Ông Trump 'choảng' đồng minh: Lợi ích quyết định hành xử

Cách Tổng thống Trump thể hiện với các đồng minh của Mỹ là một minh chứng cho thấy "không có đồng minh vĩnh viễn, chỉ có lợi ích vĩnh viễn trong chính trị thế giới", quan hệ giữa các quốc gia luôn được định hình bởi lợi ích quốc gia, không phải bởi tình cảm hay sự trung thành lâu dài.

Hai nước láng giềng chung biên giới của nước Mỹ là Canada và Mexico bị ông Trump áp thuế quan bảo hộ thương mại 35% (Canada) và 30% (Mexico). Hai đồng minh quân sự chiến lược truyền thống của Mỹ ở khu vực Đông Bắc Á là Nhật Bản và Hàn Quốc cũng bị vị Tổng thống này này áp mức thuế quan 25%. EU với 27 thành viên mà đại đa số trong đấy là thành viên NATO như Mỹ, cũng bị ông Trump áp mức thuế quan 30%.

Ông Trump doạ buông bỏ cam kết bảo hộ an ninh cho các thành viên NATO và cho Nhật Bản, Hàn Quốc để buộc các đồng minh này phải tăng ngân sách quốc phòng và tự chủ nhiều hơn nữa về đảm bảo an ninh. Cam kết của Mỹ bảo hộ an ninh cho các đồng minh này đã được ông Trump biến thành loại hàng hoá đặc biệt mà các đồng minh của Mỹ muốn có thì phải trả giá đúng giá cho Mỹ. Lợi ích là thứ quyết định và chính lợi ích mới quyết định cách hành xử của ông Trump.

Có thể thấy rõ điều này ở việc ông Trump quyết định lại viện trợ quân sự cho Ukraine: thất vọng và bực bội, mất kiên nhẫn và bế tắc trong việc thuyết phục, thúc ép và dọa dẫm Tổng thống Nga Vladimir Putin giúp mình để có được thành quả nhanh chóng chấm dứt được cuộc chiến tranh ở Ukraine. Ông Trump quyết định tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine nhưng là bán; tuy nhiên vì Ukraine không có tiền để mua vũ khí nên ông Trump "bắt" NATO mua lại rồi cung cấp cho Ukraine, tức là đồng minh cũng phải trả giá. Bằng cách này, ông Trump thu về những lợi ích là bán được vũ khí mà vẫn được tiếng là hậu thuẫn để cứu Ukraine, vừa thể hiện thái độ găng với Nga, vừa buộc NATO phải can dự trực tiếp sâu hơn vào việc giúp Ukraine chiến tranh với Nga.

Trong chuyện thuế quan bảo hộ thương mại, cách hành xử của ông Trump cho thấy người này không phân biệt đồng minh hay đối tác, bạn bè thân thiết xưa nay hay khách hàng xa lạ khi áp thuế quan bảo hộ thương mại. Ông đặc biệt coi trọng việc được nhìn nhận là chiến thắng trong cuộc thương chiến và chiến thắng ấy được định tính và định lượng ở mức độ thuế quan mà Mỹ đạt được thông qua đàm phán thương mại hoặc do ông Trump áp đặt. Lợi ích cho nước Mỹ được ông xác định ở đó. Với cách tiếp cận lợi ích này, ông Trump rồi sẽ còn "chơi lại con bài thuế quan bảo hộ thương mại" với tất cả các đối tác. Đối với ông, lợi ích là vĩnh viễn nên mọi thỏa thuận và cam kết, quả quyết hay tuyên cáo đều chỉ có giá trị nhất thời.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời