Phường Định Công: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp

Phường Định Công là khu vực có vị trí liên kết vùng mạnh mẽ, đóng vai trò trung chuyển giữa khu vực nội đô lịch sử và các khu đô thị mới đang phát triển nhanh chóng ở phía Nam thành phố.

Lý do lấy tên phường mới là Định Công: Định Công là một phường thuộc quận Hoàng Mai. Định Công được hình thành từ hai thôn Thượng và Hạ hợp thuộc tổng Khương Đình (huyện Thanh Trì), được coi là làng văn hiến, có nhiều người đỗ đạt. Định Công xưa vốn sở hữu một nghề trong "tứ nghệ tinh" của đất cũ Thăng Long (gồm Lĩnh Yên Thái, gốm Bát Tràng, bạc Định Công, đồng Ngũ Xã). Trải qua hơn 1.000 năm lịch sử, Định Công vẫn còn lưu lại những vết tích lịch sử quý giá về một thời kỳ hưng thịnh của văn hóa nước nhà.

Vì vậy, việc lấy tên đơn vị hành chính mới là Định Công sẽ bảo đảm nét truyền thống văn hóa lịch sử cách mạng; phù hợp với nguyên tắc ưu tiên sử dụng một trong các tên gọi của các đơn vị hành chính trước khi sáp nhập để đặt tên cho xã, phường mới, hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp do phải chuyển đổi giấy tờ.

Đài PTTH Hà Nội
Lãnh đạo thành phố Hà Nội trao quyết định công tác cán bộ cho lãnh đạo phường Định Công.

 

Vị trí địa lý, diện tích, dân số phường Định Công

Phường Định Công giáp các phường: Hoàng Mai, Khương Đình, Thanh Liệt, Hoàng Liệt, Phương Liệt, Tương Mai của thành phố Hà Nội và có diện tích tự nhiên là 5,34 km²; quy mô dân số là 85.502 người.

Phường Định Công được hình thành trên cơ sở nhập phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Định Công, Đại Kim (thuộc quận Hoàng Mai); một phần diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Thanh Liệt, Tân Triều (thuộc huyện Thanh Trì), các phường: Giáp Bát, Thịnh Liệt, Hoàng Liệt (thuộc quận Hoàng Mai), trong đó:

  • Phường Định Công (Quận Hoàng Mai): Diện tích: 1,96 km²; Quy mô dân số: 31.324 người.
  • Phường Đại Kim (Quận Hoàng Mai): Diện tích: 2,62 km²; Quy mô dân số: 48.192 người.
  • Phường Giáp Bát (Quận Hoàng Mai): Diện tích: 0,01 km²; Quy mô dân số: 0 người.
  • Phường Thịnh Liệt (Quận Hoàng Mai): Diện tích: 0,23 km²; Quy mô dân số: 5.252 người.
  • Phường Hoàng Liệt (Quận Hoàng Mai): Diện tích: 0,05 km²; Quy mô dân số: 315 người.
  • Xã Tân Triều (Huyện Thanh Trì): Diện tích: 0,10 km²; Quy mô dân số: 360 người.
  • Xã Thanh Liệt (Huyện Thanh Trì): Diện tích: 0,37 km²; Quy mô dân số: 59 người.

 

Đặc điểm kinh tế, xã hội phường Định Công

Phường Định Công là khu vực có vị trí liên kết vùng mạnh mẽ, đóng vai trò trung chuyển giữa khu vực nội đô lịch sử và các khu đô thị mới đang phát triển nhanh chóng ở phía Nam thành phố như Linh Đàm, Tây Nam Kim Giang, Khu đô thị The Manor Central Park,… Phường Định Công nằm gần các trục giao thông quan trọng của thành phố như đường Vành đai 2.5, Vành đai 3, tuyến đường Giải Phóng, Kim Giang, Nguyễn Xiển và đặc biệt là tuyến đường sắt Bắc - Nam. Vị trí này tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối giao thương, phát triển hạ tầng kỹ thuật và giao thông đô thị, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội khu vực.

Phường Định Công có quy mô dân cư tương đối lớn, hạ tầng được đầu tư, có tiềm năng trở thành khu đô thị hiện đại kết hợp nhà ở, dịch vụ, thương mại và hạ tầng công cộng. Khu vực này góp phần quan trọng vào việc giãn dân nội đô, phát triển không gian đô thị Hà Nội theo hướng bền vững và đồng bộ.

 

Đặc điểm kinh tế phường Định Công

Định Công nằm trong khu vực đã và đang đô thị hóa mạnh, với sự xuất hiện của nhiều khu đô thị, khu dân cư mới như The Manor Central Park của Bitexco, Khu đô thị mới Đại Kim của Hacinco, Khu đô thị Tây Nam Kim Giang 1, Kim Văn - Kim Lũ, Đại Kim Building, Thông tấn xã Đại Kim,… và tiếp giáp các khu phát triển nhanh như Linh Đàm, Kim Giang, Tân Triều... Do đó, cơ cấu kinh tế của phường theo hướng phát triển dịch vụ, thương mại, xây dựng.

Quá trình đô thị hóa đã kéo theo nhu cầu tăng cao về dịch vụ, hạ tầng xã hội như trường học, trạm y tế, giao thông, cấp thoát nước, môi trường…, từ đó tạo động lực cho các ngành kinh tế phát triển theo hướng bền vững. Đặc biệt, lĩnh vực bất động sản đang đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của phường, với nhiều dự án đầu tư có quy mô lớn, thu hút người dân và doanh nghiệp đến sinh sống, làm việc, kinh doanh.

Nhiều trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, siêu thị, chuỗi nhà hàng, cà phê phát triển mạnh tại các trục đường chính như Giải Phóng, Kim Giang, Định Công Thượng, Định Công Hạ... và các khu chung cư tạo ra nhiều việc làm và nguồn thu ngân sách ổn định cho địa phương. Ngoài ra, hệ thống các chi nhánh ngân hàng, tổ chức tài chính, bảo hiểm cũng hiện diện tương đối đầy đủ, hỗ trợ các hoạt động kinh tế, giao dịch và đầu tư của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.

Định Công ngày nay vẫn còn một số nghề truyền thống như nghề làm đậu phụ Mơ (làng Mai Động), nghề kim hoàn đậu bạc (làng Định Công) được thành phố công nhận là “Nghề truyền thống Hà Nội” (năm 2024) - một trong bốn nghề truyền thống nổi tiếng, được gọi từ “tứ nghệ tinh” của Thăng Long xưa và làng nghề làm bánh cuốn Thanh Trì. Tuy nhiên, các nghề này đang đứng trước nhiều thách thức, nguy cơ mai một trước bối cảnh đô thị hóa nhanh và thị hiếu tiêu dùng có nhiều thay đổi. Đây không chỉ là nguồn thu nhập cho một bộ phận dân cư mà còn là yếu tố quan trọng trong việc bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử và phát triển du lịch làng nghề trong tương lai.

Phường Định Công hiện có các chợ truyền thống đang hoạt động gồm chợ Định Công Thượng, chợ Xanh Định Công, chợ Đại Kim. Ngoài các chợ chính, trên địa bàn còn tồn tại các chợ cóc, chợ tạm ở ven đường Kim Giang, Lê Trọng Tấn, khu vực giáp Thanh Liệt - Tân Triều. Dù không chính thức, nhưng các chợ này vẫn đóng vai trò cung cấp thực phẩm hằng ngày cho người dân trên địa bàn phường. 

Đặc điểm văn hóa - xã hội phường Định Công

Từ một làng cổ ven đô, Định Công ngày nay không chỉ giữ được những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc mà còn tiếp nhận, hòa quyện với các yếu tố văn hóa đô thị hiện đại, tạo nên một không gian văn hóa đa dạng, độc đáo và năng động.

Trước khi trở thành phường đô thị, Định Công vốn là một làng cổ lâu đời của Kinh thành Thăng Long xưa, nổi tiếng với nghề kim hoàn truyền thống, thường được gọi là “làng Đậu bạc”. Tinh hoa nghề kim hoàn không chỉ phản ánh sự khéo léo, sáng tạo của người thợ mà còn gắn với giá trị văn hóa tinh thần, được truyền từ đời này sang đời khác. Dù hiện nay chỉ còn ít hộ còn làm nghề, song nghề bạc Định Công vẫn được xem là biểu tượng văn hóa phi vật thể quý giá. Làng nghề làm bánh cuốn Thanh Trì, đậu phụ Mơ cùng những món ăn đã từng “nức tiếng” trong đời sống văn hóa - ẩm thực Hà Thành. Những nghề truyền thống này này không chỉ là phương tiện mưu sinh, kiếm sống của các hộ dân mà đã trở thành nét văn hóa độc đáo, góp phần tạo nên bản sắc cho phường Định Công nói riêng và của Thủ đô nói chung.

Truyền thống hiếu học là một trong những đặc điểm tiêu biểu của vùng đất Định Công. Theo sử sách ghi lại, vào thế kỷ XV, Định Công đã là nơi sản sinh ra nhiều người đỗ đạt cao trong các kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình. Tiêu biểu nhất là cụ Bùi Xương Trạch - người đỗ Tiến sĩ thời Vua Lê Thánh Tông, từng làm quan lớn và được triều đình trọng dụng. Tên tuổi cụ gắn liền với tinh thần học tập, sự nghiệp giáo dục và đạo lý làm người. Truyền thống hiếu học này tiếp tục được người dân địa phương gìn giữ qua nhiều thế hệ. Nhiều gia đình, dòng họ luôn coi trọng giáo dục, đầu tư cho con cái học hành, coi đây là con đường phát triển bền vững nhất. Nhờ vậy, phường Định Công có tỷ lệ học sinh thi đỗ đại học cao, nhiều người thành danh trên nhiều lĩnh vực khoa học, kinh tế, kỹ thuật, văn hóa - xã hội.

Định Công là nơi thu hút nhiều cư dân đến từ các tỉnh thành khác nhau tới sinh sống và làm việc, tập trung tại các khu đô thị như Định Công, Đại Kim, Kim Văn - Kim Lũ,... Cộng đồng dân cư đa dạng đã mang đến những màu sắc văn hóa mới, từ lối sống, sinh hoạt, đến ẩm thực, tôn giáo, tín ngưỡng.

Phường Định Công có nhiều di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia như Định Thôn Thượng, đền thờ Tổ Kim Hoàn, chùa Thiên Phúc (1996); miếu, đình Định Công Thượng (1994); đình, đền chùa Định Công Hạ (1996); chùa Lủ; Lăng mộ Nguyễn Văn Siêu, lăng mộ và nhà thờ Nguyễn Trọng Hợp,…

Phường có nhiều lễ hội mang đậm nét truyền thống như lễ hội làng ngày 12/2 âm lịch tưởng nhớ công ơn Đức thánh Chàng Công Sơ và Đức thánh Đoàn Thượng đã có công cứu dân cứu nước; hội đền Đức Bồng thờ một vị thần nghề nông; lễ hội Đầm Sen 12/8 âm lịch; lễ hội làng Đại Từ, hội làng Kim Giang,… Sau phần lễ, phần hội có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí thu hút người dân tham gia như: hát quan họ, cờ tướng, bắt vịt, đi cầu kiều hái lộc, bắt lươn, đập niêu, ném vòng,...

Về y tế, phường Định Công nằm gần các bệnh viện lớn như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện K Tân Triều, Bệnh viện 103,…cùng trung tâm y tế phường và hệ thống các phòng khám tư nhân đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn.

Về giáo dục, với truyền thống hiếu học lâu đời, phường Định Công quan tâm, chú trọng phát triển hệ thống giáo dục các cấp, nhiều trường học đạt chuẩn quốc gia và có nhiều thành tích trong dạy và học như: Trường Tiểu học và THCS Đại Kim, Trường Tiểu học và THCS Định Công,…Trên địa bàn phường có một số trường đại học tư thục, cao đẳng và dạy nghề như: Trường Đại học Thăng Long, Trường Cao đẳng Y - Dược Cộng đồng, Trường Trung cấp Y dược Lê Hữu Trác, Trung tâm dạy nghề Hoàng Mai,…

  • Trụ sở Đảng ủy - UBND phường Định Công: số 1 ngõ 282 đường Kim Giang
  • Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Định Công: đồng chí Nguyễn Quang Trung
  • Phó Bí thư, Chủ tịch UBND phường Định Công: đồng chí Nguyễn Tuấn Anh
  • Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Định Công: đồng chí Trần Hữu Chúc.

Theo Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội

Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sắp xếp, thành phố có 51 phường và 75 xã. 

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy nhà nước, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước, giữ vững vai trò tiên phong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thông tin chi tiết và hữu ích về 126 xã, phường mới của Hà Nội người dân có thể truy cập Tại đây.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời