Vì sao Mỹ ngừng cấp nhiều vũ khí then chốt cho Ukraine?

Việc Mỹ tạm dừng cung cấp vũ khí chủ chốt cho Ukraine trong bối cảnh Nga gia tăng tấn công, phản ánh sự thay đổi ưu tiên chiến lược của Washington.

Lầu Năm Góc đã quyết định tạm ngừng cung cấp nhiều loại vũ khí then chốt cho Ukraine, bao gồm tên lửa phòng không Patriot, đạn pháo 155mm và tên lửa cho tiêm kích F-16. Theo giới chức Mỹ, quyết định này nhằm đảm bảo lợi ích của Washington trước tiên và được thực hiện sau khi Bộ Quốc phòng nước này rà soát lại việc hỗ trợ và viện trợ quân sự đối với các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, đằng sau lý do chính thức về “ưu tiên an ninh quốc gia”, đây có thể là tín hiệu cho thấy Mỹ đang chuẩn bị điều chỉnh chiến lược mới.

Vì sao Lầu Năm Góc tạm ngừng cung cấp vũ khí chủ chốt cho Ukraine?

Quyết định tạm ngừng cung cấp một số loại vũ khí nhất định cho Ukraine do Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đưa ra, được NBC News đưa tin đầu tiên, sau đó được Đại sứ Mỹ tại NATO Matthew Whitaker và người phát ngôn Nhà Trắng Anna Kelly xác nhận.

Theo một số nguồn tin, các loại vũ khí thuộc diện bị tạm dừng chuyển cho Ukraine gồm tên lửa đánh chặn Patriot, tên lửa Stinger và AIM, hàng trăm tên lửa Hellfire và GMLRS, cũng như hàng nghìn quả đạn pháo 155mm mà Washington đã cam kết với Kiev trước đó. Tờ Washington Post dẫn nguồn tin cho biết, số hàng viện trợ quân sự trên hiện đã ở Ba Lan đang được chuẩn bị để chuyển giao cho Kiev.

Giải thích về việc Lầu Năm Góc tạm dừng viện trợ quân sự cho Ukraine, giới chức Mỹ cho biết, quyết định này xuất phát từ một thực tế đáng lo ngại: kho dự trữ của Mỹ đang cạn kiệt. Một cuộc đánh giá do Elbridge Colby, Giám đốc chính sách của Lầu Năm Góc dẫn đầu đã kết luận rằng, kho dự trữ đạn pháo, tên lửa phòng không và đạn dược dẫn đường chính xác của nước này đã sụt giảm nghiêm trọng sau 3 năm hỗ trợ Kiev và có thể dẫn đến tình trạng thiếu đạn dược để đối phó với các tình huống bất ngờ trên toàn cầu.

“Trước hết, chúng ta phải quan tâm đến nhu cầu của Mỹ. Lầu Năm Góc luôn đảm bảo rằng nước Mỹ có năng lực phòng thủ chiến lược cần thiết để thể hiện sức mạnh. Chúng ta phải đảm bảo rằng chúng ta có đủ khả năng để đảm bảo thành công trên chiến trường, bất kể đó là ở đâu”.

Ông Matthew Whitaker - Đại sứ Mỹ tại NATO

Còn theo người phát ngôn Nhà Trắng Anna Kelly, quyết định của Mỹ tạm ngừng viện trợ quân sự cho Ukraine nhằm ưu tiên “lợi ích của nước Mỹ trước tiên”, phản ánh sự thay đổi chiến lược dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm bảo vệ năng lực quân sự trong nước. 

Theo các nguồn tin, việc Mỹ đóng băng các đợt giao hàng mới cho Kiev có thể kéo dài cho đến khi Washington đánh giá xong số lượng vũ khí trong kho dự trữ. Nếu phát hiện tình trạng thiếu đạn dược, việc trì hoãn có thể còn kéo dài. 

Trên thực tế, những lo ngại của Lầu Năm Góc không phải là mới. Ngay từ năm 2023, Bộ trưởng Lục quân Christine Wormuth đã cảnh báo rằng, sản lượng đạn pháo 155mm của Mỹ, khi đó là 20.000 viên mỗi tháng, sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu của Ukraine. Những nỗ lực tăng sản lượng lên 75.000 viên mỗi tháng vào cuối năm 2025 đã cho thấy sự tiến triển. Tuy nhiên, các chuyên gia như Michael Kofman của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế lưu ý rằng, ngay cả những mục tiêu này cũng có thể không bằng sản lượng của Nga, ước tính vượt quá 1 triệu quả đạn pháo mỗi năm. Khoảng cách này nhấn mạnh những thách thức mà ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ phải đối mặt để đáp ứng nhu cầu thời chiến.

Lý do chính thức là vậy, nhưng giới quan sát cho rằng, quyết định tạm ngừng viện trợ cho Ukraine của Lầu Năm Góc còn phản ánh những tính toán địa chính trị rộng hơn. Chính quyền Trump đã ưu tiên các cuộc đàm phán hòa bình để giải quyết xung đột Ukraine - Nga, với các cuộc đàm phán được tiến hành tại Jeddah vào tháng 3/2025. Trong bối cảnh ấy, việc tạm ngừng các chuyến hàng viện trợ quân sự có thể là đòn bẩy để đưa Ukraine tiến tới bàn đàm phán, phù hợp với mục tiêu đã nêu của ông Trump là chấm dứt xung đột.

Dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Joe Biden, Washington đã cam kết cung cấp hơn 65 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ năm 2022, thời điểm chiến sự bùng phát. Tuy nhiên, kể từ khi nhậm chức hồi tháng 1 năm nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump - người từ lâu vẫn hoài nghi về việc viện trợ cho Ukraine, chưa công bố bất kỳ gói viện trợ quân sự mới nào cho Kiev. Dự thảo ngân sách của Mỹ cho năm 2026-2027 cũng không bao gồm các khoản viện trợ cho Kiev. Hiện tại, Ukraine đang nhận được phần còn lại của gói viện trợ 6 tỷ USD được thông qua từ thời cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Hệ lụy đối với Ukraine và châu Âu

Lầu Năm Góc nêu rõ, việc Mỹ tạm ngừng viện trợ một số loại vũ khí quan trọng cho Ukraine không có nghĩa là Washington hoàn toàn dừng viện trợ cho Kiev. Thay vào đó, họ đã đưa ra các phương án tiếp tục hỗ trợ quân sự phù hợp với mục tiêu của Tổng thống Donald Trump nhằm chấm dứt cuộc chiến. 

Phát biểu ngày 3/7, ông Donald Trump cũng bác các tuyên bố về việc Mỹ ngừng hoàn toàn viện trợ quân sự cho Ukraine, khẳng định rằng Washington vẫn tiếp tục viện trợ vũ khí sát thương cho Kiev với điều kiện đảm bảo kho dự trữ trong nước. Ông chủ Nhà Trắng không cung cấp chi tiết về các loại vũ khí cụ thể đang bị giữ lại và những loại vẫn đang được chuyển giao, nhưng việc Mỹ đóng băng một phần viện trợ vũ khí vẫn là một đòn giáng mạnh đối với Ukraine trong bối cảnh nước này đang phải chống trả các cuộc tấn công dữ dội của Nga. Khi Nga điều chỉnh các chiến lược của mình, bao gồm cả việc sử dụng máy bay không người lái mồi nhử để áp đảo hệ thống phòng không, việc thiếu các loại đạn dược của Mỹ có thể buộc Ukraine phải phân bổ nguồn lực của mình, có khả năng nhượng bộ hoặc phải chịu rủi ro lớn hơn.

Các lô hàng bị dừng chuyển giao được cho là bao gồm một loạt các loại đạn dược tiên tiến đóng vai trò then chốt trong chiến lược phòng thủ của Ukraine. Tờ Bild (Đức) dẫn lời các chuyên gia quân sự cảnh báo việc thiếu vắng hệ thống Patriot sẽ khiến năng lực phòng không của Ukraine suy giảm nghiêm trọng, bởi đây được xem là loại vũ khí duy nhất có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo của Nga.

“Quyết định này chắc chắn rất khó chịu đối với chúng tôi. Tên lửa cho hệ thống phòng không Patriot là duy nhất và chỉ được sản xuất bởi Mỹ. Bất kỳ đợt chuyển giao vũ khí nào đều phải được thực hiện theo các quy tắc quốc tế về thương mại và cung cấp vũ khí, theo đó đều cần có sự đồng ý của nhà sản xuất. Nghĩa là, nếu Mỹ chấp thuận việc chuyển giao các tên lửa này cho các quốc gia đang sở hữu, thì Ukraine mới có cơ hội nhận được chúng”.

Ông Fedir Venislavskyi - Nhà Luật pháp Ukraine

Đạn pháo 155mm là một tài sản quan trọng khác. Việc Mỹ tạm dừng chuyển giao hàng nghìn quả đạn pháo sẽ hạn chế khả năng duy trì các tuyến phòng thủ của Ukraine trước lực lượng pháo binh vượt trội về số lượng của Nga. Theo ước tính của các chuyên gia, các lực lượng Nga hiện bắn tới 10.000 quả đạn pháo mỗi ngày so với 2.000 quả của Ukraine.

Danh mục vũ khí bị ngưng chuyển giao không chỉ bao gồm các hệ thống phòng thủ mà còn cả vũ khí tấn công tầm xa, như tên lửa AGM-88 HARM chống radar, bom thông minh JDAM, cùng tên lửa không đối không AIM-120 AMRAAM dành cho các chiến đấu cơ F-16. Điều này đồng nghĩa với việc, ngay cả khi Kiev nhận được tiêm kích F-16 từ Hà Lan, Na Uy và Đan Mạch, các máy bay này cũng sẽ không phát huy được tối đa hiệu quả nếu thiếu đi các loại vũ khí dẫn đường chính xác. F-16 có thể cất cánh, nhưng không thể chiến đấu, từ đó hạn chế khả năng của Ukraine trong việc thách thức ưu thế trên không và phòng thủ trên bộ của Nga.

“Đây là điều rất tệ đối với chúng tôi vì ngay cả trước khi có thông báo của Mỹ, chúng tôi đã bắt đầu gặp khó khăn với việc đẩy lùi các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa. Tôi không thể tưởng tượng được điều gì sẽ xảy ra khi chúng tôi hết toàn bộ kho dự trữ của mình”.

Anh Serhii - người dân Ukraine

Quyết định của Mỹ đã gây ra mối quan ngại đặc biệt khi Ukraine phải đối mặt với một trong những đợt tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái dữ dội nhất của Nga kể từ khi cuộc xung đột giữa hai nước bùng phát năm 2022. 

Phát biểu ngày 3/7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bày tỏ hy vọng có thể nói chuyện với người đồng cấp Mỹ trong ngày 4/7 hoặc những ngày tới về việc cung cấp vũ khí của Mỹ cho Kiev. 

Trước đó, Bộ Quốc phòng Ukraine đã yêu cầu tiến hành tham vấn khẩn cấp với các quan chức quốc phòng Mỹ. Bộ Ngoại giao Ukraine cũng triệu tập Đại biện lâm thời Mỹ John Ginkel, cảnh báo “bất kỳ sự do dự nào” trong việc hỗ trợ quân sự sẽ khuyến khích Nga thực hiện nhiều cuộc tấn công hơn nữa vào Kiev.

Quyết định tạm dừng viện trợ quân sự của Mỹ không chỉ khiến Ukraine mà cả các đồng minh châu Âu của Kiev không khỏi bất an. Các nước như Hà Lan, Đan Mạch và Na Uy đã cam kết mua F-16, trong khi Anh và Đức đã cam kết hàng tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine trong năm 2025. Việc Mỹ tạm dừng viện trợ quân sự cho Kiev có thể gây áp lực buộc các đồng minh này phải lấp đầy khoảng trống. Tuy nhiên, ngành công nghiệp quốc phòng của họ cũng đang phải đối mặt với năng lực sản xuất hạn chế. Một minh chứng là đợt giao hàng gần đây của Đức chỉ gồm 14.000 viên đạn 155mm đến từ cả kho dự trữ của quân đội nước này và ngành công nghiệp quốc phòng, cho thấy năng lực thặng dư hạn chế. 

Mặt khác, các sáng kiến như Trung tâm huấn luyện F-16 châu Âu tại Romania nhằm mục đích củng cố lực lượng không quân của Ukraine, nhưng nếu không có đủ đạn dược, các nền tảng này có nguy cơ trở thành biểu tượng thay vì mang tính chuyển đổi. 

Quyết định của Mỹ có thể thúc đẩy các thành viên NATO đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ, có khả năng chuyển sang các nhà sản xuất ở Hàn Quốc hoặc Israel, nhưng những chuyển đổi như vậy sẽ phải mất nhiều năm mới cho thấy hiệu quả.

Tổng thư ký NATO Mark Rutte ngày 2/7 cho biết, ông hiểu rõ nhu cầu của Nhà Trắng trong việc bảo vệ năng lực quốc phòng của mình, nhưng nhấn mạnh Ukraine đang cần hỗ trợ liên tục một cách khẩn cấp.

Ở chiều ngược lại, Điện Kremlin đã hoan nghênh quyết định của Mỹ, cho rằng đây là một tín hiệu tích cực hướng tới chấm dứt xung đột.

“Theo chúng tôi được biết, nguyên nhân là do kho dự trữ của Mỹ đang cạn kiệt. Nhưng rõ ràng, càng ít vũ khí được cung cấp cho Ukraine, chiến dịch quân sự đặc biệt càng sớm đi đến hồi kết”.

Ông Dmitry Peskov - Người phát ngôn Điện Kremlin

Nga đạt bước tiến lớn nhất từ tháng 11/2024

Theo ông Carlo Masala, Giám đốc Chương trình nghiên cứu Tình báo và An ninh tại Đại học Bundeswehr, Đức, Ukraine hiện chỉ còn đủ vũ khí từ phương Tây để sử dụng đến hết mùa hè. Sau thời điểm đó, tình hình sẽ trở nên nghiêm trọng. Trong khi đó, trên thực địa, thời gian gần đây, Nga đang tiến công dồn dập, tăng tốc kiểm soát lãnh thổ Ukraine, đặt ra thách thức lớn cho các lực lượng Kiev.

Một quan chức quân sự Ukraine ngày 2/7 cho biết, quân đội Nga đã xâm nhập gần hai thị trấn quan trọng trên các tuyến đường tiếp tế của quân đội Ukraine ở miền Đông Ukraine, khi Moscow tìm kiếm bước đột phá trong chiến dịch tấn công mùa hè trong bối cảnh sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Kiev trở nên không chắc chắn.

Trong những tuần gần đây, Nga đã tập hợp lực lượng và tiến vào các vùng nông thôn ở hai bên Pokrovsk và Kostiantynivka, cả hai thành phố đều nằm trên ngã tư đường dẫn đến tiền tuyến từ các thành phố lớn hơn ở vùng lãnh thổ do Ukraine kiểm soát.

Theo ông Viktor Trehubov, người phát ngôn của nhóm lực lượng Khortytsia, một trong những mục tiêu của cuộc tấn công của Nga là kiểm soát phần còn lại của khu vực Donetsk. Tuần trước, Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine Oleksandr Syrskyi cho biết, Nga hiện có 111.000 binh lính ở khu vực Pokrovsk và hàng chục trận chiến diễn ra ở khu vực này mỗi ngày. Trong bối cảnh chiến sự đang diễn ra ác liệt, việc Mỹ đình chỉ cung cấp viện trợ quân sự cho Kiev, đặc biệt là sự thiếu vắng tên lửa cho các hệ thống Patriot và đạn pháo 155mm có thể làm suy yếu khả năng bảo vệ các thành phố và giữ vững các tuyến phòng thủ của Ukraine, đặc biệt là ở các khu vực tranh chấp như Donetsk và Sumy.

Trước đó, theo phân tích của hãng tin AFP về dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ, vào tháng 6, quân đội Nga đã tăng tốc tiến công trong tháng thứ 3 liên tiếp và đạt được bước tiến lớn nhất kể từ tháng 11 năm ngoái. 2/3 cuộc tiến công của Nga vào tháng trước tập trung ở khu vực Donetsk phía Đông, nơi diễn ra các cuộc đụng độ chính giữa Nga và Ukraine trong 2 năm qua. Moscow được cho là đang kiểm soát gần 19% diện tích Ukraine, bao gồm khu vực Luhansk, nơi chính quyền khu vực do Nga bổ nhiệm mới đây tuyên bố lực lượng Nga đã kiểm soát hoàn toàn, cùng với hơn 70% diện tích các khu vực Donetsk, Zaporizhzhia và Kherson và một phần các khu vực Kharkov, Sumy và Dnipropetrovsk.

Giới quan sát cho rằng, việc chính quyền Mỹ cắt giảm viện trợ quân sự cho Ukraine là một đòn giáng mạnh đối với Kiev trong bối cảnh xung đột đang diễn ra ác liệt. Quyết định này phản ánh sự chuyển hướng ưu tiên chiến lược dưới thời Tổng thống Trump, không chỉ tập trung vào lợi ích quốc gia mà dường như còn đang muốn tạo ra một “quãng nghỉ” để thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình giữa Ukraine và Nga, nhằm hướng tới chấm dứt xung đột, điều mà ông Trump từng hứa từ khi còn vận động tranh cử Tổng thống. Nhưng liệu “quãng nghỉ” này có đủ sức nặng để đưa hai bên quay trở lại bàn đàm phán hay không vẫn còn là một câu hỏi ngỏ, trong bối cảnh lập trường của cả Nga và Ukraine vẫn còn cách xa nhau.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời