Phường Hà Đông: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp
Phường Hà Đông được hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích và dân số của các phường: Vạn Phúc, Phúc La (thuộc quận Hà Đông); phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Mộ Lao, Hà Cầu, Văn Quán, Quang Trung, La Khê (thuộc quận Hà Đông); một phần diện tích tự nhiên và dân số của phường Đại Mỗ (thuộc quận Nam Từ Liêm), xã Tân Triều (thuộc huyện Thanh Trì).
Lý do lấy tên phường Hà Đông bởi Hà Đông là mảnh đất có bề dày lịch sử văn hóa, truyền thống yêu nước, ý chí cách mạng kiên cường. Trong suốt chiều dài 120 năm hình thành và phát triển, qua 8 lần tách nhập, đổi tên và thay đổi địa giới hành chính, Hà Đông luôn xứng đáng với vị thế là trung tâm của tỉnh lỵ Hà Đông, Hà Sơn Bình, Hà Tây xưa và là một quận nội thành của Thủ đô Hà Nội ngày nay.
Việc lấy tên đơn vị hành chính mới là Hà Đông theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp) là phù hợp với truyền thống văn hóa lịch sử của vùng đất Hà Đông xưa và nay. Theo đó, tên gọi phường Hà Đông không chỉ in đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử mà còn cho thấy sự sáng tạo, ẩn sâu bên trong là khát khao đổi mới, không ngừng phát triển vươn lên.

Vị trí địa lý, diện tích, dân số phường Hà Đông
Phường Hà Đông giáp các phường: Thanh Liệt, Dương Nội, Kiến Hưng, Đại Mỗ của thành phố Hà Nội. Phường Hà Đông có diện tích tự nhiên là 9,00 km²; quy mô dân số là 185.205 người.
Phường Hà Đông được hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích và dân số của các phường: Vạn Phúc, Phúc La (thuộc quận Hà Đông); phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Mộ Lao, Hà Cầu, Văn Quán, Quang Trung, La Khê (thuộc quận Hà Đông); một phần diện tích tự nhiên và dân số của phường Đại Mỗ (thuộc quận Nam Từ Liêm), xã Tân Triều (thuộc huyện Thanh Trì).
- Phường Đại Mỗ (Quận Nam Từ Liêm): Diện tích: 0,08 km²; Quy mô dân số: 571
- Phường La Khê (Quận Hà Đông): Diện tích: 1,39 km²; Quy mô dân số: 27.093
- Phường Mộ Lao (Quận Hà Đông): Diện tích: 1,20 km²; Quy mô dân số: 26.348
- Phường Văn Quán (Quận Hà Đông): Diện tích: 1,15 km²; Quy mô dân số: 20.302
- Phường Phúc La (Quận Hà Đông): Diện tích: 1,39 km²; Quy mô dân số: 22.995
- Phường Hà Cầu (Quận Hà Đông): Diện tích: 0,80 km²; Quy mô dân số: 22.955
- Phường Quang Trung (Quận Hà Đông): Diện tích: 1,41 km²; Quy mô dân số: 44.763
- Phường Vạn Phúc (Quận Hà Đông): Diện tích: 1,43 km²; Quy mô dân số: 19.085
- Xã Tân Triều (Huyện Thanh Trì): Diện tích: 0,15 km²; Quy mô dân số: 1.093
Đặc điểm kinh tế, xã hội phường Hà Đông
Phường Hà Đông đóng vai trò là đầu mối kết nối giữa trung tâm nội đô và các đô thị vệ tinh như Xuân Mai. Vị thế của phường Hà Đông không chỉ thể hiện ở năng lực thu hút đầu tư mà còn ở vai trò phát triển đô thị văn minh, hiện đại, trở thành điểm nhấn phát triển đô thị kiểu mẫu tại cửa ngõ phía Tây và Tây Nam của Thủ đô.
Đặc điểm kinh tế phường Hà Đông
Phường Hà Đông phát triển kinh tế sôi động, đa dạng với ưu thế nổi bật về thương mại - dịch vụ, bất động sản và các ngành kinh tế đô thị hiện đại. Nhờ lợi thế về vị trí trung tâm và hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, phường là nơi tập trung nhiều trung tâm thương mại lớn như Melinh plaza, Metro,... cùng nhiều khu chợ đầu mối và chợ dân sinh truyền thống như chợ Hà Đông, chợ Vồ,… cùng hệ thống cửa hàng, nhà hàng, khách sạn, ngân hàng.
Hà Đông là vùng đất của không gian văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc. Đó là hệ thống các di tích lịch sử, văn hoá; tín ngưỡng; phong tục tập quán; lễ hội truyền thống; hương ước làng xã... Đây là nguồn lực tinh thần quan trọng để Hà Đông xây dựng các không gian văn hóa đặc trưng, góp phần xây dựng hình ảnh Hà Đông trên con đường hội nhập, phát triển kinh tế nhưng vẫn bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa bền vững.
Một số khu vực trong phường vẫn còn các ngành tiểu thủ công nghiệp truyền thống như dệt lụa Vạn Phúc, góp phần giữ gìn bản sắc làng nghề và tạo thêm thu nhập cho người dân. Kinh tế phường Hà Đông đang chuyển dịch rõ rệt theo hướng hiện đại hóa, lấy thương mại - dịch vụ chất lượng cao và công nghiệp văn hóa - sáng tạo làm động lực tăng trưởng chính.
Là một trong những địa bàn có tốc độ đô thị hóa cao của Thành phố, nơi tập trung nhiều trường đại học lớn và là một trong những thị trường bất động sản sôi động với hàng loạt các dự án chung cư, khu đô thị lớn như Văn Phú, Văn Quán, Mộ Lao,… thu hút lượng dân cư đông đảo từ các địa phương lân cận tới sinh sống, học tập và thúc đẩy tiêu dùng địa phương.
Nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam của Thủ đô Hà Nội, gắn kết các khu vực nội thành với ngoại thành. Trong quan hệ, liên kết vùng, Hà Đông luôn giữ vị trí quan trọng trong hành lang kết nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh và các khu vực Tây Bắc.
Đặc điểm văn hóa - xã hội phường Hà Đông
Về văn hóa, phường Hà Đông là địa bàn có truyền thống văn hóa lâu đời kết hợp hài hòa với nhịp sống đô thị hiện đại. Khu vực này quy tụ nhiều di tích lịch sử, văn hóa quan trọng của Thủ đô như Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là một di tích lịch sử cách mạng đặc biệt, đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử Văn hóa. Nhà là nơi lưu giữ, trưng bày nhiều tư liệu, hiện vật quý giá về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và những năm tháng hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Địa bàn có nhiều làng nghề truyền thống như dệt lụa Vạn Phúc, gốm sứ, mây tre đan. Đặc biệt, nghề dệt lụa Vạn Phúc đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Về y tế, phường Hà Đông có nhiều điểm sáng nổi bật, thể hiện qua sự phát triển đồng bộ và hiện đại của hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Cơ sở vật chất các trạm y tế được cải tạo, nâng cấp với trang thiết bị y tế tiên tiến, giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ban đầu và tăng cường khả năng ứng phó với các tình huống cấp cứu, dịch bệnh.
Phường Hà Đông có các bệnh viện lớn như: Bệnh viện Da liễu Hà Đông (2D Nguyễn Viết Xuân); Bệnh viện Y học Cổ truyền Hà Đông (số 99 - Nguyễn Viết Xuân); Bệnh viện Mắt Hà Đông (2D Nguyễn Viết Xuân); Bệnh viện 103 (km 3 - Đường 70 - Tân Triều ); Viện Bỏng Quốc gia (Tân Triều, Thanh Trì); Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (số 2, Bế Văn Đàn).
Bên cạnh đó, phường Hà Đông cũng chú trọng phát triển các chương trình y tế dự phòng, tiêm chủng mở rộng và giáo dục sức khỏe cộng đồng thường xuyên, giúp nâng cao nhận thức và cải thiện sức khỏe người dân. Sự phối hợp hiệu quả với các bệnh viện tuyến trên và trung tâm y tế cũng là điểm sáng quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ y tế chuyên sâu ngay tại địa phương.
Về giáo dục, phường Hà Đông được đánh giá cao với hệ thống trường học nhiều cấp được đầu tư phát triển đồng bộ và hiện đại. Những trường tiêu biểu trên địa bàn như: Trường THPT Lê Quý Đôn, Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ,…
Các cơ sở giáo dục từ mầm non đến trung học cơ sở đều được nâng cấp về cơ sở vật chất, xây dựng thêm phòng học, trang bị thiết bị dạy học tiên tiến nhằm tạo môi trường học tập an toàn, thân thiện và hiệu quả cho học sinh. Phường cũng chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy.
Ngoài hệ thống công lập, giáo dục ngoài công lập cũng phát triển mạnh mẽ với nhiều trường tư thục, trung tâm kỹ năng, trung tâm ngoại ngữ, đào tạo năng khiếu và hệ thống trường quốc tế đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân.
● Trụ sở Đảng ủy - UBND phường Hà Đông: Số 2, phố Hà Cầu, phường Hà Đông (địa chỉ cũ: số 2, phố Hà Cầu, phường Hà Cầu, quận Hà Đông).
● Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Hà Đông: đồng chí Nguyễn Thanh Xuân.
● Phó Bí thư, Chủ tịch UBND phường Hà Đông: đồng chí Trần Thị Lương An.
● Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Hà Đông: đồng chí Nguyễn Thị Vân Anh.
Theo Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội
Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sắp xếp, thành phố có 51 phường và 75 xã.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy nhà nước, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước, giữ vững vai trò tiên phong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thông tin chi tiết và hữu ích về 126 xã, phường mới của Hà Nội người dân có thể truy cập Tại đây