Chuyển đổi số ở làng nghề truyền thống

Làng nghề truyền thống tại xã Phượng Dực đang dần chuyển mình, mở ra hướng phát triển mới bền vững nhờ sự đồng hành của chính quyền địa phương cùng các chương trình hỗ trợ đào tạo kỹ năng số.

Vốn có nghề truyền thống của gia đình, trước đây đầu ra của các sản phẩm nhà chị Đặng Thị May (xã Phượng Dực) chủ yếu bán theo phương thức truyền thống và phục vụ thị trường miền Bắc. Tuy nhiên, sau khi chính quyền hỗ trợ người dân bán hàng online trên trang mạng xã hội, sản phẩm của chị được bán đi khắp nơi. Chị cũng đã chủ động đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, nhờ đó doanh thu tăng lên từ 15-20%. 

"Xã Phượng Dực đang có thị trường sản xuất màn ở ngoài Bắc. Mình chỉ bán trong những tháng mùa xuân. Tuy nhiên khi bán trên mạng xã hội, mình có thể bán ở tất cả các vùng miền. Ví dụ như trong miền Nam dùng màn quanh năm, nên sản phẩm của mình có thể bán được quanh năm", chị Đặng Thị May chia sẻ.

Livestream bán hàng ở các làng nghề đã được chính quyền huyện Phú Xuyên cũ, nay là xã Phượng Dực, khởi xướng từ năm 2023. Doanh thu từ thương mại điện tử đã tăng lên gấp 7 lần, đạt hơn 1.000 tỷ đồng vào năm 2024. Chỉ trong 5 tháng đầu năm đã tăng lên hơn 4.000 tỷ đồng, trong đó riêng xã Phượng Dực là hơn 250 tỷ đồng. Ngay khi bộ máy mới đi vào hoạt động chính quyền, xã Phượng Dực đã tổ chức lớp tập huấn cho gần 200 hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. 

Chị Võ Thị Nhiễu (xã Phượng Dực) cho biết: "Tôi tất vui khi được tham gia lớp tập huấn. Tôi mong qua mỗi lớp học sẽ đem lại hiệu quả cho người bán hàng online".

Khi tham gia các lớp tập huấn, người dân sẽ được thực hành các kỹ năng livestream bán hàng, cắt dựng video sản phẩm. Thêm vào đó, mỗi tuần đều có các phiên livestream ngay tại trụ sở xã. Đây là cơ hội để các hộ sản xuất, kinh doanh quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng và cũng là giải pháp góp phần giúp các làng nghề truyền thống phát triển bền vững trong thời đại số.

Ông Nguyễn Hữu Khoa - Phó Chủ tịch UBND xã Phượng Dực cho hay: "Nhằm khai thác các thế mạnh, đặc biệt là các làng nghề truyền thống, chúng tôi đã đưa ra những mục tiêu cụ thể với các hộ kinh doanh". Ông Khoa đồng thời cho biết mong muốn của địa phương là có thể quảng bá sản phẩm làng nghề trên lĩnh vực thương mại điện tử, lan tỏa rộng rãi đến nhiều tệp khách hàng.

Với sự hỗ trợ của công nghệ và sự đồng hành từ chính quyền địa phương, người dân nay đã tự tin đứng trước ống kính để quảng bá sản phẩm đến hàng triệu người tiêu dùng. Bước chuyển trong tư duy – từ truyền thống sang hiện đại, từ giữ nghề sang làm chủ nghề – đã hình thành một nền kinh tế số bền vững từ chính những bàn tay lao động cần cù nơi làng quê.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời