Xã Thư Lâm: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp

Xã Thư Lâm được hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số các xã: Thụy Lâm, Vân Hà (huyện Đông Anh); phần lớn diện tích tự nhiên, dân số các xã: Xuân Nộn, thị trấn Đông Anh, Liên Hà (huyện Đông Anh); một phần diện tích tự nhiên, dân số các xã: Nguyên Khê, Uy Nỗ, Việt Hùng, Dục Tú (huyện Đông Anh).

Lý do lấy tên xã mới là Thư Lâm: Xưa kia xã Thụy Lâm có tên là xã Thư Lâm (có nghĩa là rừng chữ - do sự học hành đỗ đạt nhiều). Đầu thế kỷ XIX, vùng đất Thụy Lâm thuộc địa bàn ba xã: Bằng Lâm, Đào Xá, Xuân Lôi, tổng Thư Lâm, trấn Kinh Bắc; sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, xã Thụy Lôi và Thư Lâm sáp nhập thành xã Đức Hợp. Việc lấy tên đơn vị hành chính mới Thư Lâm là tên làng, xã cổ và đã từng được sử dụng; có ý nghĩa lịch sử truyền thống văn hóa xưa.

Vị trí địa lý, diện tích, dân số xã Thư Lâm

Xã Thư Lâm giáp các xã: Phúc Thịnh, Sóc Sơn, Đa Phúc, Đông Anh, Phù Đổng của thành phố Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh.

Xã Thư Lâm có diện tích tự nhiên là 43,84 km2; quy mô dân số là 102.580 người; trong đó:

  • Thị trấn Đông Anh (Huyện Đông Anh): Diện tích: 2,31 km²; quy mô dân số: 17.320 người
  • Xã Nguyên Khê (Huyện Đông Anh): Diện tích: 0,31 km²; quy mô dân số: 651 người
  • Xã Uy Nỗ (Huyện Đông Anh): Diện tích: 1,59 km²; quy mô dân số: 4.123 người
  • Xã Việt Hùng (Huyện Đông Anh): Diện tích: 3,24 km²; quy mô dân số: 7.182 người
  • Xã Dục Tú (Huyện Đông Anh): Diện tích: 1,49 km²; quy mô dân số: 3.419 người
  • Xã Xuân Nộn (Huyện Đông Anh): Diện tích: 10,69 km²; quy mô dân số: 16.815 người
  • Xã Vân Hà (Huyện Đông Anh): Diện tích: 5,24 km²; quy mô dân số: 12.182 người
  • Xã Liên Hà (Huyện Đông Anh): Diện tích: 7,71 km²; quy mô dân số: 18.760 người
  • Xã Thuỵ Lâm (Huyện Đông Anh): Diện tích: 11,26 km²; quy mô dân số: 22.128 người
Đài PTTH Hà Nội
Lãnh đạo thành phố Hà Nội trao quyết định công tác cán bộ cho lãnh đạo xã Thư Lâm.

Đặc điểm kinh tế, xã hội xã Thư Lâm

Xã Thư Lâm mang biểu tượng về vùng đất hiếu học, giàu truyền thống khoa bảng. Tên gọi “Thư Lâm” - nghĩa là “rừng sách” được lựa chọn nhằm tôn vinh nền văn hóa học thuật, tinh thần hiếu học của làng xã Kinh Bắc xưa. Xã Thư Lâm là đơn vị hợp nhất các khu vực giàu giá trị văn hóa, lịch sử và tiềm năng phát triển đô thị phía Bắc .

Xã Thư Lâm có nhiều địa danh vốn thuộc các đơn vị hành chính cổ, có lịch sử lâu đời như thôn Bằng Lâm (sau đổi thành Thư Lâm), Đào Xá (Đào Thục), Xuân Lôi (Thụy Lôi) và các làng Râm (Râm Chợ, Râm Trầm, Râm Bến, Râm Biếu),…

Đặc điểm kinh tế xã Thư Lâm

Xã Thư Lâm có hệ thống giao thông phát triển đồng bộ, là điểm kết nối giữa trung tâm Thủ đô và các khu vực phía Bắc. Trên địa bàn xã hiện có nhiều tuyến đường quan trọng đi qua, bao gồm: đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên (quốc lộ 3 mới, CT.07), quốc lộ 3 cũ, tỉnh lộ 179,... Đặc biệt, tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai đi qua xã (qua ga Đông Anh), tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải hàng hóa và hành khách liên vùng. Khoảng cách chỉ 13 km đến sân bay quốc tế Nội Bài khẳng định vai trò là cửa ngõ giao thương quan trọng của xã Thư Lâm trong mạng lưới phát triển vùng Thủ đô.

Trong những năm gần đây, xã Thư Lâm đã và đang phát triển mạnh mẽ theo định hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, với cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Địa phương ưu tiên tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng, thương mại - dịch vụ, đồng thời giảm dần tỷ trọng nông nghiệp theo hướng hợp lý, bền vững và thích ứng với điều kiện đất đai, lao động.

Trên địa bàn hiện có hai cụm công nghiệp lớn là Liên Hà và Vân Hà chuyên sản xuất đồ gỗ, đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu lao động. Thư Lâm cũng là nơi bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống nổi tiếng, như: chạm khắc gỗ và đồ gỗ mỹ nghệ Vân Hà, Liên Hà; sơn mài và đồ gỗ ép phun sơn Liên Hà, Thụy Lâm. Những ngành nghề này tạo việc làm ổn định cho người dân địa phương, thu hút nguồn lao động từ các khu vực lân cận, góp phần nâng cao thu nhập và thúc đẩy đô thị hóa.

Trước xu thế thu hẹp diện tích đất nông nghiệp, xã Thư Lâm phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi giá trị khép kín, gắn với bảo vệ môi trường và nâng cao năng suất. Mô hình chuỗi sản xuất lúa gạo VietGAP tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và Kinh doanh tổng hợp Liên Hà là một ví dụ điển hình. Quy trình sản xuất được quản lý chặt chẽ, minh bạch, đảm bảo an toàn sinh học và phù hợp với xu hướng tiêu dùng hiện đại, từ khâu canh tác đến chế biến và phân phối.

Đặc điểm văn hóa - xã hội xã Thư Lâm

Xã Thư Lâm là vùng đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa, với hệ thống di tích lịch sử - văn hóa phong phú và có giá trị đặc biệt. Trên địa bàn xã hiện có nhiều di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, tiêu biểu như Cụm di tích đền Sái - đền Thượng - chùa Sái (xếp hạng năm 1986) - nơi lưu giữ dấu ấn lịch sử và tín ngưỡng dân gian; đình Thụy Lôi (1986), đình Hà Lỗ (1989), đình Lỗ Khê và nhà thờ Ca Công (1989), đình Hà Hương (1989); đình và chùa Hương Trầm (1993), đình - chùa Đào Thục (1995), đình và chùa Thiết Úng (1996), đình Xuân Nộn (1996), đình Nhạn Tái (1997), đình Kim Tiên (1998), nghè Châu Phong (2003), đình Vân Điềm (2006) - đều là những di tích tiêu biểu về kiến trúc nghệ thuật, lịch sử cách mạng, tín ngưỡng bản địa, góp phần hình thành bản sắc văn hóa đặc trưng của Thư Lâm.

Bên cạnh giá trị di sản, Thư Lâm còn được biết đến với nhiều làng nghề truyền thống lâu đời, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - văn hóa cộng đồng như: Nghề múa rối nước Đào Thục - di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc; Nghề mộc truyền thống Liên Hà - nổi tiếng với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo; Nghề dệt khung chiếu tại Việt Hùng, cùng nhiều nghề phụ trợ khác đã góp phần gìn giữ tinh hoa văn hóa làng nghề và tạo việc làm cho người dân địa phương.

Trên địa bàn xã có 07 trường THCS (Đông Anh, Uy Nỗ, Việt Hùng, Xuân Nộn, Vân Hà, Liên Hà, Thuỵ Lâm), 07 trường tiểu học (Đông Anh, Uy Nỗ, Việt Hùng, Xuân Nộn, Vân Hà, Liên Hà, Thuỵ Lâm), 08 trường mầm non (Dục Tú, Đông Anh, Uy Nỗ, Việt Hùng, Xuân Nộn, Vân Hà, Liên Hà, Thuỵ Lâm). Quy mô trường lớp ở tất cả các cấp học được củng cố và hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân địa phương. Chất lượng giáo dục ngày được nâng cao, đội ngũ cán bộ, giáo viên được chuẩn hoá, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới giáo dục. Trang thiết bị và đồ dùng dạy học được đầu tư, công tác xã hội hoá giáo dục từng bước được mở rộng. Đặc biệt, xã đã thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, bảo đảm tỷ lệ trẻ hoàn thành chương trình giáo dục mầm non trước khi vào tiểu học. Cơ sở vật chất và môi trường học tập được chú trọng đầu tư, bảo đảm điều kiện về diện tích, ánh sáng, vệ sinh và an toàn cho trẻ. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, triển khai chế độ chính sách của Nhà nước đối với trẻ mầm non được triển khai đầy đủ và hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức và tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh đưa trẻ đến trường đúng độ tuổi.

Trên địa bàn xã có 07 trạm y tế (Đông Anh, Uy Nỗ, Việt Hùng, Xuân Nộn, Vân Hà, Liên Hà, Thuỵ Lâm) đảm nhiệm vai trò chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Hệ thống y tế cơ sở được củng cố, bảo đảm thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm như khám chữa bệnh thông thường, quản lý sức khỏe cộng đồng. Đặc biệt, công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm được tổ chức chủ động, thường xuyên.

  • Trụ sở Đảng ủy xã Thư Lâm: Thôn Hà Lỗ, xã Thư Lâm
  • Trụ sở UBND xã Thư Lâm: Thôn Thiết Bình, xã Thư Lâm
  • Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Thư Lâm: đồng chí Nguyễn Thị Thanh Tâm
  • Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Thư Lâm: đồng chí Phạm Trọng La
  • Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Thư Lâm: đồng chí Phạm Văn Nam.

Theo Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội

Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sắp xếp, thành phố có 51 phường và 75 xã. 

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy nhà nước, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước, giữ vững vai trò tiên phong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thông tin chi tiết và hữu ích về 126 xã, phường mới của Hà Nội người dân có thể truy cập Tại đây

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời