BRICS kêu gọi cải tổ toàn cầu
Tổng thống Brazil Lula da Silva đã kêu gọi các nhà lãnh đạo trong khối BRICS đóng vai trò dẫn dắt trong công cuộc cải cách các thiết chế toàn cầu tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS, diễn ra ở Brazil ngày 6/7/2025.
Trong bối cảnh thế giới ngày càng bất ổn và mất cân bằng, ông Lula nhấn mạnh rằng các quốc gia đang phát triển không thể tiếp tục là những người đứng ngoài hệ thống, mà cần trở thành lực lượng chủ động định hình trật tự quốc tế mới.
Phát biểu trong phiên họp có chủ đề “Tăng cường chủ nghĩa đa phương, tài chính – kinh tế và trí tuệ nhân tạo”, Tổng thống Brazil khẳng định BRICS đang mang theo kỳ vọng của các quốc gia Nam bán cầu trong việc thúc đẩy một thế giới công bằng hơn. Ông nhấn mạnh rằng nếu các thể chế điều hành toàn cầu như Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) không phản ánh thực tế đa cực của thế kỷ XXI, thì BRICS phải đóng vai trò chủ chốt trong việc thay đổi điều đó.
Chính tại địa điểm này, Hội nghị Thượng đỉnh G20 đã được tổ chức vào năm ngoái. Phần lớn những thành công đạt được khi đó là nhờ sự tham gia mang tính xây dựng của các nước BRICS. Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn, tình hình quốc tế đã xấu đi đến mức một số sáng kiến mà chúng ta từng thông qua khi đó giờ đây sẽ không còn khả thi nữa."
Để cụ thể hóa yêu cầu cải cách, ông Lula đề xuất quyền biểu quyết của các nước BRICS tại IMF cần được tăng lên mức tối thiểu 25%, thay vì 18% như hiện tại. Ông cũng ca ngợi vai trò ngày càng quan trọng của Ngân hàng Phát triển Mới do BRICS thành lập, xem đây là một đối trọng cần thiết với các thể chế tài chính quốc tế truyền thống vốn bị chi phối bởi các nước phát triển. Đồng thời, ông kêu gọi thiết lập một hệ thống quản trị toàn cầu cho trí tuệ nhân tạo (AI) có tính đại diện và công bằng, đảm bảo các quốc gia đều được hưởng lợi từ sự phát triển của công nghệ mới này.
Bên cạnh đó, hội nghị BRICS năm nay cũng thể hiện rõ quan điểm độc lập trong chính sách đối ngoại, với việc các nhà lãnh đạo lên án các cuộc tấn công nhằm vào Iran, Dải Gaza (Palestine) và khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát. Dù không chỉ đích danh Mỹ, các tuyên bố này được xem là phản ứng gián tiếp trước chính sách đối ngoại và thương mại mang tính đơn phương của Washington dưới thời Tổng thống Donald Trump. Trong tuyên bố chung, các lãnh đạo BRICS cảnh báo rằng xu hướng gia tăng thuế quan đang đe dọa thương mại toàn cầu, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với việc Ethiopia và Iran gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Một trong những điểm nhấn lớn của hội nghị lần này là việc mở rộng quy mô tổ chức. Từ nhóm ban đầu gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc (2009), và Nam Phi (2010), BRICS đã chào đón thêm sáu thành viên mới trong năm 2024, gồm: Ai Cập, Ethiopia, Indonesia, Iran, Ả Rập Xê Út và UAE. Tính đến thời điểm hiện tại, hơn 30 quốc gia khác đã bày tỏ mong muốn được gia nhập BRICS, cho thấy sức hút ngày càng lớn của nhóm đối với các nước đang phát triển.
Việc mở rộng này không chỉ mang lại trọng lượng ngoại giao đáng kể cho BRICS mà còn củng cố mục tiêu trở thành đại diện tiếng nói của các quốc gia ở Nam bán cầu. Điều này càng trở nên quan trọng trong bối cảnh các diễn đàn lớn như G7 và G20 đang gặp khó khăn trong việc đạt được đồng thuận do sự chia rẽ giữa các nước thành viên và ảnh hưởng từ chủ nghĩa bảo hộ.
Phát biểu qua cầu truyền hình, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng gửi đi thông điệp rõ ràng về sự chuyển dịch địa chính trị toàn cầu.
Chúng ta đều thấy rằng những thay đổi căn bản đang diễn ra trên thế giới. Hệ thống quan hệ quốc tế đơn cực –– đang dần trở thành lạc hậu. Nó đang được thay thế bởi một thế giới đa cực, công bằng hơn. Quá trình thay đổi trật tự kinh tế toàn cầu đang tăng tốc. Mọi dấu hiệu đều cho thấy mô hình toàn cầu hóa tự do đã lỗi thời. Trung tâm của các hoạt động kinh doanh đang dịch chuyển về phía các thị trường đang phát triển.”
Ông Putin kêu gọi các nước BRICS đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực chiến lược như khai thác tài nguyên thiên nhiên, hậu cần, thương mại và tài chính – nhằm tạo dựng khả năng tự cường trong môi trường quốc tế nhiều biến động.
Hội nghị BRICS 2025 khép lại với thông điệp rõ ràng: thế giới đang thay đổi nhanh chóng, các nước đang phát triển cần chủ động hơn bao giờ hết để định hình trật tự quốc tế mới. Với sự mở rộng thành viên, tiếng nói tập thể mạnh mẽ và những sáng kiến tài chính – công nghệ đầy tham vọng, BRICS đang cho thấy tiềm năng trở thành lực lượng chủ đạo thúc đẩy một thế giới công bằng, đa cực và bao trùm hơn.