Châu Âu trải qua đợt sóng nhiệt nghiêm trọng
Nhiều khu vực ở châu Âu đang trải qua một đợt sóng nhiệt nghiêm trọng, với nhiệt độ cao kỷ lục và gây ra nhiều hậu quả tiêu cực.
Nắng nóng gay gắt đến sớm tại châu Âu
Một đợt nắng nóng nghiêm trọng đến sớm hơn thường lệ đã hoành hành khắp châu Âu trong nhiều ngày qua, gây ra cảnh báo nắng nóng trên diện rộng ở nhiều quốc gia trên khắp lục địa. Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Bỉ và Italia là những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với nhiệt độ lên tới hơn 40 độ C. Theo báo cáo năm 2024 của Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus của EU, Châu Âu là châu lục có nhiệt độ tăng nhanh nhất trên Trái Đất, nóng lên nhanh gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu kể từ những năm 1980.
Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha vốn không xa lạ với nắng nóng nhưng đợt sóng nhiệt đến sớm này đã đánh bại kỷ lục trước đó.
Chính phủ Bồ Đào Nha đã phải ban hành cảnh báo nắng nóng mức đỏ cho 7 trong số 18 quận. Thị trấn Mora, phía tây Lisbon nhiệt độ lên đến 46,6 độ C vào ngày 30/6, vượt qua kỷ lục 44,9 độ C được thiết lập vào năm 2017.
Còn tại Tây Ban Nha, cơ quan thời tiết nước này cho biết nền nhiệt trung bình trong ngày 30 tháng 6 lần đầu tiên lên mức 28 độ C kể từ năm 1950. Một số thành phố khác nhiệt độ cao hơn 9 độ so với mức trung bình theo mùa. Thành phố Barcelona thường không phải chịu cảnh này vì nằm giữa những ngọn đồi và Địa Trung Hải. Tuy nhiên, năm nay thành phố này đã ghi nhận tháng 6 nóng nhất trong vòng một trăm năm qua
Nước Pháp đã trải qua nửa tháng nắng nóng liên tiếp trên hầu hết các vùng của đất nước khiến 2 người thiệt mạng và với 300 người phải nhập viện. Cơ quan thời tiết quốc gia Pháp đã đưa 16 tỉnh vào mức cảnh báo đỏ cao nhất và 68 tỉnh khác ở mức cảnh báo cam. Khu vực Paris, nói riêng, là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Các bệnh viện trên khắp nước Pháp đã cảnh giác trước nguy cơ gia tăng số ca nhập viện liên quan đến nắng nóng. Bộ trưởng Y tế Catherine Vautrin cảnh báo rằng tác động của nhiệt độ cực cao đối với cơ thể con người có thể kéo dài trong nhiều ngày, ngay cả sau khi nhiệt độ giảm.
"Tôi có thể nói rằng các dịch vụ y tế khẩn cấp tại khu vực Ile-de-France, Paris đã được tăng cường. Tuy nhiên, trong những ngày tới, chúng ta sẽ thấy tác động của nắng nóng kéo dài đối với người dân, đặc biệt là với nhóm dễ bị tổn thương nhất như người cao tuổi. Chúng tôi đang theo dõi sát sao tình hình để xem xét các biện pháp được đưa ra có đáp ứng được kỳ vọng của người dân hay không."
Khoảng 1.350 trường học đã đóng cửa hoàn toàn hoặc một phần, tăng so với khoảng 200 trường vào ngày ngày 30 tháng 6. Tầng trên cùng của Tháp Eiffel ở Paris cũng đóng cửa vào hai ngày đầu tiên của tháng 7, du khách được khuyến cáo nên uống nhiều nước và tránh ra ngoài vào thời điểm nắng nóng gay gắt.
Nắng nóng cũng gây ra cuộc tranh luận về máy điều hòa không khí ở một đất nước có số lượng máy điều hòa thấp hơn các quốc gia láng giềng như Trong khi Đảng Tập hợp Quốc gia (RN) kêu gọi một "kế hoạch lớn về máy điều hòa không khí", thì những người ủng hộ thủ tướng Emanuelle Macron chỉ coi đó là giải pháp tạm thời cho những người dễ bị tổn thương nhất và kêu gọi phát triển các biện pháp khác như phủ xanh hoặc cách nhiệt. Tại pháp cứ bốn hộ gia đình thì có một hộ có máy điều hòa không khí vào năm 2020.
Các chuyên gia về khí hậu cảnh báo rằng Pháp có thể nóng hơn tới 4 độ C vào năm 2100, với nhiệt độ vượt quá 40 độ C, và có khả năng xảy ra các đợt nóng đỉnh điểm lên đến 50 độ C mỗi năm.
Theo Bộ Y tế Italia, cảnh báo đỏ đã được ban hành tại 18 thành phố của Italia, bao gồm cả thủ đô Rome nơi nhiệt độ liên tục duy trì trên 35 độ C trong nhiều tuần. Ở một số khu vực của Rome, người dân vừa phải chống chọi với đợt nắng nóng vừa phải hứng chịu tình trạng mất nước sinh hoạt liên tục. Trong nhiều tháng, bà Anna De Angelis sống ở một số khu phố trung tâm thành phố luôn phải lo lắng tích trữ nước vì hầu như đêm nào vòi nước tại nhà bà cũng khô cạn.
"Nhà tôi không nước vào ban đêm. Khoảng 11 giờ 30 phút nước sẽ bị cắt. Còn đêm qua, đến 10 giờ tối vòi nước nhà tôi đã không còn một giọt nước nào."
Người dân cho biết vấn đề này không liên quan đến nắng nóng mà do việc giảm áp lực nước của chính quyền thành phố và nhà cung cấp dịch vụ tiện ích Acea, một biện pháp được cho là giảm thiểu rò rỉ nước ở những đường ống cũ kỹ của thành phố. Sự điều chỉnh này đã khiến hàng chục tòa nhà, đặc biệt là ở các quận trung tâm và phía đông, không có đủ nguồn cung cấp, đặc biệt là vào ban đêm.
Để đối phó, một số hộ đã phải lắp đặt hệ thống bể áp suất tại nhà để lưu trữ và cấp nước cho gia đình. Tuy nhiên, những biện pháp khắc phục này không làm giảm hoàn toàn sự khó chịu mà cư dân gặp phả khi họ thậm chí không thể làm mát bằng vòi sen sau một ngày làm việc dưới cái nắng gay gắt. Khi hiện tượng khí hậu khắc nghiệt ngày càng xảy ra thường xuyên hơn trên khắp châu Âu, tình trạng thiếu nước ở Rome là thách thức ngày càng lớn mà nhiều thành phố phải đối mặt: cơ sở hạ tầng cũ kỹ chịu áp lực từ nhiệt độ tăng cao và dân số đô thị gia tăng.
Tại Bỉ, bảo tàng Atomium mang tính biểu tượng ở Brussels đã phải đóng cửa sớm. Lượt khách cuối cùng vào cửa là 1 giờ chiều thay vì 5:30 chiều như thường lệ. Ban quản lý công trình này cho rằng đây là biện pháp phòng ngừa vì nhiệt độ bên trong các quả cầu thép không gỉ có thể tăng đáng kể, gây khó chịu cho du khách.
"Hôm nay chúng tôi đến Brussels và tham quan thành phố nhưng vì trời quá nóng nên chúng tôi quyết định chỉ ghé thăm Atomium. Bên trong rất nóng nên chúng tôi phải rút ngắn thời gian tham quan. Chúng tôi phải dùng khăn ăn thấm nước và vỗ nhẹ người để hạ nhiệt.
Việc đóng cửa trong năm nay đánh dấu lần thứ hai trong lịch sử Atomium bị đình trệ hoạt động do nhiệt độ cao. Lần đầu tiên là vào mùa hè năm 2019.
Nắng nóng cũng gây ra tình trạng cháy rừng tại một số quốc gia Châu Âu khác như Hy lạp và Thổ Nhĩ .
Những cách đối phó với sóng nhiệt
Tỷ lệ nhà ở có điều hòa tại các quốc gia Châu âu chỉ là 20% trong khi đó ở Anh thấp hơn nhiều chỉ khoảng 5% và Đức là 3%. Điều khiến người châu Âu ít dùng điều hòa là do thời tiết trước đây vốn mát mẻ và những tòa nhà được xây dựng lâu đời, không được thiết kế để tích hợp hệ thống làm mát hiện đại. Bên cạnh đó thêm điều hòa nghĩa là đi ngược với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính mà nhiều quốc gia đang theo đuổi. Chính vì vậy, các thành phố châu Âu đang phải nỗ lực tìm kiếm các giải pháp thích ứng bền vững hơn. Trong thời gian chờ đợi những hướng đi dài hạn, nhiều sáng kiến làm mát tạm thời đã được triển khai nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân trong các đợt nắng nóng khắc nghiệt.
Khi nhiệt độ ở thủ đô nước Pháp chạm ngưỡng gay gắt thì ngoài việc tới công viên nước hay tận hưởng các vòi nước công cộng, người dân Paris đổ xô đến các cửa hàng điện máy. Theo đại diện một cửa hàng Darty ở phía đông thành phố, hàng trăm chiếc quạt đã được bán ra chỉ trong hai ngày cuối tuần. Các sản phẩm từ quạt cầm tay, quạt đứng cho đến máy điều hòa di động đều “cháy hàng”. Với nhiều cư dân sống trong những căn hộ nhỏ hẹp không có hệ thống làm mát cố định, quạt điện trở thành vật dụng thiết yếu để “cầm cự” qua đợt nắng.
“Chúng tôi có rất nhiều nhà ở không thực sự được cách nhiệt tốt với nắng nóng. Trong nhà nhiệt độ hơn 30 độ C như ở vùng nhiệt đới. Một chiếc quạt không quá đắt, nhưng nó tạo cảm giác”.
Còn tại nhà hàng Le Mesturet, nơi các đầu bếp phải làm việc với nhiệt độ cao, ông Alain Fontaine, chủ nhà hàng đã buộc phải hành động. Ngoài việc bổ sung quạt gió, ông quyết định điều chỉnh thực đơn, ưu tiên các món nguội và tắt bớt các thiết bị sinh nhiệt như lò nướng, bếp gas. Mục tiêu là vừa đảm bảo an toàn cho nhân viên, vừa giữ trải nghiệm dễ chịu cho thực khách, trong bối cảnh sức ăn giảm mạnh vì oi nóng.
Còn với những người phải sống trong các căn hộ ở tầng áp mái như Basile Richard, một sinh viên 22 tuổi, thì những ngày hè quả thực rất khó chịu. Các mái nhà này được thiết kế vào thế kỷ 19 để tạo thêm không gian sống trong các tầng áp mái của thành phố, chúng lại hấp thụ nhiệt độ cao khiến các căn phòng bên dưới trở nên rất nóng.
"Thực sự, trời rất nóng, và sống ở căn hộ nằm ở tầng áp mái không lợp ngói khó khăn hơn nhiều. Tối qua, lúc 10-11 giờ tối, mà sàn nhà vẫn nóng vì nó giữ nhiệt”.
Vào ngày đầu tháng 7, nhiệt độ bên trong căn hộ của Richard khoảng 30 độ C, trong khi các tấm kẽm trên mái nhà dưới ánh nắng trực tiếp đo được hơn 70 độ C.
Ngoài bầu không khí ngột ngạt bên trong, Richard cho biết “gần như không thể” đi bộ trên sân thượng của căn hộ vào buổi chiều cho đến 8-9h tối.
Trước nguy cơ các đợt nắng nóng ngày càng kéo dài và gay gắt, Paris đang thí điểm các giải pháp như mái nhà phủ cây xanh, sàn gỗ cách nhiệt, và hệ thống giữ nước. Phó thị trưởng Dan Lert nhấn mạnh, đây là "cuộc chạy đua với thời gian" để thích nghi với biến đổi khí hậu, đặc biệt là ở các thành phố có mật độ xây dựng cao như Paris.
“Chúng tôi có một kế hoạch lớn là trang bị cho những ngôi nhà ở Paris cửa chớp và sau đó lớp cách nhiệt dưới mái nhà hoặc thay vật liệu kẽm bằng mái nhà xanh. Chúng tôi cần thực hiện điều này nhanh chóng vì chúng tôi đang tham gia vào một cuộc đua với thời gian”.
Các thử nghiệm đang được văn phòng kiến trúc Roofscapes thực hiện trên một mái nhà cách không xa tòa thị chính Paris. Các kiến trúc sự đã lắp đặt một sàn gỗ thí nghiệm phủ đầy cây xanh trên mái kẽm. Bóng râm từ hệ thống này cùng với hiệu ứng làm mát từ cây cối giúp giảm nhiệt độ trong tòa nhà, đồng thời giữ nước và cung cấp môi trường sống cho động vật hoang dã địa phương.
Không riêng gì Pháp, nhiều khu vực của Đức cũng ghi nhận nền nhiệt lên tới 40 độC. Các công nhân xây dựng, thợ lợp mái và người bán hàng rong phải thay đổi cách làm việc để đảm bảo sức khỏe.
Tại thủ đô Berlin, người bán xúc xích cà ri Liliana Kwiatkowska cho biết các đầu bếp sử dụng khăn lạnh, đô uống mát để kiểm soát nhiệt độ cơ thể.
Bên cạnh đó nhiều biện pháp hạ nhiệt đã được thực hiện để giảm tác động của nắng nóng. Tại thành phố Cologne ở phía tây nước Đức, một hệ thống phun sương đã được lắp đặt giúp tránh nóng cho cả người già và trẻ nhỏ.
Cảnh báo sớm - Vũ khí hiệu quả đối phó với nắng nóng
Theo tổ chức khí tượng thế giới WMO, tần suất và cường độ của các đợt nắng nóng cực độ đang gia tăng và các hiện tượng thời tiết như hiện nay không còn là điều hiếm gặp, mà đang trở thành mối đe dọa thường trực đối với sức khỏe cộng đồng và hạ tầng xã hội. Dự kiến đến năm 2050, sẽ có khoảng một nửa dân số châu Âu có nguy cơ cao hoặc rất cao bị căng thẳng do nhiệt trong mùa hè.
Theo WMO, đợt nắng nóng xuất hiện sớm ngay đầu tháng 7 là điều đáng lo ngại. Nhiệt độ cao bất thường đã phá kỷ lục tháng Sáu tại nhiều khu vực Tây và Tây Nam Âu, trong đó không chỉ nhiệt độ ban ngày mà cả ban đêm cũng duy trì ở mức nguy hiểm. Điều này khiến cơ thể không có thời gian hồi phục, làm gia tăng nguy cơ sốc nhiệt và các vấn đề liên quan đến tim mạch.
"Mọi người đều có nguy cơ. Nếu bạn ra ngoài mà không mang nước vào giữa trưa, để chạy bộ hay đạp xe, bạn có thể sẽ gặp vấn đề sức khỏe hoặc thậm chí tử vong”.
Không chỉ tác động đến sức khỏe, thời tiết cực đoan còn gây tổn thất kinh tế nặng nề. Cơ quan Môi trường Châu Âu (EEA) cho biết riêng trong năm 2023, các sự kiện liên quan đến khí hậu đã gây thiệt hại hơn 45 tỷ euro. Trong khi lũ lụt, bão và mưa đá là nguyên nhân chính gây thiệt hại vật chất, thì nắng nóng lại là thủ phạm hàng đầu gây tử vong.
“Chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mới của thời tiết cực đoan. Chúng ta phải học cách sống chung với nó, thông qua thích ứng chủ động, cảnh báo sớm và chuẩn bị kỹ lưỡng cho mọi tình huống.”
Trước thực trạng này, WMO kêu gọi các quốc gia đẩy mạnh hệ thống cảnh báo sớm và xây dựng các kế hoạch hành động phối hợp giữa các cơ quan khí tượng, y tế và chính quyền địa phương. Đây được xem là biện pháp thiết thực nhất để giảm thiểu tác động của các đợt nắng nóng, hiện tượng đang ngày càng xảy ra sớm hơn, kéo dài hơn và nguy hiểm hơn.