Ứng phó bão số 3: Phép thử của chính quyền 2 cấp
Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự cấp xã, phường phải đối mặt ngay với thử thách đầu tiên là cơn bão số 3 khi thực hiện bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp từ 1/7.
Là địa bàn có hơn 15km trải dài dọc sông Hồng, chính quyền phường Hồng Hà đã kích hoạt phương án phòng chống bão, với mục tiêu ưu tiên đảm bảo an toàn cho người dân khu vực vùng ven sông.
Với đặc thù của khu vực dân cư ngoài bãi và kinh nghiệm của cơn bão Yagi vào tháng 9 năm 2024, người dân có thể phải đối mặt với nguy cơ ngập lụt, do vậy chính quyền đã chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó, thậm chí đã tính tới cả phương án di dân cũng như nơi tạm cư tránh trú.
Ông Nguyễn Đình Thu – Chánh Văn phòng HĐND, UBND phường Hồng Hà, Hà Nội cho biết: "Chủ tịch UBND phường đã chỉ đạo toàn bộ công tác rà soát, đặc biệt là các điểm có các tàu neo đậu dọc ven sông. Từ đó chỉ đạo các lực lượng phối hợp nắm chắc tình hình các nhà dân ven sông, thống kê số liệu cụ thể và lên phương án để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các hộ dân ven sông".
Thực hiện nghiêm công điện của Chủ tịch UBND TP Hà Nội về ứng phó với bão số 3, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự cấp xã đã tổ chức trực ban 24/24 giờ. Trước kia, mỗi khi có thiên tai đều có cấp huyện chỉ đạo, giờ là vai trò hạt nhân trong công tác phòng, chống thiên tai nên cấp xã phải tự tổ chức tổ đội tiền phương, vận hành tốt nhất lực lượng hoàn toàn mới trong tình huống khẩn cấp là vấn đề hoàn toàn không đơn giản… Ai kiểm tra vùng trọng điểm, ai ứng trực điểm xung yếu đều được phân công rõ ràng.
Là vùng rốn lũ của Hà Nội, từ nhiều ngày trước, xã Trần Phú đã huy động lực lượng đến từng nhà tuyên truyền vận động, hỗ trợ người dân di chuyển tài sản, để giảm thiểu tối đa thiệt hại.
Ông Đỗ Hoàng Anh Châu – Chủ tịch UBND xã Trần Phú cho hay: "Xã Trần Phú đã triển khai đến các lực lượng và tiểu ban thực hiện theo phương châm "bốn tại chỗ", huy động lực lượng dân quân và nhân lực là các trưởng thôn, sẵn sàng ứng phó với tình hình bão lũ".
Trong mô hình tổ chức mới, cấp xã vừa là “điểm cuối” tiếp nhận mệnh lệnh vừa là “điểm đầu” của các hoạt động ứng phó, phòng ngừa, khắc phục sự cố. Sự phân công rõ ràng, chủ động hơn này vừa đặt ra thách thức về năng lực điều hành, vừa mở ra cơ hội để chính quyền cấp xã phát huy tính linh hoạt và hiệu quả trong quản lý rủi ro thiên tai ngay tại cơ sở.