Xã Yên Lãng: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp

Xã Yên Lãng được hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích và dân số của các Liên Mạc, Hoàng Kim, Chu Phan (thuộc huyện Mê Linh); phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Tiến Thịnh, Thạch Đà (thuộc huyện Mê Linh); một phần diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Hồng Hà, Thọ An, Thọ Xuân, Trung Châu (thuộc huyện Đan Phượng) và xã Văn Khê (thuộc huyện Mê Linh).

Lý do lấy tên xã mới là Yên Lãng: Yên Lãng thời Hùng Vương thuộc huyện Phong Châu; thời Hán thuộc huyện Chu Diên; thời Ngô thuộc quận Tân Hưng; thời Tấn quận Tân Hưng đổi là quận Tân Xương; thời Tùy thuộc Châu Phong và quận Giao Chỉ; thời Đường thuộc Phong Châu đô đốc phủ đạo Lĩnh Nam. Dưới các Vương triều phong kiến Việt Nam, huyện Mê Linh thuộc lộ Tam Giang, phủ Tam Đới, thời Lê thuộc trấn Sơn Tây. Từ năm 1831, sau một cuộc cải cách hành chính thì huyện Mê Linh là huyện Yên Lãng, phủ Tam Đới, tỉnh Sơn.

Vị trí địa lý, diện tích, dân số xã Yên Lãng

Xã Yên Lãng giáp ranh với các xã sau: Phía Đông và Đông Nam: giáp các xã Mê Linh, Tiến Thắng, Liên Minh (cùng thuộc huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội). Phía Tây và Tây Bắc: giáp xã Ô Diên và một số khu vực giáp ranh với tỉnh Phú Thọ.

Xã Yên Lãng có diện tích tự nhiên 44,81 km²; quy mô dân số là 71.339 người; trong đó:

  • Xã Trung Châu (Huyện Đan Phượng): Diện tích: 0,67 km²; quy mô dân số: 0 người
  • Xã Thọ An (Huyện Đan Phượng): Diện tích: 0,33 km²; quy mô dân số: 0 người
  • Xã Thọ Xuân (Huyện Đan Phượng): Diện tích: 0,33 km²; quy mô dân số: 0 người
  • Xã Hồng Hà (Huyện Đan Phượng): Diện tích: 3,97 km²; quy mô dân số: 0 người
  • Xã Chu Phan (Huyện Mê Linh): Diện tích: 7,89 km²; quy mô dân số: 11.615 người
  • Xã Hoàng Kim (Huyện Mê Linh): Diện tích: 5,53 km²; quy mô dân số: 6.818 người
  • Xã Liên Mạc (Huyện Mê Linh): Diện tích: 11,31 km²; quy mô dân số: 24.121 người
  • Xã Thạch Đà (Huyện Mê Linh): Diện tích: 6,83 km²; quy mô dân số: 15.046 người
  • Xã Tiến Thịnh (Huyện Mê Linh): Diện tích: 7,00 km²; quy mô dân số: 13.739 người
  • Xã Văn Khê (Huyện Mê Linh): Diện tích: 0,95 km²; quy mô dân số: 0 người
Đài PTTH Hà Nội
Lãnh đạo thành phố Hà Nội trao quyết định công tác cán bộ cho lãnh đạo xã Yên Lãng.

Đặc điểm kinh tế, xã hội xã Yên Lãng

Xã Yên Lãng nằm ở phía Tây Bắc của Hà Nội, có vị trí ven sông Hồng, đóng vai trò là vùng đệm cho sự phát triển đô thị, góp phần hình thành đô thị mới, giảm tải áp lực dân số và hạ tầng cho nội đô, đồng thời bảo tồn quỹ đất nông nghiệp kết hợp với phát triển kinh tế xanh bền vững.

Với vị trí tiếp giáp sông Hồng, diện tích rộng lớn và địa hình bằng phẳng, Yên Lãng có điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp, dịch vụ nông thôn và kinh tế ven sông theo hướng sinh thái - bền vững.

Đặc điểm kinh tế xã Yên Lãng

Ngành nông nghiệp vẫn giữ vai trò chủ lực trong cơ cấu kinh tế. Với lợi thế ven sông Hồng, có quỹ đất bãi sông lớn, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ kết hợp du lịch. Trên địa bàn xã có các vùng chuyên canh nông nghiệp quy mô lớn, đặc biệt là trồng lúa, rau màu, cây ăn quả và hoa - cây cảnh. Các khu vực Chu Phan, Hoàng Kim, Liên Mạc có truyền thống sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nhiều hộ dân đã chuyển sang mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm và trồng trong nhà màng. Các vùng bãi ven sông Hồng còn thuận lợi để phát triển nông nghiệp kết hợp nuôi trồng thủy sản và kinh tế hộ trang trại.

Xã Yên Lãng nổi tiếng với các nghề thủ công truyền thống, làng nghề như dệt, mộc, gốm, thủ công mỹ nghệ (Chu Phan, Hoàng Kim…); chủ yếu là các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, xưởng cơ khí, gia công đồ mộc, chế biến nông sản quy mô hộ gia đình. 

Ngành thương mại - dịch vụ đang phát triển theo hướng phục vụ nhu cầu tiêu dùng nông thôn và giao thương nông sản. Trên địa bàn có các chợ truyền thống, điểm trung chuyển rau màu, gạo, thủy sản nhỏ. Dịch vụ vận tải nông sản, xay xát, thu mua cũng tạo ra việc làm ổn định cho một bộ phận lao động địa phương. Tiềm năng kinh tế ven sông là một điểm mạnh đáng chú ý. Với hệ thống bãi bồi rộng ven sông Hồng thuộc địa phận các xã Thạch Đà, Chu Phan, Trung Châu…, xã Yên Lãng có điều kiện thuận lợi để phát triển mô hình nông nghiệp sinh thái, du lịch nông thôn và khai thác cảnh quan ven sông gắn với các không gian sinh hoạt văn hóa - lễ hội dân gian vùng đồng bằng sông Hồng.

Đặc điểm văn hóa - xã hội xã Yên Lãng

Yên Lãng là địa phương có bề dày văn hóa truyền thống với nhiều di tích lịch sử – văn hóa truyền thống. Tiêu biểu là đền Nại Châu, được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia từ năm 1994, cụm di tích đình - chùa Yên Mạc được xếp hạng di tích cấp Quốc gia năm 2000; cụm di tích đình - chùa Bằng Mạc được xếp hạng di tích cấp Quốc gia năm 1996; đình Xa Mạc được xếp hạng di tích cấp Quốc gia năm 2002. Bên cạnh đó, xã còn có nhiều lễ hội truyền thống. Hình thức văn hóa, văn nghệ dân gian đặc trưng trong các lễ hội là làn điệu hát dân ca Xa Mạc - Bằng Mạc… Các trò chơi dân gian nổi trội trong lễ hội là vật cổ truyền, đu quay, cướp cây bông.

Về lĩnh vực giáo dục, mạng lưới trường lớp và cơ sở vật chất trên địa bàn xã đang được đầu tư đồng bộ nhằm đáp ứng tốt nhu cầu học tập của người dân. Hiện nay, xã có 10 trường tiểu học (Liên Mạc A, Liên Mạc B, Hoàng Kim, Chu Phan, Tiến Thịnh, Thạch Đà, Hồng Hà, Thọ An, Thọ Xuân, Trung Châu), 05 trường THCS (Liên Mạc, Hoàng Kim, Chu Phan, Tiến Thịnh, Phạm Hồng Thái), 02 trường THPT (Tiến Thịnh và Yên Lãng).

Trong lĩnh vực y tế, trên địa bàn xã có Bệnh viện Đa khoa Mê Linh và 10 trạm y tế đã được cải tạo, nâng cấp và trang bị đầy đủ thiết bị, đáp ứng các tiêu chí quốc gia về y tế cấp xã, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.

  • Trụ sở Đảng ủy xã Yên Lãng: Thôn Chu Trần, xã Yên Lãng
  • Trụ sở UBND xã Yên Lãng: Thôn 1 - Thạch Đà, xã Yên Lãng
  • Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Yên Lãng: đồng chí Phạm Văn Minh
  • Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Yên Lãng: đồng chí Lê Văn Khương

Theo Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội

Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sắp xếp, thành phố có 51 phường và 75 xã. 

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy nhà nước, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước, giữ vững vai trò tiên phong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thông tin chi tiết và hữu ích về 126 xã, phường mới của Hà Nội người dân có thể truy cập Tại đây

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời