Libya thử nghiệm mô hình thủy canh - nuôi cá

Một công ty tại Libya áp dụng mô hình canh tác kết hợp nuôi cá và trồng rau không đất nhằm tiết kiệm nước và thúc đẩy sản xuất thân thiện với môi trường.

Giữa cuộc khủng hoảng nước ngọt ngày càng nghiêm trọng tại Bắc Phi, một doanh nghiệp trẻ ở Libya đang thử nghiệm giải pháp nông nghiệp bền vững bằng cách kết hợp công nghệ và tư duy đổi mới. Bằng mô hình nuôi cá kết hợp trồng rau không đất, công ty HydroHarvest hy vọng góp phần giải quyết bài toán tài nguyên đang đè nặng lên đất nước sa mạc này. 

Công ty HydroHarvest do ông Abdallah Elfandi sáng lập, đặt mục tiêu sử dụng hiệu quả nguồn nước bằng cách tạo ra một chu trình khép kín, đồng thời tận dụng chất thải từ nuôi cá làm dinh dưỡng cho cây trồng. Trang trại aquaponics được thành lập vào năm 2023 và bắt đầu cho thu hoạch lứa rau đầu tiên vào tháng 3/2024.

Ông Abdallah Elfandi - Nhà sáng lập Công ty HydroHarvest chia sẻ: “Chúng tôi hướng tới việc sử dụng hiệu quả tài nguyên nước trong quy trình sản xuất thân thiện với môi trường. Hầu hết các sản phẩm phụ và chất thải đều được tái chế, thông qua quá trình chuyển hóa thành nitơ hoặc tái sử dụng chất thải trong giai đoạn ươm mầm tại vườn ươm khi bắt đầu gieo hạt rau lá. Tại HydroHarvest, chúng tôi nghiêm cấm và hạn chế tối đa việc sử dụng hóa chất. Đồng thời chúng tôi hoàn toàn không sử dụng thuốc trừ sâu, cũng như cấm mọi hình thức xử lý hóa học hay thuốc diệt nấm bên trong nhà kính”.

Theo báo cáo của UNICEF công bố năm 2022, Libya đang phải đối mặt với tình trạng căng thẳng nguồn nước ở mức nghiêm trọng và dự báo sẽ ngày càng trầm trọng hơn vào năm 2040. Báo cáo cũng cho biết, ngành nông nghiệp tiêu thụ tới 83,1% lượng nước ngọt, trong khi nhu cầu sử dụng nước trong sinh hoạt dự kiến tăng 39,5% trong giai đoạn 2010 - 2030.

Trong bối cảnh đó, mô hình canh tác tiết kiệm nước như của HydroHarvest được kỳ vọng sẽ mở ra hướng đi mới cho nền nông nghiệp Libya đang chịu nhiều áp lực từ biến đổi khí hậu và suy giảm tài nguyên.

Mô hình canh tác khép kín của HydroHarvest không chỉ mở ra giải pháp thiết thực trong bối cảnh khan hiếm nước, mà còn cho thấy tiềm năng của nông nghiệp công nghệ cao tại các quốc gia chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu như Libya.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời