Xã Phú Xuyên: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp
Xã Phú Xuyên được hình thành từ toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Nam Tiến, Hồng Thái, Quang Hà, thị trấn Phú Minh, thị trấn Phú Xuyên, Nam Phong (huyện Phú Xuyên); Văn Tự, Minh Cường (huyện Thường Tín); phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của xã: Tô Hiệu, Vạn Nhất (huyện Thường Tín).
Lý do lấy tên xã Phú Xuyên bởi việc đặt tên của xã theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp) thuận lợi cho việc nhận diện, cập nhật dữ liệu thông tin. Phú Xuyên xứng danh với tên gọi “đất trăm nghề” bởi trên địa bàn huyện có nhiều làng nghề nổi tiếng. Theo đó, hàng khảm có nhiều loại như: sập, tủ chè, ghế bành...; hàng mỹ nghệ như các bức tranh phong cảnh, chân dung; các đồ gia dụng như hộp đựng đồ khâu, đồ trang sức, khay... Vì vậy, việc lấy tên đơn vị hành chính mới là xã Phú Xuyên bảo đảm giữ gìn các yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa địa phương; mang đậm dấu ấn, là một phần ký ức, là kỷ niệm của những thế hệ người dân ở nơi đây và được cử tri trên địa bàn đồng tình ủng hộ.

Vị trí địa lý, diện tích, dân số xã Phú Xuyên
Xã Phú Xuyên giáp các xã: Chương Dương, Thượng Phúc, Phượng Dực, Chuyên Mỹ, Đại Xuyên của thành phố Hà Nội và tỉnh Hưng Yên. Xã Phú Xuyên có diện tích tự nhiên là 60,02 km²; quy mô dân số là 96.635 người.
Xã Phú Xuyên được hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Nam Tiến, Hồng Thái, Quang Hà, thị trấn Phú Minh, thị trấn Phú Xuyên, Nam Phong (huyện Phú Xuyên); Văn Tự, Minh Cường (huyện Thường Tín); phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của xã: Tô Hiệu, Vạn Nhất (huyện Thường Tín).
- Xã Văn Tự (Huyện Thường Tín): Diện tích: 5,17 km²; Quy mô dân số: 10.206
- Xã Minh Cường (Huyện Thường Tín): Diện tích: 4,73 km²; Quy mô dân số: 10.554
- Xã Tô Hiệu (Huyện Thường Tín): Diện tích: 1,79 km²; Quy mô dân số: 306
- Xã Vạn Nhất (Huyện Thường Tín): Diện tích: 6,68 km²; Quy mô dân số: 12.331
- Thị trấn Phú Minh (Huyện Phú Xuyên): Diện tích: 1,07 km²; Quy mô dân số: 5.952
- Thị trấn Phú Xuyên (Huyện Phú Xuyên): Diện tích: 6,96 km²; Quy mô dân số: 13.420
- Xã Nam Tiến (Huyện Phú Xuyên): Diện tích: 6,81 km²; Quy mô dân số: 10.034
- Xã Hồng Thái (Huyện Phú Xuyên): Diện tích: 9,24 km²; Quy mô dân số: 8.862
- Xã Quang Hà (Huyện Phú Xuyên): Diện tích: 7,94 km²; Quy mô dân số: 11.825
- Xã Nam Phong (Huyện Phú Xuyên): Diện tích: 9,63 km²; Quy mô dân số: 13.145
Đặc điểm kinh tế, xã hội xã Phú Xuyên
Xã Phú Xuyên có mạng lưới giao thông dày đặc: quốc lộ 1A, bến đò Vườn Chuối (Hồng Thái), đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đi qua. Xã nằm giáp ranh với các xã của tỉnh Hưng Yên và nằm trong phạm vi được quy hoạch đô thị vệ tinh, đây là tiền đề tạo bước đệm cho việc thúc đẩy và phát triển kinh tế - xã hội.
Trên địa bàn xã có nhiều làng nghề truyền thống, là nơi bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng của vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Đây là tiềm năng, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương; là điểm đến hấp dẫn đối với du khách muốn tham quan, trải nghiệm văn hóa làng nghề.
Phú Xuyên đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể như đình Nam Phú (Nam Phong) thờ Tam vị Đức Thánh Tản. Đây là những vị Thành hoàng có công giúp nước cho dân vào thời vua Hùng.
Đặc điểm kinh tế xã Phú Xuyên
Kinh tế xã Phú Xuyên phát triển đa dạng với các lĩnh vực chính là công nghiệp, thương mại - dịch vụ và nông nghiệp chất lượng cao; là đầu mối quan trọng kết nối các tỉnh phía Nam Hà Nội và được quy hoạch để trở thành đô thị vệ tinh và trung tâm phát triển kinh tế công nghiệp, dịch vụ, trung chuyển hàng hóa, dịch vụ logistics… tạo điều kiện tiền đề để thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp và phát triển thương mại.
Xã có nhiều làng nghề truyền thống được công nhận, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Cùng với phát triển làng nghề, xã Phú Xuyên khai thác du lịch làng nghề, thu hút khách đến thăm quan và trải nghiệm.
Xã Phú Xuyên đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử nhằm quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm làng nghề truyền thống. Từ tháng 01/2025 đến nay, địa phương đã triển khai nhiều phiên livestream trên mạng xã hội; chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai hình thức bán hàng trực tuyến.
Về nông nghiệp, xã Phú Xuyên phát triển nông nghiệp đa dạng, hiện đại và định hướng phát triển bền vững. Ngoài trồng lúa, trên địa bàn đã có nhiều vùng chuyên canh theo tiêu chuẩn VietGAP như mô hình trồng bưởi, rau sạch và cây ăn quả có giá trị cao. Ngoài ra, xã còn nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, rau trái vụ, cam, nấm, dưa leo… trong mô hình trang trại quy mô lớn.
Đặc điểm văn hóa - xã hội xã Phú Xuyên
Xã Phú Xuyên tích cực phát huy giá trị di tích lịch sử gắn với lễ hội truyền thống trên địa bàn, tiêu biểu như: đình Nam Phú, đình Thần Quy, đình Văn Minh... kết hợp với phát triển du lịch cộng đồng và gìn giữ bản sắc văn hóa vùng địa phương.
Hoàn thiện thiết chế văn hóa - thể thao tại các thôn, cụm dân cư, tạo không gian sinh hoạt cộng đồng lành mạnh, giúp kết nối mọi người, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Xã có nhiều di tích lịch sử được xếp hạng cấp Quốc gia, nổi bật là đình Phú Xuyên, đền thờ Bà Ả Lanh, đình, đền Nam Phú …
Phú Xuyên có hệ thống giáo dục các trường từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, THPT được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học hiệu quả. Một số trường học tiêu biểu như: Trường Mầm non Phú Xuyên, Trường THPT Phú Xuyên A,…
Xã Phú Xuyên sở hữu bệnh viện đa khoa, các phòng khám đa khoa đảm bảo chăm sóc sức khỏe toàn diện cho cư dân, để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trên địa bàn và các vùng lân cận.
Ngoài ra, xã có trạm y tế cơ sở đóng vai trò quan trọng trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng. Trạm y tế xã phối hợp cùng các ngành, đoàn thể địa phương thường xuyên kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân. Đặc biệt, Trung tâm y tế Phú Xuyên liên kết với các bệnh viện lớn như: Bệnh viện Y học Cổ truyền Hà Nội, Bệnh viện Nông nghiệp để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh chất lượng cao, nhiều người dân đã tin tưởng, tìm đến khám chữa bệnh ngày càng đông.
● Trụ sở Đảng ủy - UBND xã Phú Xuyên: Tiểu khu Thao Chính, xã Phú Xuyên (địa chỉ cũ: Tiểu khu Thao Chính, thị trấn Phú Xuyên, huyện Phú Xuyên).
● Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Phú Xuyên: đồng chí Nguyễn Xuân Thanh.
● Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Phú Xuyên: đồng chí Bùi Công Thản.
● Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Phú Xuyên: đồng chí Trương Thanh Hưng.
Theo Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội
Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sắp xếp, thành phố có 51 phường và 75 xã.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy nhà nước, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước, giữ vững vai trò tiên phong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thông tin chi tiết và hữu ích về 126 xã, phường mới của Hà Nội người dân có thể truy cập Tại đây