Xã Bát Tràng: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp
Xã Bát Tràng được hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Kim Đức (huyện Gia Lâm); phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Bát Tràng, Đa Tốn (huyện Gia Lâm); một phần diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Cự Khối, Thạch Bàn (quận Long Biên); Kiêu Kỵ, thị trấn Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm).
Lý do lấy tên xã mới là Bát Tràng: Bát Tràng tên dân gian Bát Tràng quen gọi là Văn Chỉ Bát Tràng, được dựng ngay phía sau đình Bát Tràng; có làng gốm Bát Tràng nổi tiếng của nước ta, tên gọi Bát Tràng dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, bảo đảm tính hệ thống, khoa học; Bát Tràng cũng là một trong các xã thuộc huyện Gia Lâm hiện nay, việc chọn tên đơn vị hành chính mới bảo đảm nguyên tắc ưu tiên sử dụng một trong các tên gọi của các đơn vị hành chính trước khi sáp nhập để đặt tên cho xã, phường mới.
Vị trí địa lý, diện tích, dân số xã Bát Tràng
Xã Bát Tràng giáp các phường Lĩnh Nam, Long Biên và các xã: Gia Lâm, Nam Phù, Thanh Trì của thành phố Hà Nội và tỉnh Hưng Yên.
Xã Bát Tràng có diện tích tự nhiên là 20,67 km2; quy mô dân số là 48.987 người; trong đó:
- Phường Cự Khối (Quận Long Biên): Diện tích: 0,64 km²; quy mô dân số: 1.651 người
- Phường Thạch Bàn (Quận Long Biên): Diện tích: 0,05 km²; quy mô dân số: 0 người
- Thị trấn Trâu Quỳ (Huyện Gia Lâm): Diện tích: 0,31 km²; quy mô dân số: 0 người
- Xã Bát Tràng (Huyện Gia Lâm): Diện tích: 5,07 km²; quy mô dân số: 16.445 người
- Xã Kim Đức (Huyện Gia Lâm): Diện tích: 9,40 km²; quy mô dân số: 15.846 người
- Xã Đa Tốn (Huyện Gia Lâm): Diện tích: 5,20 km²; quy mô dân số: 15.045 người

Đặc điểm kinh tế, xã hội xã Bát Tràng
Xã Bát Tràng nằm ở cửa ngõ phía Đông Thủ đô, có nhiều tuyến giao thông tiếp giáp kết nối đi các xã: Gia Lâm, Nam Phù, Thanh Trì và tiếp giáp tỉnh Hưng Yên. Xã kết nối với quốc lộ 5A và quốc lộ 5B đi liên tỉnh và tuyến đường liên xã, tiếp giáp sông Hồng, đây là điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, kết nối hạ tầng giao thông - vận tải.
Đặc điểm kinh tế xã Bát Tràng
Thế mạnh của xã Bát Tràng là sản phẩm gốm sứ chất lượng cao cung cấp cho thị trường thế giới và trong nước; sản phẩm rau sạch cung cấp cho Hà Nội và các tỉnh lân cận. Rau Văn Đức được đánh giá cao vì đảm bảo an toàn thực phẩm, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Riêng với nghề làm gốm, xã Bát Tràng được biết đến với nghề gốm truyền thống lâu đời. Làng gốm Bát Tràng là trung tâm sản xuất gốm lớn nhất Việt Nam, với hơn 100 nghệ nhân, gần 200 doanh nghiệp và khoảng 1.000 hộ sản xuất kinh doanh gốm sứ. Gốm sứ Bát Tràng được xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới. Bát Tràng phát triển các hoạt động thương mại và dịch vụ liên quan đến gốm sứ, thu hút du khách đến tham quan và mua sắm. Kinh tế xã Bát Tràng chủ yếu dựa vào sản xuất và kinh doanh gốm sứ, thương mại và dịch vụ.
Tốc độ tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, ưu tiên phát triển công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp.
Trên địa bàn xã Bát Tràng có 03 khu cụm làng nghề tập trung, khu cụm làng nghề Kim Đức, Bát Tràng, Đa Tốn,...
Đặc điểm văn hóa - xã hội xã Bát Tràng
Xã Bát Tràng là một vùng đất cổ kính nằm bên bờ tả ngạn sông Hồng, có lịch sử hình thành từ hơn 700 năm trước. Theo sử liệu và truyền thuyết địa phương, những cư dân đầu tiên của Bát Tràng là nhóm người di cư từ thôn Bồ Tràng (nay thuộc tỉnh Ninh Bình) đến lập cư tại vùng đất bồi ven sông Hồng và gây dựng làng nghề gốm sứ truyền thống. Ban đầu, địa danh này được gọi là Bạch Thổ Phường, thuộc tổng Đông Dư, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, tỉnh Bắc Ninh. Trải qua nhiều thế kỷ, Bát Tràng không chỉ nổi danh là một trung tâm sản xuất gốm sứ thủ công tiêu biểu mà còn là vùng đất có truyền thống buôn bán, học vấn và khoa bảng.
Hiện nay, xã Bát Tràng vẫn lưu giữ nhiều di tích có giá trị lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, tạo thành quần thể văn hóa - du lịch đặc sắc của Thủ đô. Với vị trí nằm trên tuyến du lịch sông Hồng, Bát Tràng cùng với các điểm tham quan lân cận như chùa Bồ Đề trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Du khách tới đây có thể tham quan chợ gốm, Bảo tàng gốm Bát Tràng, khám phá kiến trúc làng cổ, trải nghiệm quy trình sản xuất gốm truyền thống tại các xưởng gốm gia đình và tìm hiểu đời sống văn hóa bản địa mang đậm bản sắc vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Nghề làm gốm tại các thôn Bát Tràng và Giang Cao không chỉ là di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của địa phương, mà còn là nguồn thu nhập chính, góp phần tạo việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động từ các vùng phụ cận như Văn Giang, Khoái Châu (Hưng Yên), Thuận Thành (Bắc Ninh)... với các công đoạn chuyên môn hóa cao như nặn, tráng men, vẽ hoa văn, đổ khuôn, nung lò,... Sự phát triển của các cụm công nghiệp ngoài khu dân cư góp phần giảm ô nhiễm môi trường trong làng và tạo điều kiện hiện đại hóa sản xuất.
Đặc biệt, trên địa bàn xã còn có đền Chử Đồng Tử - Tiên Dung tại thôn Chử Xá, được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia ..., gắn với tín ngưỡng thờ Chử Đồng Tử - một trong “Tứ bất tử” của văn hóa dân gian Việt Nam. Di tích này không chỉ có giá trị tôn giáo - tâm linh mà còn là điểm đến du lịch tiêu biểu, gắn kết với không gian văn hóa làng nghề truyền thống.
Trên địa bàn xã có 03 trường THCS (Kim Đức, Bát Tràng, Đa Tốn), 03 trường tiểu học (Kim Đức, Bát Tràng, Đa Tốn), 03 trường mầm non (Kim Đức, Bát Tràng, Đa Tốn). Các trường đều đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu dạy và học. Xã đã thực hiện tốt các hoạt động duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và THCS.
Trên địa bàn xã hiện có các trạm y tế tại Kim Đức, Bát Tràng, Đa Tốn; thực hiện đồng bộ chức năng khám chữa bệnh ban đầu, tư vấn sức khỏe và hỗ trợ chuyển đổi số trong quản lý y tế cộng đồng. Thông qua các trạm y tế và tổ công nghệ số cộng đồng, người dân trên địa bàn xã được tuyên truyền, hướng dẫn tiếp cận và sử dụng các ứng dụng thông minh trong lĩnh vực y tế. Việc ứng dụng công nghệ số trong y tế góp phần nâng cao hiệu quả quản lý sức khỏe cộng đồng, thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế cơ sở, phù hợp với mục tiêu phát triển y tế hiện đại.
- Trụ sở Đảng ủy xã Bát Tràng: Thôn 6 Giang Cao, xã Bát Tràng
- Trụ sở UBND xã Bát Tràng: Thôn Đào Xuyên, xã Bát Tràng
- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Bát Tràng: đồng chí Nguyễn Văn Quyến
- Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Bát Tràng: đồng chí Hoàng Tiến Dũng
- Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Bát Tràng: đồng chí Chu Anh Tuấn.
Theo Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội
Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sắp xếp, thành phố có 51 phường và 75 xã.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy nhà nước, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước, giữ vững vai trò tiên phong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thông tin chi tiết và hữu ích về 126 xã, phường mới của Hà Nội người dân có thể truy cập Tại đây