Ông Trump thay đổi lập trường về xung đột Nga – Ukraine?

Tổng thống Mỹ thể hiện không hài lòng về cuộc điện đàm gần nhất với Tổng thống Nga và bất ngờ đảo ngược quyết định tạm ngừng chuyển giao vũ khí phòng thủ cho Ukraine.

Sau khi trở lại Nhà Trắng vào tháng 1 năm nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng khiến dư luận quốc tế ngỡ ngàng khi thể hiện lập trường nghiêng hẳn về phía Moscow trong vai trò trung gian hòa giải cho cuộc xung đột kéo dài hơn ba năm giữa Nga và Ukraine. Tuy nhiên, những ngày gần đây, ông chủ Nhà Trắng dường như đang thay đổi cách tiếp cận cuộc xung đột ở Ukraine, khi ông thể hiện thái độ không hài lòng về cuộc điện đàm gần nhất với Tổng thống Nga Vladimir Putin, đồng thời bất ngờ đảo ngược quyết định tạm ngừng chuyển giao vũ khí phòng thủ cho Kiev. Vậy liệu có phải ông Trump đã thay đổi lập trường về cuộc xung đột, hay ông đang có những toan tính gì khác trên bàn cờ địa chính trị Nga - Ukraine?

Ông Trump đã cạn kiên nhẫn với ông Putin?

Sau khi trở lại Nhà trắng, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tích cực theo đuổi việc xích lại gần Moscow. Ông Trump từng công khai bày tỏ niềm tin vào thiện chí hòa bình của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong bối cảnh Washington và Moscow tổ chức một loạt cuộc gặp cấp cao nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột tại Ukraine và mở rộng đối thoại song phương. 

Tổng thống Trump từ lâu đã gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin là một nhà lãnh đạo cứng rắn, đồng thời thể hiện thái độ không mấy thân thiện với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Tháng 2 năm nay, một cuộc khẩu chiến đã nổ ra tại Phòng Bầu dục khi lãnh đạo Mỹ chỉ trích ông Zelensky không thể hiện đủ lòng biết ơn đối với sự hỗ trợ của Washington.

Ông Trump cũng nhiều lần bày tỏ hoài nghi về việc viện trợ quân sự cho Ukraine và chỉ trích chính quyền Tổng thống Joe Biden vì đã dốc quá nhiều nguồn lực để hỗ trợ Kiev. Sau khi trở lại Nhà Trắng, chính quyền của ông Trump chưa thông qua gói viện trợ quân sự mới nào cho Ukraine. Không chỉ vậy, Washington còn từng gây sức ép buộc Tổng thống Ukraine Zelensky chấp thuận thành lập một quỹ chung nhằm khai thác tài nguyên đất hiếm tại Ukraine, mà không đưa ra cam kết an ninh rõ ràng nào. Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng, khi để Ukraine ở vị thế yếu hơn, ông Trump cũng đánh mất đòn bẩy để gây sức ép buộc ông Putin phải ngồi vào bàn đàm phán.

Tổng thống Mỹ Donald Trump, người từng cam kết sẽ chấm dứt xung đột Nga – Ukraine trong 24 giờ sau khi nhậm chức, đã mong muốn một “chiến thắng” ngoại giao, lý tưởng nhất là một thỏa thuận hòa bình nhanh gọn, đủ vang dội để tuyên bố trong thời gian gần. Tuy nhiên, gần sáu tháng sau khi ông trở lại Nhà trắng, mong muốn ấy vẫn chưa thể trở thành hiện thực, khi lập trường của cả hai bên tham chiến vẫn rất khác biệt. 

Trong cuộc điện đàm diễn ra tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói rõ với Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng Nga cam kết thực hiện các mục tiêu của nước này ở Ukraine và muốn đạt được những mục tiêu đó thông qua ngoại giao. Tuy nhiên, nếu điều này không thể thực hiện được, Nga sẽ tiếp tục chiến đấu.

Nga đến nay vẫn giữ vững các yêu cầu cốt lõi, tuyên bố chỉ chấp nhận một thỏa thuận hòa bình nếu đạt được quyền kiểm soát toàn diện đối với bốn vùng lãnh thổ: Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia cũng như bán đảo Crimea. Bên cạnh đó, Điện Kremlin còn đưa ra điều kiện bắt buộc là Ukraine phải chấp nhận vị thế trung lập về mặt chính trị, đồng nghĩa với việc từ bỏ tham vọng gia nhập NATO và các liên minh quân sự phương Tây. Trong khi đó, Ukraine kiên quyết bác bỏ những yêu cầu này, khiến tiến trình đàm phán gần như giẫm chân tại chỗ. Trong bối cảnh ấy, trong những ngày gần đây, lập trường của ông Trump về cuộc chiến dường như đang có sự thay đổi rõ rệt.

Sau cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Putin, nhà lãnh đạo Mỹ đã bày tỏ thất vọng khi cho rằng ông Putin không có ý định rút lui khỏi cuộc xung đột.

Chúng tôi đã nhận được rất nhiều lời lẽ sáo rỗng từ ông Putin, nếu các vị muốn biết sự thật. Ông ấy lúc nào cũng tỏ ra thân thiện, nhưng hóa ra chẳng có ý nghĩa gì cả.”

Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Những bình luận của ông Trump được cho là phát biểu gay gắt nhất của ông nhằm vào ông Putin kể từ khi ông đắc cử tổng thống năm 2016. Sự thất vọng của ông Trump với người đồng cấp Nga, cùng những trao đổi tích cực gần đây với Tổng thống Ukraine Zelensky, dường như là yếu tố thúc đẩy Washington quyết định nối lại việc viện trợ vũ khí phòng thủ cho Ukraine. 

Tuần trước, Lầu Năm Góc đã tạm dừng một đợt chuyển giao vũ khí cho Ukraine. Các quan chức Mỹ cho biết việc tạm ngừng là cần thiết để đánh giá xem kho vũ khí của Lầu Năm Góc có đang bị sụt giảm nghiêm trọng hay không. Tuy nhiên, ngày 7/7, ông Trump cho biết Mỹ sẽ nối lại viện trợ. Theo tiết lộ từ hai quan chức Mỹ, Tổng thống Donald Trump cũng đang xem xét khả năng cung cấp thêm một hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot cho Kiev. Việc chuyển thêm một hệ thống Patriot sẽ là bước đi đáng kể của Nhà Trắng, đánh dấu lần đầu tiên ông Trump thông qua việc cung cấp một vũ khí quan trọng cho Kiev ngoài số vũ khí đã được thông qua dưới thời Tổng thống Biden.

Chiến lược dài hơi của ông Trump?

Theo giới quan sát, Tổng thống Mỹ Donald Trump có vẻ không dễ chấp nhận một thực tế rằng đối phương không chơi theo luật mà ông vạch ra. Bởi điều đó không chỉ thách thức chiến lược ngoại giao của ông, mà còn chạm vào yếu tố sâu xa hơn - chữ tín và hình ảnh của người đứng đầu Nhà Trắng. Điều đó lý giải vì sao trong những ngày gần đây, ông Trump đã thay đổi đáng kể giọng điệu đối với Nga. Mặc dù vậy, vị Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ vẫn chưa đưa ra tín hiệu cho thấy ông sẵn sàng đi xa hơn trong việc ủng hộ Ukraine. Trong bối cảnh ấy, việc ông liên tục đổi giọng về cuộc xung đột có thể là một chiến lược dài hơi nhằm buộc hai bên tham chiến nhanh chóng ngồi vào bàn đàm phán.

Không ai có thể khẳng định chắc chắn rằng Tổng thống Donald Trump đang thực sự quay lưng lại với Nga, hay hoàn toàn đứng về phía Ukraine, bởi nhà lãnh đạo Mỹ thường được biết đến với phong cách lãnh đạo rất khó đoán. 

Ngay cả khi công khai sử dụng những lời lẽ gay gắt nhắm vào người đồng cấp Nga, ông Trump vẫn duy trì mối quan hệ cá nhân thân mật với ông Putin, bao gồm cả những cuộc điện thoại chúc mừng sinh nhật, như thể không hề tồn tại một cuộc chiến đang làm rung chuyển châu Âu. Không có dấu hiệu nào cho thấy ông từng tận dụng những kênh tiếp xúc này để gây áp lực thực chất buộc Điện Kremlin dừng chiến dịch quân sự hoặc xuống thang trước sức ép từ phía Ukraine và phương Tây.

