm duy trì vị thế dẫn đầu trước Trung Quốc trong cuộc đua AI, tuy nhiên, giới phân tích đa số cho rằng, đây không chỉ là tin tốt đối với các công ty công nghệ Mỹ như NVIDIA và AMD, mà còn là tín hiệu tích cực cho chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu và cho chính các công ty công nghệ Trung Quốc đang đẩy mạnh phát triển trí tuệ nhân tạo AI.
Sau thông báo về việc nối lại hoạt động bán hàng cho Trung Quốc, cổ phiếu NVIDIA đã tăng tới 4,5% trong phiên giao dịch trước giờ mở cửa trên thị trường chứng khoán Mỹ. Hợp đồng tương lai Nasdaq tăng sau thông báo của NVIDIA, và chứng khoán Trung Quốc cũng phản ứng tích cực. Điều này sẽ càng củng cố cho sự phát triển của NVIDIA.
Các báo cáo truyền thông cho biết, việc nối lại hoạt động bán chip H20 dự kiến sẽ sẽ mang lại cho NVIDIA doanh thu lên tới 15 tỷ USD trong năm tài chính này, bao gồm 4-5 tỷ USD doanh thu ban đầu dự kiến trong nửa cuối năm.
Công ty tư vấn đầu tư Bernstein ước tính cứ mỗi 10 tỷ USD doanh thu mà NVIDIA thu hồi được tại thị trường Trung Quốc có thể mang lại mức tăng trưởng chỉ số sinh lời EPS khoảng 0,25 USD. Nếu công ty có thể thu hồi được 15 đến 20 tỷ USD doanh thu trong năm tài chính 2026 (kết thúc vào tháng 1 năm 2026), EPS dự kiến sẽ tăng từ 0,40 đến 0,50 USD, tương đương với mức tăng hơn 10% so với dự báo hiện tại của thị trường.
Tổ chức nghiên cứu và đầu tư độc lập Melius Research đã nâng giá mục tiêu của NVIDIA lên 43% và kỳ vọng giá trị thị trường của công ty sẽ vượt 5 nghìn tỷ USD nhờ việc nối lại hoạt động bán chip H20. Tuần trước, công ty này đã làm nên lịch sử khi trở thành công ty đầu tiên vượt mốc 4 nghìn tỷ USD vốn hóa thị trường.
Đối với Trung Quốc, việc nối lại hoạt động bán chip H20 của NVIDIA sẽ có tác động tích cực đến các nhà cung cấp dịch vụ đám mây và lĩnh vực trung tâm dữ liệu tại Trung Quốc. Bất chấp những tiến bộ của Huawei trong lĩnh vực bán dẫn, các công ty công nghệ từ DeepSeek đến Alibaba Group Holding Ltd vẫn cần phần cứng NVIDIA để đào tạo, mở rộng quy mô và quản lý các dịch vụ AI mà họ đang phát triển để cạnh tranh với các công ty như OpenAI. Các nhà phân tích tin rằng điều này cũng tốt cho toàn bộ chuỗi cung ứng bán dẫn AI.
“Việc nối lại việc bán chip H20 cho Trung Quốc không chỉ tốt cho NVIDIA mà còn cho toàn bộ chuỗi cung ứng bán dẫn AI và các nền tảng công nghệ Trung Quốc đang xây dựng năng lực AI. Đây cũng là một điều tốt cho quan hệ Trung-Mỹ.”
Với việc công nghệ AI đang nhanh chóng trở nên phổ biến ở Trung Quốc, cả trong cuộc sống hàng ngày lẫn các ứng dụng thương mại và công nghiệp, ông Huang bày tỏ sự lạc quan rằng con chip này sẽ thu hút khách hàng tại Trung Quốc.
"Tôi rất vui mừng khi lệnh kiểm soát xuất khẩu đối với chip H20 đã được dỡ bỏ, để chúng tôi có thể phục vụ thị trường. Như các bạn đã biết, các mô hình AI gần đây đã có những tiến bộ vượt bậc, chẳng hạn như DeepSeek-R1, Qwen của Alibaba, Moonshot. Những mô hình này rất tiên tiến. Yêu cầu suy luận, yêu cầu xử lý rất cao. Chip H20 của NVIDIA thực sự lý tưởng cho điều đó. Nhu cầu rất lớn trên tất cả các dịch vụ".
Nhà phân tích Thomas Chong của Công ty tư vấn tài chính Jefferies tại Mỹ cũng cho biết trong báo cáo rằng, tin tức về NVIDIA là tin tốt cho các nhà cung cấp đám mây siêu quy mô như Alibaba, Tencent và Baidu, cũng như nhà cung cấp dịch vụ đám mây Kingsoft Cloud. Các cổ phiếu riêng lẻ nhạy cảm với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo như Kuaishou và Meitu cũng được kỳ vọng sẽ hưởng lợi.
Dù các công ty chip của Mỹ đang lạc quan trước khả năng mở rộng thị trường tại Trung Quốc, nhưng vẫn còn một mối lo ngại ở ngay trong nước Mỹ khi quyết định của ông Trump có thể vấp phải sự phản đối tại Quốc hội. Nhiều nhà lập pháp ở cả hai đảng tại Quốc hội Mỹ vẫn tiếp tục kêu gọi hạn chế xuất khẩu chip AI sang Trung Quốc, do lo ngại loại chip này được sử dụng cho mục đích quân sự. Chính vì vậy, việc xuất khẩu chip của các công ty Mỹ trong tương lai được cho là sẽ vẫn phải đối mặt với những thách thức nhất định.