Phường Ngọc Hà: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp

Phường Ngọc Hà nằm ở phía Tây khu trung tâm Ba Đình, là một trong những khu vực có bề dày lịch sử - văn hóa lâu đời thuộc vùng “Thập tam trại” xưa và có vai trò là cầu nối giữa khu trung tâm hành chính - chính trị với khu vực dân cư truyền thống, khu ngoại giao đoàn và các khu đô thị hiện đại, đồng thời là điểm hội tụ của các giá trị văn hóa - lịch sử - tôn giáo đặc sắc.

Lý do lấy tên phường mới là Ngọc Hà: Ngọc Hà là tên gọi một tuyến phố cũng là một phường thuộc quận Ba Đình, đây nguyên là đất trại Ngọc Hà, tổng Nội, huyện Vĩnh Thuận cũ; là địa danh của một làng trong số thập tam trại - mười ba làng bao quanh hồ Tây, chuyên sản xuất những nhu yếu phẩm cung cấp cho kinh thành Thăng Long trước kia. Theo đó, vừa bảo đảm tên gọi của đơn vị hành chính có giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa; vừa bảo đảm phù hợp với nguyên tắc ưu tiên sử dụng một trong các tên gọi của các đơn vị hành chính trước khi sáp nhập để đặt tên cho xã, phường mới, hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp do phải chuyển đổi giấy tờ; đồng thời, tên gọi Ngọc Hà dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, bảo đảm tính hệ thống, khoa học.

Đài PTTH Hà Nội
Lãnh đạo thành phố Hà Nội trao quyết định công tác cán bộ cho lãnh đạo phường Ngọc Hà.

 

Vị trí địa lý, diện tích, dân số phường Ngọc Hà

Phường Ngọc Hà giáp các phường: Ba Đình, Giảng Võ, Nghĩa Đô, Tây Hồ của thành phố Hà Nội và có diện tích tự nhiên là 2,68 km²; quy mô dân số là 93.536 người.

Phường Ngọc Hà được hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của phường: Vĩnh Phúc, Liễu Giai (quận Ba Đình); phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Ngọc Hà, Đội Cấn, Kim Mã, Cống Vị (quận Ba Đình); một phần diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Ngọc Khánh (quận Ba Đình); một phần diện tích đất giao thông phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy), trong đó:

  • Phường Vĩnh Phúc (Quận Ba Đình): Diện tích: 0,72; Quy mô dân số: 23.733
  • Phường Cống Vị (Quận Ba Đình): Diện tích: 0,25; Quy mô dân số: 12.881
  • Phường Liễu Giai (Quận Ba Đình): Diện tích: 0,68; Quy mô dân số: 23.401
  • Phường Ngọc Hà (Quận Ba Đình): Diện tích: 0,42; Quy mô dân số: 12.409
  • Phường Đội Cấn (Quận Ba Đình): Diện tích: 0,19; Quy mô dân số: 8.527
  • Phường Ngọc Khánh (Quận Ba Đình): Diện tích: 0,08; Quy mô dân số: 2.534
  • Phường Kim Mã (Quận Ba Đình): Diện tích: 0,24; Quy mô dân số: 7.364
  • Phường Nghĩa Đô (Quận Cầu Giấy): Diện tích: 0,10; Quy mô dân số: 2.687

 

Đặc điểm kinh tế, xã hội phường Ngọc Hà

Phường Ngọc Hà nằm ở phía Tây khu trung tâm Ba Đình, là một trong những khu vực có bề dày lịch sử - văn hóa lâu đời thuộc vùng “Thập tam trại” xưa. Với diện tích lớn, dân cư đông, tiếp giáp các khu hành chính - chính trị trọng yếu của quốc gia như: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phủ Chủ tịch, Quảng trường Ba Đình, Bảo tàng Hồ Chí Minh...

Phường có vai trò là cầu nối giữa khu trung tâm hành chính - chính trị với khu vực dân cư truyền thống, khu ngoại giao đoàn, và các khu đô thị hiện đại, đồng thời là điểm hội tụ của các giá trị văn hóa - lịch sử - tôn giáo đặc sắc. Đây cũng là địa bàn quan trọng về an ninh chính trị - trật tự xã hội, có vị trí quan trọng trong công tác quản lý hành chính đô thị và tổ chức không gian phát triển Thủ đô Hà Nội hiện đại, bền vững.

Đặc điểm kinh tế phường Ngọc Hà

Phường Ngọc Hà có cơ cấu kinh tế dịch vụ - thương mại - hành chính - văn hóa là chủ yếu, phát triển đa dạng và tương đối ổn định.

Kinh tế dịch vụ - thương mại: Với hàng loạt di tích văn hóa, cơ sở lưu trú, khu vực phố thương mại và làng nghề, phường có tiềm năng lớn về phát triển du lịch văn hóa, ẩm thực và thương mại dịch vụ. Khu vực làng nghề đúc đồng Ngọc Hà, các phố ẩm thực truyền thống như Liễu Giai, Ngọc Hà, Đội Cấn, Cống Vị... là những không gian giàu tiềm năng khai thác thương mại.

Kinh tế gắn với di tích - lễ hội: Phường có nhiều lễ hội truyền thống, làng cổ, chùa chiền và đình đền đặc sắc, thu hút du khách trong nước và quốc tế. Đây là nền tảng để phát triển dịch vụ du lịch văn hóa - tâm linh kết hợp sinh thái đô thị, đặc biệt tại khu vực Công viên Bách Thảo, Hồ Hữu Tiệp, Hồ Ngọc Hà.

Hạ tầng kỹ thuật và xã hội được quan tâm đầu tư đồng bộ: Nhiều tuyến đường trục (Ngọc Hà - Đội Cấn - Liễu Giai - Kim Mã) kết nối các khu trung tâm hành chính với vùng dân cư, tạo điều kiện cho thương mại, dịch vụ phát triển. Các chợ dân sinh, siêu thị, hệ thống y tế và trường học hiện đại cũng góp phần nâng cao chất lượng sống.

 

Đặc điểm văn hóa - xã hội phường Ngọc Hà

Về di sản văn hóa vật thể: Phường Ngọc Hà là một khu vực tập trung mật độ di tích văn hóa - lịch sử - tín ngưỡng cao hàng đầu Thủ đô, bao gồm các đình - đền - chùa tiêu biểu được xếp hạng cấp Quốc gia và cấp thành phố: đình Ngọc Hà, đình Đại Yên, đình Hữu Tiệp, đền Cát Triệu, đền Đống Nước, chùa Bát Mẫu; Vĩnh Phúc - Liễu Giai - Cống Vị: đình Vĩnh Phúc, đền Liễu Giai, chùa Vĩnh Khánh, đình Cống Vị, đình Kim Mã Thượng; đình Kim Mã, chùa Kim Sơn, đền Voi Phục (Thủ Lệ - một trong “Thăng Long Tứ Trấn”), đình Ngọc Khánh, chùa Quang Ân, đền Trung Nha, đền Quán Đôi... Hệ thống di tích trên địa bàn phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình (lịch sử, kiến trúc, tín ngưỡng, cách mạng) và có giá trị đặc biệt trong nhận diện bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội.

Về di sản cách mạng, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bảo tàng Hồ Chí Minh là hai di tích có giá trị bậc nhất trong hệ thống di tích Quốc gia đặc biệt, có sức lan tỏa lớn về ý nghĩa chính trị - tinh thần. Hồ Hữu Tiệp nằm ở làng hoa Ngọc Hà - nơi lưu giữ xác máy bay B52 - là biểu tượng chiến thắng của Hà Nội trong kháng chiến chống Mỹ; Khu vực lễ đài Quảng trường Ba Đình, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập năm 1945.

Về lễ hội và đời sống văn hóa: Các lễ hội đình làng vẫn được duy trì hằng năm tại Cống Vị, Kim Mã, Voi Phục,… với sự tham gia đông đảo của nhân dân và du khách. Các trò chơi dân gian, hát quan họ, chèo, lễ giỗ nghĩa quân Tây Sơn, lễ rước Thành hoàng làng là nét đặc trưng giúp bảo tồn giá trị phi vật thể, tiêu biểu là: lễ hội làng Ngọc Hà (thờ Thánh Huyền Thiên Hắc Đế); lễ hội đình Đại Yên, đình Vạn Phúc; lễ hội đền Voi Phục (thờ Linh Lang Đại Vương); lễ hội giỗ nghĩa quân Tây Sơn tại chùa Kim Sơn; lễ hội làng Cống Vị (thờ Đức thánh Phúc Trung). Các trò chơi dân gian được tổ chức trong các lễ hội như chọi gà, bắt vịt, thi thổi xôi, cờ người,... 

Về y tế, hệ thống y tế phường Ngọc Hà có bệnh viện lớn tuyến đầu của cả nước với cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao là Bệnh Viện Phổi Trung ương 463 Hoàng Hoa Thám,... Cùng với đó là hệ thống các trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế cơ sở. Trên địa bàn còn có các phòng khám đa khoa, chuyên khoa, hệ thống các nhà thuốc tư nhân phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.

Về giáo dục, trên địa bàn phường chủ yếu tập trung các trường trong hệ thống giáo dục phổ thông với số lượng khá khiêm tốn, trong đó, đối với khối tiểu học thì chủ yếu là hệ thống các trường ngoài công lập, bao gồm các trường phổ thông tiêu biểu như: Trường THPT Phạm Hồng Thái, số 1 Nguyễn Văn Ngọc; Trường THCS Ba Đình, số 145 Hoàng Hoa Thám; Trường THCS Hoàng Hoa Thám, Vĩnh Phúc; Trường THCS Thăng Long, số 46A Nguyễn Văn Ngọc; Trường THCS Thống Nhất - Ba Đình, ngõ 210 Đội Cấn; Trường THCS Thực Nghiệm, số 50 Liễu Giai; Trường Tiểu học Vạn Phúc - Ba Đình, ngõ 294 Đội Cấn;...

Phường Ngọc Hà là một trong những phường tiêu biểu về văn hóa - lịch sử - chính trị và kinh tế - xã hội của Thủ đô. Với vị thế địa lý chiến lược, cơ cấu kinh tế thương mại - dịch vụ phát triển, cùng hệ thống di sản văn hóa đặc biệt, phường có đầy đủ điều kiện để trở thành hình mẫu của một đơn vị hành chính đô thị hiện đại, giàu bản sắc, phát triển bền vững và hài hòa giữa truyền thống - đổi mới.

  • Trụ sở Đảng ủy - UBND phường Ngọc Hà: Số 25 phố Liễu Giai
  • Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Ngọc Hà: đồng chí Nguyễn Công Thành
  • Phó Bí thư, Chủ tịch UBND phường Ngọc Hà: đồng chí Lương Xuân Dương
  • Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Ngọc Hà: đồng chí Trần Thị Hà Giang.

Theo Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội

Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sắp xếp, thành phố có 51 phường và 75 xã. 

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy nhà nước, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước, giữ vững vai trò tiên phong trong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thông tin chi tiết và hữu ích về 126 xã, phường mới của Hà Nội người dân có thể truy cập Tại đây

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời