Cần giáo dục thanh thiếu niên tránh vi phạm pháp luật

Tình hình vi phạm pháp luật trong lứa tuổi thanh, thiếu niên đang có xu hướng tăng, đã đến lúc cần phải có các giải pháp, biện pháp đồng bộ để ngăn chặn.

Tình hình vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên bắt đầu quay trở lại gây nguy hiểm cho người dân, một số đối tượng còn liễu lĩnh sẵn sàng tấn công người đi đường… Để ngăn ngừa tình trạng này không chỉ là sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, vai trò của gia đình, nhà trường vẫn là yếu tố quyết định.

Trong thời gian qua, hình ảnh những “quái xế" náo loạn đường phố vào ban đêm luôn là nỗi ám ảnh với người đi đường với nhiều cách thức khác nhau như bốc đầu xe; thách thức lực lượng chức năng; lạng lách, đánh võng… Bên cạnh đó các trường hợp còn độ chế phương tiện, thay đổi kết cấu của xe, độ pô nhằm tạo thêm âm thanh bấm còi khắp các tuyến phố.

Liều lĩnh, bất chấp nguy hiểm, di chuyển với tốc độ cao, luồn lách giữa dòng phương tiện đông đúc và va chạm là điều không thể tránh khỏi. Đáng nói khi xác minh, đa số các trường hợp này đều đang ở tuổi thanh thiếu niên.

Trung tá Trịnh Phi Hùng - Cán bộ tổ Y7/141, Công an TP Hà Nội cho biết: "Các cháu ở độ tuổi thanh thiếu niên thường xuyên không chấp hành luật lệ về an toàn giao thông như: không đội mũ bảo hiểm, không gắn biển số, đi theo từng tốp, từng đoàn... để gây rối, mất trật tự công cộng. Khi không có lực lượng chức năng, các cháu thường xuyên rú ga, nẹt pô và phóng nhanh, vượt ẩu gây mất trật tự công cộng, khiến người dân đi đường rất lo sợ".

Thực tế nhiều hành vi ban đầu chỉ vi phạm hành chính, thế nhưng dần chuyển hóa thành các hành vi phạm pháp luật nghiêm trọng gây nguy hiểm đến sự an toàn xã hội. Thậm chí, có trường hợp đã bị khởi tố với các tội danh như: "chống người thi hành công vụ", "gây rối trật tự công cộng", "đua xe trái phép". Một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này là việc thiếu giáo dục của gia đình và trẻ tiếp xúc quá sớm với những thông tin độc hại trên mạng xã hội, từ đó nảy sinh ra những hành vi sai lệch.

PS. TS. Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo Dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: "Chúng ta có thể thấy là môi trường giáo dục có cái tốt, cái xấu nhưng môi trường thực tế thì thường cái xấu nhiều hơn cái tốt. Còn môi trường trên mạng, những nội dung bạo lực, những sự việc mang tính chất tai tiếng mới được nhiều người quan tâm".

"Đối với đối tượng từ 14 tuổi trên lên dưới 16 tuổi, có thể chịu trách nhiệm hình sự với các tội danh rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Còn với đối tượng từ đủ 16 tuổi trở lên sẽ phải chị trách nhiệm hình sự với mọi hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Cho nên, người dưới 18 tuổi vẫn có thể bị xử lý theo pháp luật hình sự. Đây là hồi chuông cảnh báo hết sức rõ ràng với tất cả gia đình" - Luật sư Nguyễn Hồng Tâm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Việc thanh thiếu niên vi phạm luật giao thông, thậm chí chuyển biến vi phạm pháp luật đang có dấu hiệu gia tăng. Nhiều trường hợp dù chỉ ở lứa tuổi học sinh, nhưng vì muốn thể hiện bản thân nên tụ tập bạn bè điều khiển xe với tốc độ cao trên đường làm gia tăng nguy cơ tai nạn giao thông. Việc nâng cao ý thức, giáo dục đạo đức, kết hợp xử lý nghiêm minh là điều cần thiết, để ngăn chặn sự “trượt dài” đáng lo ngại này.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời