Xã Dương Hoà: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp
Xã Dương Hòa được hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế, Yên Sở, Đắc Sở (huyện Hoài Đức). Các xã Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế, Yên Sở, Đắc Sở trước kia thuộc Tổng Sấu và Tổng Giá. Tổng Sấu thời xưa có 2 xã là Quế Dương và Minh Hòa (thuộc địa giới của các xã Minh Khai, Dương Liễu và Cát Quế ngày nay).
Lý do việc đặt tên xã Dương Hòa là bởi một phần để gợi nhớ địa danh từng tồn tại trong lịch sử. Trụ sở cơ quan hành chính dự kiến đặt tại trụ sở Đảng ủy HĐND, UBND xã Yên Sở, trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã Cát Quế và một số trụ sở xã khác hiện nay. Khi có nhu cầu giao dịch với chính quyền, người dân cần đi theo đường Lý Phục Man (đê Tả Đáy), sau đó rẽ xuống các đường xương cá sẽ đến trụ sở đơn vị hành chính mới của xã Dương Hòa.

Vị trí địa lý, diện tích, dân số xã Dương Hoà
Xã Dương Hòa giáp các xã: Hoài Đức, Sơn Đồng, Quốc Oai, Đan Phượng, Hát Môn của thành phố Hà Nội. Xã có diện tích tự nhiên là 17,41 km2; quy mô dân số là 58.830 người.
- Xã Minh Khai (Huyện Hoài Đức): Diện tích: 1,95 km²; Quy mô dân số: 6.750 người
- Xã Dương Liễu (Huyện Hoài Đức): Diện tích: 4,35 km²; Quy mô dân số: 15.487 người
- Xã Cát Quế (Huyện Hoài Đức): Diện tích: 4,20 km²; Quy mô dân số: 19.171 người
- Xã Yên Sở (Huyện Hoài Đức): Diện tích: 4,86 km²; Quy mô dân số: 12.024 người
- Xã Đắc Sở (Huyện Hoài Đức): Diện tích: 2,05 km²; Quy mô dân số: 5.398 người
Đặc điểm kinh tế, xã hội xã Dương Hoà
Xã Dương Hòa có vị trí tiếp giáp với các xã Hoài Đức, Sơn Đồng, Quốc Oai, Đan Phượng và Hát Môn, thuận lợi cho kết nối liên vùng. Từ Dương Hòa có thể dễ dàng tiếp cận quốc lộ 32, cao tốc Láng - Hòa Lạc, cùng các tuyến đường cấp thành phố và liên xã, góp phần thúc đẩy giao thương và phát triển kinh tế - xã hội.
Việc triển khai các dự án khu đô thị như Yên Phú, An Thịnh và quy hoạch Khu đô thị S2, cùng với hệ thống hạ tầng giao thông như đường tỉnh 422, vành đai 4, đường liên khu vực 1 tạo điều kiện thuận lợi để xã Dương Hòa phát triển đồng bộ về đô thị, giao thông. Những yếu tố này góp phần nâng cao khả năng kết nối vùng, thu hút đầu tư và thúc đẩy quá trình đô thị hóa theo hướng bền vững.
Đặc điểm kinh tế xã Dương Hoà
Kinh tế xã có những bước chuyển mình tích cực; bên cạnh nông nghiệp, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ được chú trọng phát triển, góp phần nâng cao đời sống người dân.
Hiện nay, cơ cấu kinh tế của xã ưu tiên theo hướng: công nghiệp, xây dựng - thương mại, dịch vụ - nông nghiệp.
Trên địa bàn xã Dương Hòa có các khu cụm làng nghề Dương Liễu, Cát Quế, Minh Khai, Yên Sở, Đắc Sở. Ngoài ra, trên địa bàn xã đang phát triển thêm các khu cụm công nghiệp để thu hút các doanh nghiệp và tạo thêm việc làm cho người dân trong và ngoài xã. Các cụm công nghiệp tập trung vào các ngành công nghiệp sản xuất, công nghiệp chế biến nông sản và các ngành công nghiệp dịch vụ khác.
Đặc điểm văn hóa - xã hội xã Dương Hoà
Nét văn hóa đặc trưng của xã thể hiện qua các lễ hội truyền thống, các di tích lịch sử văn hóa và tinh thần đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng. Người dân xã nổi tiếng với sự hiếu khách, thân thiện và cần cù lao động.
Trên địa bàn xã có di tích lịch sử Quán Giá (thuộc khu Rừng Giá) thờ tướng công Lý Phục Man được Bộ Văn hóa thông tin xếp hạng cấp Quốc gia, đền Văn Chỉ, đền Bà, chùa Lụa thuộc quần thể di tích lịch sử Quán Giá; chùa Địa Linh được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích lịch sử năm 1994; đình Mậu Hòa được Bộ Văn hóa thông tin xếp hạng di tích lịch sử năm 1994; chùa Hương Trai được nhà nước xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1964; đình Dương Liễu được UBND tỉnh Hà Tây công nhận là di tích lịch sử văn hóa năm 2007; đền Dương Liễu được Bộ văn hóa công nhận di tích lịch sử văn hóa năm 1990; chùa Đại Bi và chùa Vĩnh Phúc xếp hạng cấp Quốc gia năm 1997; đình Quế Dương xếp hạng cấp Quốc gia năm 1997; đền Mẫu và đền Vật xếp hạng cấp Quốc gia năm 1997 . Ngoài ra, xã còn có các di tích như chùa Hương Trai, chùa Đồng, chùa Bãi, chùa Pháp Vũ, chùa Ngọc Tân, chùa Lụa, đền Dương Liễu, đình Hàng Tổng… và di sản 73 giếng đá cổ.
Sản phẩm làng nghề tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu của xã là: miến dong, bánh kẹo, bột thô, bún, bánh gio, bưởi đường Quế Dương, cam đường,…
Trạm y tế xã thực hiện tốt công tác thường trực, chủ động khám chữa bệnh cho nhân dân, không để xảy ra rủi ro trong chuyên môn; thực hiện khám tư vấn sức khỏe miễn phí cho người cao tuổi trên địa bàn; thực hiện tốt công tác tiêm chủng mở rộng cho trẻ em đầy đủ các loại vắc-xin; đồng thời vận động nhân dân tham gia BHYT, góp phần nâng cao tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn… Trên địa bàn xã có 05 trạm y tế tại Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế, Đắc Sở, Yên Sở.
Các trường học trên địa bàn xã luôn quan tâm đến việc giáo dục thể chất để rèn luyện thể lực, kỹ năng, sức bền cho học sinh; trường học các cấp đều đạt chuẩn quốc gia. Đến nay 100% số trường học trên địa bàn xã đã có nhà giáo dục thể chất và nhà trường đã xây dựng mô hình giáo dục thể chất cho học sinh nhằm giúp học sinh rèn luyện thể lực, kỹ năng, sức bền, nhằm nâng cao sức khỏe cho học sinh. Các nhà trường cũng thường xuyên rà soát, bổ sung quy chế quản lý, sử dụng trang thiết bị dạy và học; xây dựng kế hoạch duy tu, bảo trì, nâng cấp cơ sở vật chất. Trên địa bàn xã có 07 trường THCS (Cát Quế A, Di Trạch, An Thượng, An Khánh, Song Phương, Đắc Sở, Yên Sở), 07 trường Tiểu học (Kim Chung A, Di Trạch, An Thượng, An Khánh, Song Phương, Đắc Sở, Yên Sở), 07 trường mầm non (Kim Chung, Di Trạch, An Thượng, An Khánh, Song Phương, Đắc Sở, Yên Sở).
- Trụ sở Đảng ủy - UBND xã Dương Hoà: Thôn 5, xã Dương Hòa
- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Dương Hoà: đồng chí Phùng Bá Nhân
- Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Dương Hoà: đồng chí Lê Đức Phóng
- Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Dương Hoà: đồng chí Nguyễn Văn Thuận.
Theo Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội
Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sắp xếp, thành phố có 51 phường và 75 xã.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy nhà nước, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước, giữ vững vai trò tiên phong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thông tin chi tiết và hữu ích về 126 xã, phường mới của Hà Nội người dân có thể truy cập Tại đây