Bên lề cuộc họp của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Malaysia, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã có hội đàm kéo dài 50 phút với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, trong đó ông Rubio cho biết ông đã truyền đạt rõ quan điểm của Washington về sự thất vọng của Mỹ khi nỗ lực chấm dứt xung đột Nga - Ukraine không mấy tiến triển. Tuy nhiên, nhà ngoại giao Mỹ cũng khẳng định Washington vẫn duy trì chiến lược thu hút tất cả các bên liên quan vào việc tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột.

Tổng thống đã nói khá rõ ràng. Ông ấy thất vọng và chán nản vì phía Nga không linh hoạt hơn trong việc chấm dứt cuộc xung đột này. Chúng tôi hy vọng điều đó có thể thay đổi và chúng tôi sẽ tiếp tục tham gia khi chúng tôi thấy có cơ hội để tạo ra sự khác biệt.”

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio. 

Theo giới quan sát, dù công khai bày tỏ thái độ thất vọng với Nga, nhưng những gì từng xảy ra nhiều lần cho thấy ông Trump có thể thay đổi lập trường chỉ trong một cái chớp mắt. Tổng thống Mỹ từng lên án mạnh mẽ cuộc xung đột Nga - Ukraine ngay khi cuộc xung đột này bùng nổ vào đầu năm 2022. Nhưng chỉ ít lâu sau, đặc biệt là sau khi trở lại nhiệm sở hồi tháng 1/2025, ông bất ngờ đổi giọng và dành nhiều lời khen cho người đồng cấp Nga. Do vậy, những phát ngôn cứng rắn gần đây của ông chủ Nhà Trắng có thể là biểu hiện của một tính toán chiến lược có chủ đích nhằm gia tăng áp lực để buộc Nga và Ukraine ngồi vào bàn đàm phán trong tương lai gần, hơn là biểu hiện của một sự chuyển hướng rõ ràng trong chính sách đối ngoại của Nhà Trắng. Với vai trò trung gian hòa giải, Washington dường như chưa từng hoàn toàn đứng về bất kỳ bên nào.

Tính toán của Tổng thống Nga Putin

Trong khi đó, giới phân tích và các nguồn tin thân cận với Điện Kremlin cho rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như không mấy bận tâm đến những tuyên bố thể hiện sự thất vọng của Tổng thống Mỹ Donald Trump và đang đẩy mạnh chiến dịch quân sự tại Ukraine với cường độ mới, sau khi đã tính đến khả năng Mỹ sẽ gia tăng áp lực.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy ngày 10/7 cho biết vào sáng sớm cùng ngày, Nga đã phóng 18 tên lửa, trong đó có 8 tên lửa đạn đạo và 6 tên lửa hành trình, cùng khoảng 400 máy bay không người lái (UAV), chủ yếu nhắm vào thủ đô Kiev. 

Nga đã tăng cường các cuộc tấn công trên không nhằm vào Ukraine trong những tuần gần đây, nhưng cuộc tấn công hôm ngày 10/7 dường như đánh dấu một sự thay đổi trong cách tiếp cận từ Moscow, khi các UAV bay ở các độ cao khác nhau và tấn công từ mọi hướng - một số UAV ban đầu bay vòng qua Kiev trước khi đột ngột đổi hướng và tăng tốc quay trở lại thành phố. 

Trước đó, trong đêm 9/7, Nga đã tiến hành cuộc tấn công bằng máy bay không người lái lớn nhất kể từ đầu cuộc xung đột, với 728 UAV và 13 tên lửa. Các cuộc không kích cùng chiến thuật mới của Nga khiến việc bảo vệ bầu trời thủ đô của Ukraine càng trở nên khó khăn hơn trong bối cảnh hệ thống phòng không của Kiev vốn đã cạn kiệt.

Trong khi đó, tại mặt trận Donbass, tình hình tác chiến hiện tại cho thấy hai cái bẫy tác chiến tiềm tàng đối với lực lượng Ukraine đang xuất hiện, với cả hai cụm quân gần Pokrovsk và Konstantinovka đều có nguy cơ bị bao vây một phần. Nếu các tuyến tiếp tế không được khôi phục và lực lượng dự bị không được tái triển khai từ các vị trí phòng thủ sâu hơn hoặc các khu vực khác, các nhóm quân Ukraine sẽ phải đối mặt với một lựa chọn quan trọng: hoặc rút lui khẩn cấp hoặc có nguy cơ bị tiêu diệt. 

Các nhà phân tích quân sự phương Tây ngày càng cho rằng lực lượng Ukraine đang bí mật chuẩn bị không chỉ cho các cuộc rút lui cục bộ mà còn cho một cuộc rút lui phối hợp khỏi toàn bộ vòng cung xung quanh Cộng hòa nhân dân Donetsk, bao gồm các thành phố trọng điểm thuộc các cụm đô thị Pokrovsk và Kramatorsk, cũng như các khu vực lân cận của vùng Kharkiv. Cách các thành phố này khoảng 20 – 25 km về phía Tây, các tuyến phòng thủ mới đang được xây dựng, đặc biệt là bỏ qua các trung tâm đô thị lớn. Việc từ bỏ Donbass đồng nghĩa với việc Kiev sẽ mất đi các vị trí quan trọng về mặt chính trị và biểu tượng như Kramatorsk - thủ phủ trên thực tế của khu vực do Ukraine kiểm soát - cũng như các phần còn lại của hệ thống phòng thủ nhiều lớp được xây dựng từ năm 2014.

Với đà tấn công hiện tại của quân đội Nga, theo hai nguồn tin giấu tên có quan hệ gần gũi với giới lãnh đạo Nga, Tổng thống Putin hiện đang tin rằng ưu thế của quân đội Nga trên chiến trường đang gia tăng và hệ thống phòng thủ của Ukraine có thể sụp đổ trong vài tháng tới. Và việc ngừng bắn vào lúc này không phải là một lựa chọn, trừ khi Ukraine chấp nhận đưa ra những nhượng bộ sâu rộng.

Bà Tatiana Stanovaya - Chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Nga và Á – Âu chia sẻ: “Ông ấy sẽ không từ bỏ các mục tiêu của mình ở Ukraine chỉ để cải thiện quan hệ với ông Trump”.

Tại buổi họp báo ngày 27/6 ở Belarus, ông Putin cho biết ông hiểu sự thất vọng của ông Trump, khi Tổng thống Mỹ gần đây cũng công khai thừa nhận rằng việc chấm dứt xung đột ở Ukraine khó khăn hơn ông từng nghĩ. 

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitri Peskov cũng lặp lại quan điểm này trong phát biểu ngày 9/7 và tìm cách giảm nhẹ những lời chỉ trích của ông Trump dành cho nhà lãnh đạo Nga. 

Chúng tôi đón nhận điều đó một cách bình tĩnh. Chúng tôi vẫn kỳ vọng tiếp tục đối thoại với Washington và nỗ lực hàn gắn quan hệ song phương vốn đã bị tổn hại nghiêm trọng.”

Ông Dmitri Peskov - Người phát ngôn Điện Kremlin.

Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công khai bày tỏ sự thất vọng đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin thì có một điều ngày càng trở nên rõ ràng là ông Putin có thể chấp nhận hy sinh mối quan hệ với ông Trump để theo đuổi mục tiêu được định hình rõ nét sau 40 tháng xung đột, đó là buộc Ukraine phải đầu hàng theo các điều kiện của Nga. Hai nguồn tin thân cận với Điện Kremlin cho biết nhà lãnh đạo Nga hiểu rõ ông Trump có thể sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Moscow và dường như đã chuẩn bị sẵn tâm thế rằng sự kiên nhẫn của ông Trump có thể sẽ cạn. Tuy nhiên, ông Putin vẫn kỳ vọng sẽ đạt được một thỏa thuận giảm trừng phạt với ông Trump vào thời điểm nào đó trong tương lai, khi nhà lãnh đạo Nga sẵn sàng kết thúc xung đột.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời