Xã Hồng Vân: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp
Xã Hồng Vân được hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Liên Phương, Vân Tảo, Hồng Vân, Hà Hồi (huyện Thường Tín); phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Duyên Thái, Ninh Sở (huyện Thường Tín); một phần diện tích tự nhiên và dân số của xã Đông Mỹ (huyện Thanh Trì).
Lý do lấy tên xã Hồng Vân bởi Hồng Vân là một xã thuộc huyện Thường Tín, nên việc chọn tên đơn vị hành chính mới bảo đảm nguyên tắc sử dụng một trong các tên gọi của các đơn vị hành chính trước khi sáp nhập để đặt tên cho xã mới, hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp do phải chuyển đổi giấy tờ.
Mặt khác, xã Hồng Vân nổi tiếng với nghề trồng hoa, cây cảnh từ những năm 80 của thế kỷ trước, nơi đây có nhiều tác phẩm cây cảnh có giá trị lớn nên việc lấy tên đơn vị hành chính mới là Hồng Vân sẽ giúp dễ nhận diện khi xác định vị trí.

Vị trí địa lý, diện tích, dân số xã Hồng Vân
Xã Hồng Vân giáp các xã: Nam Phù, Ngọc Hồi, Thường Tín, Thượng Phúc, Chương Dương của thành phố Hà Nội và tỉnh Hưng Yên. Xã Hồng Vân có diện tích tự nhiên là 24,53 km²; quy mô dân số là 58.685 người.
Xã Hồng Vân được hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Liên Phương, Vân Tảo, Hồng Vân, Hà Hồi (huyện Thường Tín); phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Duyên Thái, Ninh Sở (huyện Thường Tín); một phần diện tích tự nhiên và dân số của xã Đông Mỹ (huyện Thanh Trì).
- Xã Ninh Sở (Huyện Thường Tín): Diện tích: 4,88 km²; Quy mô dân số: 10.054
- Xã Liên Phương (Huyện Thường Tín): Diện tích: 2,70 km²; Quy mô dân số: 9.027
- Xã Vân Tảo (Huyện Thường Tín): Diện tích: 5,13 km²; Quy mô dân số: 12.829
- Xã Duyên Thái (Huyện Thường Tín): Diện tích: 3,26 km²; Quy mô dân số: 8.995
- Xã Hồng Vân (Huyện Thường Tín): Diện tích: 4,47 km²; Quy mô dân số: 6.380
- Xã Hà Hồi (Huyện Thường Tín): Diện tích: 3,93 km²; Quy mô dân số: 11.400
- Xã Đông Mỹ (Huyện Thanh Trì): Diện tích: 0,16 km²; Quy mô dân số: 0
Đặc điểm kinh tế, xã hội xã Hồng Vân
Xã Hồng Vân cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km, có vị trí địa lý thuận lợi cho phát triển du lịch. Đây là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi lưu giữ và lan tỏa nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Xã gắn liền với hệ thống di tích và lễ hội tiêu biểu, trong đó nổi bật là Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung. Xã Hồng Vân cũng là nơi sở hữu nhiều di sản văn hóa phi vật thể quý giá, bao gồm các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian,...
Nằm trên tuyến đường quốc lộ 1A, đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, đường sắt Bắc - Nam, đây là địa bàn có mạng lưới giao thông hoàn chỉnh góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc điểm kinh tế xã Hồng Vân
Các làng nghề truyền thống chiếm vị trí chủ lực trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân xã Hồng Vân.
Làng nghề sơn mài Hạ Thái trở thành địa chỉ có uy tín với bạn hàng trong nước cũng như quốc tế, sản phẩm sơn mài Hạ Thái đã có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Tây Ban Nha, Australia, Italia, Nhật Bản, Hàn Quốc... Những năm qua, người dân đã mở rộng các mô hình kinh doanh nhằm nâng cao độ phủ sóng và thúc đẩy kinh tế. Lấy nét đặc trưng là chất liệu hội họa độc đáo của Việt Nam, làng Hạ Thái đã thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tìm hiểu và thử sức làm tranh sơn mài.
Về phát triển công nghiệp, toàn xã có 5 cụm công nghiệp bao gồm cụm công nghiệp Hà Hồi - Quất Động, cụm công nghiệp Duyên Thái, cụm công nghiệp Hà - Bình - Phương, cụm công nghiệp Liên Phương, cụm công nghiệp Bắc Thường Tín. Các cụm, điểm công nghiệp hiện đang thu hút đông đảo lao động với các sản phẩm chủ yếu là bao bì, thiết bị điện, các mặt hàng tiêu dùng phổ thông.
Đây cũng là nơi có những chợ đầu mối thu hút nhiều thương lái từ nội đô và các tỉnh phía Bắc đến thu mua nông sản và gia cầm cho khu vực nội thành cùng các tỉnh lân cận. Đường vành đai 4 đi qua xã có chiều dài khoảng 5km, tuyến đường này có vai trò quan trọng trong việc kết nối vùng Thủ đô, giảm tải giao thông cho các tuyến đường trung tâm Hà Nội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Về phát triển du lịch, những năm qua xã đã đón rất nhiều lượt khách về nghỉ, tham quan, trải nghiệm du lịch nông nghiệp, tham dự các lễ hội lịch sử của xã. Điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân có diện tích 128ha, bao gồm 6 khu chuyên biệt.
Về phát triển nông nghiệp, xã đang phát triển theo hướng xanh, sạch, giá trị cao gắn với mô hình du lịch sinh thái cộng đồng, truyền thống văn hóa. Mô hình này góp phần nâng cao thu nhập người dân, khẳng định vị thế là một điểm đến du lịch hấp dẫn gần Hà Nội.
Đặc điểm văn hoá - xã hội xã Hồng Vân
Hồng Vân là địa bàn có nhiều làng nghề từ xa xưa, với những sản phẩm được đánh giá cao về chất lượng và nghệ thuật. Trong đó có nhiều làng nghề nổi tiếng như mây tre đan ở Ninh Sở, sơn mài ở Duyên Thái, bánh dày ở Quán Gánh,…
Là vùng đất có lịch sử văn hoá lâu đời, nhiều di chỉ khảo cổ học cho thấy con người đã có mặt tại đây từ thời kỳ đồ đá mới.
Bên cạnh các di chỉ khảo cổ học, Hồng Vân còn là địa bàn của nhiều di tích lịch sử văn hoá. Trong nhiều di tích đã được xếp hạng, phải kể đến là: Lăng đá Quận Vân, đình Nỏ Bạn, đền Đại Lộ, truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung,…
Về giáo dục, xã sở hữu đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm chuyên môn cao. Xã Hồng Vân có 3 cấp trường học đạt chuẩn quốc gia, một số trường tiêu biểu trên địa bàn xã là: Trường Mầm non Hồng Vân, Trường Tiểu học Hồng Vân, THPT Vân Tảo.
Về y tế, các trạm y tế trên địa bàn cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, thực hiện các hoạt động chuyên môn kỹ thuật về y tế dự phòng, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe sinh sản, cung ứng thuốc thiết yếu, quản lý sức khỏe cộng đồng và truyền thông, giáo dục sức khỏe cho người dân. Ngoài trạm y tế, xã Hồng Vân có một số phòng khám tư nhân được đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.
● Trụ sở Đảng ủy xã Hồng Vân: Thôn Cẩm Cơ, xã Hồng Vân (địa chỉ cũ: thôn Cẩm Cơ, xã Hồng Vân, huyện Thường Tín).
● Trụ sở UBND xã Hồng Vân: Thôn Nỏ Bạn, xã Hồng Vân (địa chỉ cũ: thôn Nỏ Bạn, xã Vân Tảo, huyện Thường Tín).
● Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hồng Vân: đồng chí Phạm Tiến Dũng.
● Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Hồng Vân: đồng chí Lê Tuấn Dũng.
● Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hồng Vân: đồng chí Nguyễn Thị Thanh Nhàn.
Theo Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội
Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sắp xếp, thành phố có 51 phường và 75 xã.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy nhà nước, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước, giữ vững vai trò tiên phong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thông tin chi tiết và hữu ích về 126 xã, phường mới của Hà Nội người dân có thể truy cập Tại đây