Ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh-80 năm phụng sự đất nước
Bộ Ngoại giao vừa tổ chức Hội thảo khoa học “Ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh: 80 năm tận tụy phụng sự quốc gia, dân tộc” trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 80 năm thành lập ngành Ngoại giao, hướng tới Đại lễ kỷ niệm 80 năm thành lập nước.
Sáng nay, 28/7, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội thảo khoa học “Ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh: 80 năm tận tụy phụng sự quốc gia, dân tộc”. Trải qua tám thập kỷ, từ chiến khu Việt Bắc, đến các hội nghị quốc tế, rồi hành trình hội nhập sâu rộng với thế giới hôm nay – tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh vẫn luôn là ngọn đuốc soi đường cho Ngoại giao Việt Nam.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, ngành Ngoại giao có vinh dự vô cùng đặc biệt là được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo, rèn luyện và dìu dắt trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên.
Kế thừa truyền thống và Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh trong suốt 80 năm qua, Ngoại giao Việt Nam đã luôn tận tụy phụng sự quốc gia, dân tộc, có nhiều đóng góp xứng đáng vào những thành tựu chung, có ý nghĩa lịch sử của đất nước.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết: "Chúng ta vô cùng biết ơn các thế hệ các bộ ngoại giao tiền bối, đặc biệt là những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng ta cũng không quên những đóng góp và hy sinh thầm lặng của lớp lớp thế hệ cán bộ Ngoại giao và Ban Đối ngoại Trung ương. Ngày nay, trong con mắt bạn bè quốc tế, Việt Nam là một quốc gia tập trung, có vai trò ngày càng tăng không chỉ ở khu vực ASEAN mà rộng hơn là khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, rộng hơn nữa là trên trường quốc tế. Việt Nam có đóng góp ngày càng chủ động, tích cực vào việc tham gia giải quyết các công việc chung của cộng đồng quốc tế".
Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh về “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, bài học về độc lập, tự chủ, triết lý “Ngũ tri” trong xử lý quan hệ với các nước lớn đã được tập trung làm rõ để từ đó xác định nội hàm của của ngoại giao trong kỷ nguyên mới.
Ông Phạm Quang Vinh - Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh: "Tầm nhìn chiến lược Hồ Chí Minh là tầm nhìn biết được thế giới, biết được Việt Nam và biết được đâu là lợi ích cốt lõi của Việt Nam để kết hợp hài hoà những cái đó. Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh về 'Dĩ bất biến ứng vạn biến' là luôn luôn dựa trên nguyên tắc, mà nguyên tắc đơn giản nhất là lợi ích quốc gia và luật pháp quốc tế nhưng đồng thời quyền biến trong những ứng xử để làm sao thu hút được sự ủng hộ của thế giới với chính nghĩa của mình. Thế giới càng biến động thì nguyên tắc của Hồ Chí Minh, tầm nhìn Hồ Chí Minh, đặc biệt về 'Dĩ bất biến ứng vạn biến' ngày càng quan trọng".
Hiện nay, ngoại giao kinh tế được xác định là nhiệm vụ trung tâm, động lực quan trọng để phát triển đất nước. Việt Nam đã thu hút được hàng trăm tỷ USD vốn FDI, trở thành một trong 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới, là một mắt xích quan trọng trong 17 FTA gắn kết với hơn 60 nền kinh tế quan trọng trên thế giới.
Bà Luyện Minh Hồng - Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Kinh tế - Bộ Ngoại giao cho biết: "Trong thời gian tới, công tác ngoại giao kinh tế cần phải có sự chuyển mình mạnh mẽ cả về mục tiêu, về nội hàm, về đối tượng cũng như phương thức triển khai. Về mục tiêu thì chúng tôi cho rằng, cần phải chuyển mạnh mẽ từ lượng sang chất, từ thu hút sang kiến tạo. Về nội hàm thì cần phải thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như ngoại giao về công nghệ, về môi trường. Ngoài ra, thay vì cách tiếp cận đơn lẻ, công tác ngoại giao kinh tế sẽ tạo ra một môi trường, một hệ sinh thái mà trong đó tăng cường sự gắn kết giữa nhà nước, doanh nghiệp và các đối tác nước ngoài".
Hội thảo là hoạt động kỷ niệm 80 năm thành lập ngành Ngoại giao; không chỉ là dịp nhìn lại chặng đường đã qua, mà còn để hướng tới những mục tiêu lớn phía trước, đặc biệt là hai cột mốc 100 năm: 2030 - kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và 2045 - kỷ niệm 100 năm thành lập nước.