Trung Quốc và EU trước Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 25

Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) vừa đồng loạt đưa ra thông báo về việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 25 tại Bắc Kinh vào ngày 24/7.

Cuộc gặp cấp cao song phương lần thứ 25 của EU và Trung Quốc ban đầu dự định tổ chức thành hẳn sự kiện đánh dấu nửa thế kỷ quan hệ ngoại giao chính thức. Mối quan hệ này thuộc diện những mối quan hệ quốc tế lớn nhất, có tầm tác động và phạm vi ảnh hưởng sâu rộng nhất trong chính trị thế giới và quan hệ quốc tế nói chung. Thời gian nửa thế kỷ phản ánh bề dày của mối quan hệ hợp tác. Tuy nhiên, mọi dấu hiệu và biểu hiện đến nay từ hai phía đều cho thấy cuộc gặp cấp cao sắp tới sẽ là dấu mốc buồn trong mối quan hệ lớn này.

Theo dự định, cuộc gặp sẽ được tổ chức ở trụ sở của EU tại thủ đô Brussel (Bỉ). Tuy nhiên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không nhận lời tới Brussel và phía Trung Quốc tỏ ra không thiết tha và mặn mà với việc tiến hành một cuộc gặp cấp cao với EU trong bối cảnh tình hình chính trị thế giới hiện tại. Phía EU “vớt vát” bằng cách chấp nhận sang thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc để tổ chức sự kiện này, chấp nhận đại diện cho phía Trung Quốc là Thủ tướng Lý Cường, không nhất thiết phải là ông Tập Cận Bình. Ngoài ra, phía EU đồng ý giảm thời gian cuộc gặp từ dự định ban đầu là 2 ngày xuống còn 1 ngày.

Không chỉ vậy, ngay từ đầu, liên quan đến cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine, EU đã công khai ủng hộ Ukraine và từ đó đến nay kiên định hậu thuẫn Ukraine bằng mọi giá và gây khó cho Nga bằng mọi cách để Ukraine thắng Nga. Tuy nhiên, mới đây, Trung Quốc thẳng thừng tuyên cáo với EU rằng, Trung Quốc không thể chấp nhận việc Nga bị thua trong cuộc chiến tranh này. Bất chấp sự can thiệp và phản đối của Trung Quốc, trong gói các biện pháp chính sách trừng phạt Nga lần thứ 18, EU vẫn để một số ngân hàng và doanh nghiệp Trung Quốc trong danh sách các thực thể và cá nhân bị EU trừng phạt.

Ngày 20/7 vừa qua, tức chỉ 4 ngày trước cuộc gặp cấp cao song phương lần thứ 25 ở Bắc Kinh, Trung Quốc doạ sẽ trả đũa EU. Từ đó có thể thấy cuộc gặp cấp cao song phương vẫn diễn ra nhưng cái kết không thành công đã được lập trình sẵn.

Nguyên nhân là EU bế tắc cách thức giữ cân bằng giữa tranh thủ Trung Quốc và đối địch Nga trong khi Trung Quốc cho rằng EU vì những lợi ích riêng khác mà bất chấp lợi ích của Trung Quốc. Cả hai đều để những lợi ích riêng trên những lĩnh vực chính sách khác lấn át và chi phối những lợi ích chung của mối quan hệ hợp tác song phương. Hai bên níu kéo nhau và giữ cầu quan hệ vì không thể buông bỏ hợp tác với nhau và "thoát nhau" nhưng rõ ràng không dành ưu tiên cho việc thúc đẩy quan hệ hợp tác.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời