Việt Nam quan tâm bảo đảm các quyền dân sự, chính trị

Nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội, cải cách pháp luật và cam kết quốc tế của Việt Nam là thành quả và quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước ta trong việc bảo đảm và thúc đẩy các quyền dân sự và chính trị, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Hơn 40 năm qua, kể từ khi gia nhập Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), Việt Nam đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong việc bảo đảm các quyền dân sự và chính trị, thể hiện qua hoạt động cải cách pháp luật, các chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách thúc đẩy quyền con người. 

Nhiều văn bản pháp luật được sửa đổi

Riêng giai đoạn 2019-2025, kể từ Phiên họp thứ 143 (tháng 3/2019) đến Phiên họp thứ 144 (tháng 7/2025), Việt Nam ban hành và sửa đổi nhiều văn bản pháp luật quan trọng, thể hiện cam kết giảm dần việc áp dụng án tử hình, phù hợp với xu thế quốc tế và Điều 6 của ICCPR.

Đài PTTH Hà Nội
Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, bỏ án tử hình với 8 tội danh.

Mới đây, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 đã bỏ hình phạt tử hình đối với 8 tội danh gồm: tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội gián điệp; tội phá hoại cơ sở vật chất-kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội vận chuyển trái phép chất ma túy; tội tham ô tài sản; tội nhận hối lộ; tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược. Những người bị kết án tử hình về 8 tội nêu trên trước ngày 1/7/2025 sẽ không phải thi hành án và được chuyển xuống tù chung thân.

Luật Tư pháp cho người chưa thành niên năm 2019 và Luật Phòng, chống mua bán người sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 tăng cường các biện pháp bảo vệ nhóm dễ bị tổn thương, bảo đảm quyền được xét xử công bằng và quyền an toàn cá nhân.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 ưu tiên hộ nghèo, tăng cường quyền sống và an sinh xã hội, đặc biệt ở vùng khó khăn.

Các chính sách ban hành kịp thời đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quyền con người, đặc biệt ở các vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Các hội nghị, hội thảo và tập huấn về ICCPR được tổ chức trên toàn quốc với sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng, từng bước nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân, đồng thời giúp các cơ quan chức năng thực thi pháp luật hiệu quả hơn, tạo nền tảng quan trọng giúp các quyền quy định trong ICCPR được hiện thực hóa sinh động trong đời sống.

Nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội, cải cách pháp luật và cam kết quốc tế của Việt Nam là thành quả và quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước ta trong việc bảo đảm và thúc đẩy các quyền dân sự và chính trị, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Ba định hướng lớn trong thời gian tới

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, trong thời gian tới, Việt Nam xác định ba định hướng nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả thực thi Công ước ICCPR.

Đài PTTH Hà Nội
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh

“Một là nâng cao nhận thức và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhất là ở cơ quan xây dựng, thi hành pháp luật, cải cách tư pháp, về các quan điểm, chủ trương lớn của Đảng về quyền con người. Mọi chủ trương, chính sách phải lấy con người làm trung tâm, xuất phát từ cuộc sống, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.

Hai là rà soát, thể chế hóa chủ trương của Đảng, nội luật hóa đầy đủ các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, bảo đảm hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi, nhân đạo, dễ tiếp cận, lấy quyền và lợi ích hợp pháp của con người làm trung tâm. Nghị quyết số 66-NQ/TW chính là kim chỉ nam trong công tác này. Đồng thời, Bộ Tư pháp, các bộ, ngành có liên quan cần tập trung triển khai đầy đủ các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 17/5/2025 của Chính phủ. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế đặc biệt xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật để tháo gỡ điểm nghẽn, tạo môi trường thể chế thông thoáng hơn cho thực thi quyền con người. Ngoài ra, cần thực hiện hiệu quả mô hình chính quyền địa phương hai cấp gắn với cải cách thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến để người dân thực sự được thụ hưởng các lợi ích từ cải cách thể chế, tinh gọn bộ máy.

Ba là thực hiện tốt nhiệm vụ đã được đề ra tại Nghị quyết số 66-NQ/TW về tạo đột phá trong công tác thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực và hiệu quả; gắn kết chặt chẽ giữa công tác lập pháp và thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật đi vào cuộc sống. Ngoài ra, cần quan tâm đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền con người”, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời