Đạo luật 'Lớn và Đẹp': Phép thử tầm nhìn của ông Trump

Đạo luật 'Lớn và Đẹp' dù được kỳ vọng sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho nước Mỹ, nhưng cũng sẽ là một phép thử lớn đối với khả năng lãnh đạo và tầm nhìn của ông Trump.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 4/7 đã ký ban hành đạo luật về thuế và chi tiêu toàn diện trị giá 4.500 tỷ USD, còn được gọi là “Dự luật Lớn và Đẹp”. Đây được coi là chiến thắng lập pháp quan trọng nhất trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump bởi đạo luật này vốn bao gồm toàn bộ những cam kết mà ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử. Mặc dù được kỳ vọng sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho nước Mỹ, nhưng đạo luật này cũng sẽ là một phép thử lớn đối với khả năng lãnh đạo và tầm nhìn của vị tổng thống thứ 47 của nước Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký thông qua “Dự luật Lớn và Đẹp” trong một buổi lễ được tổ chức tại Nhà Trắng nhân kỷ niệm lần thứ 249 Quốc khánh Mỹ, với màn trình diễn trên không của các máy bay ném bom tàng hình B-2 từng tham gia tập kích Iran. Ông Trump và các nghị sĩ Cộng hòa ca ngợi đạo luật này là “vĩ đại nhất trong lịch sử”, hứa hẹn mang lại hàng triệu việc làm, tăng cường an ninh biên giới và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng: “Những gì chúng ta đã làm là đưa mọi thứ vào một đạo luật. Điều này chưa từng xảy ra trước đây. Đây là đạo luật lớn nhất cùng loại trong lịch sử. Chúng ta chưa từng có bất kỳ điều gì như vậy trước đây”.

Đạo luật “Lớn và Đẹp” tập trung vào 3 trụ cột chính, bao gồm: gia hạn và mở rộng các chính sách cắt giảm thuế từ năm 2017, tăng chi tiêu cho quốc phòng và an ninh biên giới, đồng thời cắt giảm mạnh ngân sách cho các chương trình y tế và dinh dưỡng như Medicaid và SNAP (chương trình trợ cấp hỗ trợ tiền mua thực phẩm hàng tháng cho người có thu nhập thấp thông qua thẻ điện tử).

Giới chuyên gia đánh giá, đây là một trong những đạo luật tham vọng và gây tranh cãi nhất trong lịch sử nước Mỹ hiện đại. Trong khi Tổng thống Donald Trump và các nghị sĩ Cộng hoà tin tưởng đạo luật sẽ mang lại những lợi ích cho nền kinh tế, “đưa nước Mỹ trở lại thời kỳ hoàng kim” thông qua những biện pháp điều chỉnh thuế, thì các nhà phân tích phi đảng phái, trong đó có Văn phòng Ngân sách Quốc hội cảnh báo nó sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách liên bang thêm 3.300 tỷ USD trong thập niên tới. Ngoài ra, việc cắt giảm ngân sách cho các chương trình Medicaid và SNAP có thể khiến hàng triệu người mất bảo hiểm y tế và trợ cấp lương thực. Ngành y tế có nguy cơ mất khoảng 500.000 việc làm do giảm chi tiêu, trong khi ngành năng lượng xanh cũng đối mặt với nguy cơ sụp đổ do hủy bỏ các khoản tín dụng thuế.

Không chỉ gây ra những tác động trái chiều tới kinh tế-xã hội, việc đạo luật được thông qua cũng bộc lộ những chia rẽ chính trị sâu sắc trong nội bộ nước Mỹ. Hành trình dự luật vượt qua lưỡng viện Quốc hội Mỹ cho thấy rõ sự phân cực khi tại Hạ viện chỉ có hai nghị sĩ Cộng hòa bỏ phiếu chống, trong khi toàn bộ nghị sĩ Dân chủ phản đối. Phe Dân chủ gọi đây là “đòn đánh vào tầng lớp lao động và người dễ bị tổn thương nhất”. Trước cuộc bỏ phiếu ở Hạ viện, lãnh đạo phe Dân chủ Hakeem Jeffries đã phát biểu suốt 8 giờ 44 phút nhằm trì hoãn cuộc bỏ phiếu và kêu gọi phản đối dự luật.

Ông Hakeem Jeffries, lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện Mỹ cho rằng: “Dự luật này đại diện cho khoản cắt giảm lớn nhất đối với Medicaid trong lịch sử nước Mỹ. Nó sẽ tàn phá những nhóm dân số dễ bị tổn thương trên khắp nước Mỹ. Và thực tế là tất cả 212 nghị sĩ Dân chủ tại Hạ viện sẽ đứng lên và bảo vệ dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người dân Mỹ. Chúng tôi sẽ bảo vệ Medicaid của người dân Mỹ trước cuộc tấn công này vào các cộng đồng dễ bị tổn thương”.

Không chỉ ảnh hưởng đến nước Mỹ, đạo luật về thuế và chi tiêu toàn diện còn có thể tác động sâu rộng đến kinh tế thế giới. Các nhà kinh tế từ BNP Paribas cảnh báo, các chính sách thuế quan, cắt giảm thuế của ông Trump có thể đẩy lạm phát cao hơn và chi phí vay tăng có thể cản trở tăng trưởng, đặc biệt nếu Cục Dự trữ liên bang (Fed) buộc phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Oxford Economics thậm chí còn ước tính các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia sẽ chứng kiến xuất khẩu giảm 3-8% do các chính sách thương mại của Tổng thống Donald Trump. 

Không thể phủ nhận đạo luật “Lớn và Đẹp” là bước đi táo bạo của Tổng thống Donald Trump, thể hiện tham vọng định hình lại nền kinh tế và chính sách đối nội của Mỹ. Nhưng liệu nó có tạo ra những thay đổi lịch sử ở nước Mỹ hay không, đây vẫn là một câu hỏi ngỏ, khi đằng sau những đánh giá lạc quan, còn có những quan ngại về loạt hệ quả và rủi ro tiềm ẩn mà đạo luật này có thể mang lại.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời