Hà Nội sử dụng khoảng 38 triệu túi nilon/năm
Chỉ tính riêng 48 siêu thị được khảo sát, số lượng túi nilon phát ra miễn phí mỗi ngày là 104.000 túi, tương đương với 38 triệu túi/năm.
HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định biện pháp giảm phát thải nhựa trên địa bàn thành phố Hà Nội tại phiên họp sáng 10/7.
Nghị quyết nêu rõ, chất thải nhựa phải được phân loại, tái sử dụng, tái chế, xử lý và thu hồi năng lượng từ chất thải nhựa hoặc chuyển giao cho cơ sở có chức năng, giấy phép môi trường phù hợp để xử lý; Hạn chế tối đa và hướng đến việc dừng sản xuất, nhập khẩu và sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần (trừ sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam), bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa; Tìm kiếm, thay thế bằng sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường; Thu hồi, tái sử dụng, tái chế đối với bao bì nhựa khó phân huỷ sinh học, sản phẩm nhựa sử dụng một lần.
Thành phố Hà Nội cũng sẽ quy định lộ trình dừng sản xuất, nhập khẩu, sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần (trừ sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam), bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi nilon khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.
Hằng năm, Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn chất thải nhựa, trong đó chỉ khoảng 15% được tái chế. Ở Hà Nội, chất thải nhựa phát sinh khoảng 1.427 tấn/ngày; trong đó hơn 60% là chất thải nhựa dùng một lần và túi nilon. Về tái chế, gần 20% khối lượng nhựa thu gom được tái chế chủ yếu bởi các khu vực phi chính thức (cơ sở tái chế nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, làng nghề khu vực quanh Hà Nội) và chủ yếu là các loại nhựa PET và HDPE; các loại nhựa LDPE và các loại khác gần như bị thải bỏ đến các bãi rác.
Theo Báo cáo hiện trạng tiêu thụ túi nilon dùng một lần trong chuỗi siêu thị tại Hà Nội, thực hiện bởi Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (2021), số lượng túi nilon dùng một lần tại các siêu thị là vô cùng lớn. Chỉ tính riêng 48 siêu thị trong khảo sát, số lượng túi nilon phát ra miễn phí mỗi ngày là 104.000 túi, tương đương với 38 triệu túi một năm. Phần lớn lượng túi nilon này chỉ được sử dụng một lần và thải bỏ ra ngoài bãi chôn lấp. Túi nilon chiếm tỷ lệ 38,5% tổng trọng lượng chất thải nhựa tại Hà Nội; tiếp theo là tỷ trọng đáng kể của bao gói nhiều lớp 21,4%. Do đó, chỉ riêng hai loại này đã chiếm 70% và 60% lượng nhựa, và là loại nhựa hiện không có nhiều thị trường (ngoại trừ màng PE sạch và trong) để tái chế và chủ yếu được xử lý tại các bãi chôn lấp hoặc lò đốt.

Ô nhiễm nhựa đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà các quốc gia đang phải đối mặt. Chất thải nhựa sẽ gây tác động xấu đến môi trường đất, môi trường khí, môi trường nước và trầm tích ở các thủy vực (hồ, sông, biển,...), sau đó vào chuỗi thực phẩm của con người… ảnh hưởng gián tiếp hoặc trực tiếp lên sức khoẻ con người khi chất thải nhựa tiếp xúc trực tiếp với cơ thể người thông qua các hành vi ăn uống, hít vào cơ quan hô hấp, tiếp xúc qua da, qua niêm mạc mắt. Theo UNEP, thiệt hại kinh tế toàn cầu do ô nhiễm nhựa ước tính lên tới 2.500 tỷ USD mỗi năm, bao gồm cả tác động tới hệ sinh thái biển và sức khỏe con người.