Làng nghề nói không với sản xuất hàng giả
Các làng nghề đang có những chuyển biến tích cực từ nhận thức, tới hành động, nói không với sản xuất, kinh doanh hàng giả.
Việc làng nghề nói không với sản xuất hàng giả sẽ góp phần xây dựng lại một môi trường kinh doanh chất lượng, uy tín.
Nộp hàng giả, nhận lại uy tín
Mới đây, 50 hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn La Phù (cũ) nay thuộc xã An Khánh đã tự nguyện giao nộp hơn 25 tấn bánh kẹo, thực phẩm hết hạn, hàng giả, hàng nhập lậu. Đây là kết quả của đợt vận động của lực lượng chức năng nhằm giải quyết tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng không đảm bảo chất lượng xảy ra trên địa bàn.
Gần 10 năm kinh doanh, anh Nguyễn Văn Lâm (xã An Khánh, Hà Nội) từng nhập nhiều loại bánh kẹo từ bên kia biên giới về buôn bán. Trong đó, có những sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng.
Biết tin cơ quan chức năng vận động người dân tự giác giao nộp các loại hàng hoá không rõ nguồn gốc, anh đã tự nguyện bàn giao hàng trăm kg thực phẩm để tiêu hủy.
Anh Lâm chia sẻ: "Chúng tôi nhận thức được là phải có đầy đủ giấy tờ, nguồn gốc thì người tiêu dùng mới yên tâm sử dụng được. Mình ăn vào người, nên mình phải biết nó xuất xứ từ đâu, thành phần gì, chính vì thế mà hộ kinh doanh chúng tôi cũng cố gắng thực hiện chủ trương của Nhà nước và cố gắng tiêu hủy hết hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc".
Đợt vận động tự nguyện giao nộp hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các hộ kinh doanh. Họ nhận thức được hành vi của mình, ảnh hưởng tới uy tín của cả làng nghề, trong đó có nhiều hộ làm ăn chân chính bao năm nay.
Ông Nguyễn Duy Giang - Phó Chủ tịch UBND xã An Khánh cho biết: "Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền nhân dân, muốn phát triển được thì phải kinh doanh có bài bản và có công nghệ. Không lợi dụng việc buôn bán hàng không rõ nguồn gốc, hàng nhái, hàng giả, hàng không rõ xuất xứ để trục lợi vì không phát triển lâu dài được. Muốn phát triển bền vững được thì phải theo đúng quy định của xu thế thị trường, phải lành mạnh, sản phẩm đưa ra phải có chất lượng".
Hơn 25 tấn hàng hoá vừa được giao nộp cho chính quyền, đây không chỉ là những con số mà còn là sự cam kết về sản xuất kinh doanh có trách nhiệm, tuân thủ quy định pháp luật và lấy lại uy tín cho làng nghề, từ các hộ dân trên địa bàn.
Chọn con đường kinh doanh chân chính
Tại La Phù, hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại nhịp sôi động vốn có. Những biến động thời gian qua dường như không tác động nhiều tới những hộ kinh doanh chân chính ở đây.
Mới chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang mô hình doanh nghiệp nhưng gia đình của ông Ngô Văn Trung - Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Gia - Hà Trung thực tế đã theo nghề sản xuất bánh kẹo khoảng 20 năm nay. Mỗi ngày, 2 tấn bánh được sản xuất, cung ứng ra thị trường. Sản lượng cao hơn so với những thời điểm khác trong năm.
Ông Trung chia sẻ: "Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại, các thương hiệu bánh kẹo La Phù hầu hết được bảo hộ, đăng ký nhãn hàng độc quyền. Chất lượng lúc nào cũng phải đặt lên hàng đầu thì lúc nào hàng cũng sẽ bán được".
Sản xuất thật, chất lượng thật nên dù có những biến động, nhiều hộ kinh doanh, doanh nghiệp ở đây vẫn duy trì hoạt động ổn định. Họ kiên định với con đường đã chọn, vì yêu nghề, vì muốn gìn giữ và phát triển thương hiệu đã gây dựng bao năm nay.
Ngoài sản xuất bánh kẹo, dệt kim là nghề truyền thống tạo nên thương hiệu cho La Phù. Những người con làng nghề đầu tư máy móc, công nghệ mang sản phẩm Việt vươn ra thế giới.
Bà Tạ Thị Nga - Giám đốc CTCP Dệt may Phú Vĩnh Hưng cho biết: "Thứ nhất là chất lượng phải đảm bảo, giữ uy tín của công ty và của làng nghề. Thứ hai nữa là làm đúng theo pháp luật, từ hóa đơn chứng từ đều phải chuẩn chỉ hết, từ đấy mới bền vững và phát triển được".
Trải qua bao thăng trầm, hàng ngàn hộ gia đình ở đây vẫn ngày đêm làm ăn chân chính, giữ uy tín làng nghề lâu đời. Lựa chọn làm nghề một cách tử tế là hướng đi bền vững cho người dân làng nghề.
Hướng đến môi trường kinh doanh minh bạch
Thời gian qua, Cảnh sát Kinh tế, Công an Hà Nội đã liên tiếp triệt phá nhiều đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả với quy mô lớn. Nổi bật là vụ án tại Văn Lâm, Hưng Yên. Chỉ với xô, chậu, gáo múc và các bao bột màu không rõ nguồn gốc, hàng nghìn viên nang giả được “phù phép” thành sản phẩm gắn nhãn Ấn Độ, Tây Ban Nha, Pháp… tung ra thị trường. Hơn 100 tấn thực phẩm chức năng giả đã bị thu giữ - con số báo động về mức độ tinh vi về đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả.
Ngày 13/6, lực lượng chức năng tiếp tục kiểm tra một cơ sở tại xã An Khánh, Hà Nội (trước đây là xã La Phù, huyện Hoài Đức), phát hiện hơn 60 thùng bánh kẹo không rõ nguồn gốc. Chủ cơ sở bị xử phạt hơn 50 triệu đồng.
Xã An Khánh - làng nghề nổi tiếng với truyền thống làm bánh kẹo, cũng từng là “điểm nóng” về vi phạm. Tuy nhiên, với chỉ đạo quyết liệt từ Giám đốc Công an Hà Nội - Trung tướng Nguyễn Thanh Tùng và sự vào cuộc đồng bộ của các lực lượng, tình hình đã có chuyển biến rõ nét. Đặc biệt, gần đây, chính người dân và các hộ kinh doanh tại La Phù đã chủ động giao nộp hơn 25 tấn hàng hóa không rõ nguồn gốc, thể hiện ý thức tự giác tuân thủ pháp luật ngày càng cao.
Nhờ chỉ đạo quyết liệt và xử lý nghiêm minh của Công an Hà Nội, tình trạng buôn bán hàng giả, gian lận thương mại đã giảm đáng kể. Đặc biệt, nhiều hộ kinh doanh đã chủ động rà soát, tự giác giao nộp hàng hóa vi phạm, cho thấy chuyển biến rõ nét về ý thức tuân thủ pháp luật của người dân. Qua đó, góp phần bảo vệ người tiêu dùng, tạo dựng môi trường kinh doanh trong sạch và đặc biệt là bảo vệ hình ảnh, thương hiệu của chính các doanh nghiệp, đã dày công gây dựng.