Những tên phường, xã mới ở Hà Nội

Những tên phường, xã mới không đơn thuần chỉ là tên gọi hành chính, mà còn mang theo hồn cốt văn hóa, lịch sử, thể hiện ước vọng phát triển bền vững, gắn với định hướng quy hoạch dài hạn.

Mỗi tên gọi mới sau sắp xếp không chỉ là dấu mốc hành chính, mà còn là sự kết nối giữa quá khứ - hiện tại - tương lai, mang trong đó giá trị văn hóa, lịch sử và khát vọng phát triển.

Các tên gọi mới

Thành phố Hà Nội đã thông qua tên gọi của 126 đơn vị hành chính cấp xã mới, gồm 50 phường và 76 xã. Ngoài những tên phường/xã mới trùng với tên của quận/huyện trước đây, như phường Hoàn Kiếm; phường Ba Đình... cũng xuất hiện những tên rất mới, không có trong tên của 526 phường xã trước khi sắp xếp.

Khu vực 12 quận nội thành có phường Láng; phường Hồng Hàphường Từ liêm. Trong đó Láng và Từ Liêm là những địa danh cổ có từ lâu đời trong sự hình thành và phát triển của Thăng Long - Hà Nội. Còn Hồng Hà là phường mới kéo dài từ cầu Nhật Tân đến qua cầu Vĩnh Tuy.  

Tại các huyện, thị xã ngoại thành, nhiều tên địa danh cổ được đặt tên cho các phường/xã mới gồm: xã Đại Thanh, xã Nam Phù, xã Thượng Phúc, xã Ứng Thiên, xã Quảng Oai, xã Bất Bạt, xã Dương Hòa, phường Tùng Thiện, xã Phúc Lộcxã Ô Diên, xã Liên Minh, xã Thuận An, xã Thư Lâmxã Phúc Thịnh, xã Thiên Lộc, xã Vĩnh Thanh, xã Yên Lãng, xã Đa Phúc, xã Kim Anh

Một số tên phường/xã mới lấy tên theo địa danh nổi tiếng ở địa phương như: xã Tây Phương, xã Suối Hai, xã Hòa Lạc, xã Nội Bài

Một số tên gọi khác như xã Hòa Xá là tên gọi vang danh từ quê hương chiếc gậy Trường Sơn. Xã Kiều Phú, trong đó Kiều Phú là danh nhân xứ Đoài, Nhà thờ Kiều Phú là nơi tưởng niệm tiền nhân và là thắng cảnh rất mực tự hào của địa phương. Xã Phúc Sơn là tên gọi mới mang ý nghĩa may mắn hạnh phúc. Xã Đoài Phương mang ý nghĩa sâu sắc gợi nhớ bản sắc văn hóa xứ Đoài và thể hiện khát vọng về sự phát triển. Xã Yên Xuân ghép từ bốn xã thuộc tỉnh Hòa Bình cũ: Yên Trung, Yên Bình, Đông Xuân, Tiến Xuân mang ý nghĩa là yên bình may mắn. 

Cách đặt tên cho 126 đơn vị hành chính mới của Thành phố không chỉ cho thấy sự kỹ lưỡng trong nghiên cứu, lựa chọn, mà còn thể hiện thái độ trân trọng quá khứ, thể hiện khát vọng tương lai và đặt người dân vào vị trí trung tâm.

Tên làng xưa sống lại trong xã mới

Gắn bó, tìm hiểu và nghiên cứu về mảnh đất Thạch Thất đã hơn nửa đời người, cụ Khương Duy Anh là một trong rất nhiều người tự hào về cái tên Thạch Thất vang danh xứ Đoài về cả một bề dày lịch sử văn hiến. Trước sự thay đổi của cái tên đã gắn bó sâu vào tiềm thức, cụ cũng như những người dân nơi đây vui mừng hân hoan khi đón nhận tên xã mới, xã Tây Phương

"Khi thấy thông tin Nhà nước đặt tên xã mới là Tây Phương, nhân dân rất phấn khởi. Xã Tây Phương là xã đặc biệt của xứ Đoài xưa, hội tụ những tinh hoa nổi trội của quê hương mình, nên phấn khởi lắm!", cụ Duy Anh chia sẻ.

Xã Tây Phương được lấy tên từ chùa Tây Phương - Di tích Quốc gia đặc biệt, sáp nhập trên cơ sở diện tích và dân số của 9 xã, thị trấn thuộc huyện Thạch Thất và Quốc Oai trước đây. Xã Tây Phương là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, hội tụ những giá trị lịch sử - tín ngưỡng lâu đời của vùng văn hóa xứ Đoài. Nơi đây có nhiều di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và cấp quốc gia đặc biệt, phản ánh chiều sâu văn hóa dân tộc. Tên gọi Tây Phương không chỉ gợi hình ảnh về sự bình yên mà còn nói lên tinh thần đoàn kết cộng đồng từ các xã cũ, cùng nhau cam kết bảo vệ những giá trị đặc biệt trên vùng đất hội tụ linh khí đất trời.

Lấy tên Tây Phương đặt cho xã mới là một minh chứng cho việc những giá trị văn hóa lịch sử luôn là điểm tựa cho mọi sự phát triển của xã hội, của dân tộc. Và chung điểm tựa ấy, xã Ô Diên được lấy tên thành từ cổ Ô Diên - một trong những di tích cổ quan trọng nhất của Hà Nội thời kỳ tiền Thăng Long đang gợi lịch sử về hiện tại. 

Trong thời Tiền Lý, vào thế kỷ VI, thành Ô Diên giữ vị trí hết sức quan trọng trong cuộc kháng chiến chống xâm lăng của giặc phương Bắc. Nơi đây từng là khởi nguồn của dòng sông Nhuệ cổ và lưu giữ dấu tích Thành cổ Ô Diên - kinh đô của nhà nước Vạn Xuân do vua Lý Nam Đế xây dựng. Xã Ô Diên được sáp nhập trên cơ sở và diện tích và dân số của 9 xã, phường thuộc huyện Đan Phượng, Mê Linh và quận Bắc Từ Liêm trước đây.

Ô Diên nay là nơi khởi đầu của dòng Nhuệ Giang xưa - vẫn lặng lẽ ôm trong lòng những dấu tích của một miền quê cổ. Lấy tên Ô Diên như một cách để người dân thể hiện tự hào được sinh ra và lớn lên trên vùng đất địa linh nhân kiệt, quê hương của Thái úy Tô Hiến Thành - bậc hiền thần nổi danh dưới triều Lý vì tài đức và lòng trung nghĩa. Đền Văn Hiến là nơi bao thế hệ người dân địa phương đến để tưởng nhớ ông - người đã để lại dấu ấn không chỉ trong sử sách, mà cả trong nếp nghĩ và đạo lý người Việt.

Anh Đỗ Văn Mười, Trưởng phòng Văn hóa - Xã hội xã Ô Diên cho biết: "Là cái tên mới nên ban đầu cũng nhận được một số băn khoăn của người dân. Tuy nhiên sau khi giải thích, nhân dân đã thấy được ý nghĩa tốt đẹp của cái tên mang ý nghĩa về kinh thành cổ xưa, khởi gợi truyền thống văn hoá tốt đẹp của quê hương. Xã sẽ tiếp tục gìn giữ, phát triển để xã Ô Diên mới có nhiều điều kiện phát triển cao hơn nữa trong thời gian tới".

Những cái tên làng gợi về văn hóa xưa đang len lỏi trong nhịp sống hiện đại. Điều đáng quý là mỗi người dân đều gạt tâm tư riêng mà tự hào đón nhận, sẵn sàng thay đổi để gìn giữ những giá trị truyền thống - đó chính là nền tảng cho sự phát triển bền vững. 

Tên gọi mang theo ước vọng

Ông Phạm Quang Vinh cũng như nhiều người cao tuổi khác tại thôn Thượng, xã Phúc Sơn thường xuyên tới đình Thượng Lâm để quan sát quá trình hạ giải, tu bổ đình. Đây là một trong những di tích lịch sử quốc gia đang được tu sửa theo Chương trình 02 của Thành ủy. Ông Vinh cảm thấy rất phấn khởi vì xã được mang tên Phúc Sơn, cũng như mọi công việc của dân đều được chính quyền địa phương quan tâm sâu sát.

"Tôi rất tự hào vì tên Phúc Sơn, bởi 'phúc' là phúc cho mọi con người. Khi nhận thức được đường lối của Đảng sẽ mang hết tâm phúc để phục vụ nhân dân. 'Sơn' với chúng tôi là tựa lưng vào núi, giữ tình cảm đoàn kết, trước sau như một để thực hiện đường lối của Đảng", ông Phạm Quang Vinh cho hay.

Xã Phúc Sơn, một cái tên mới mẻ trên bản đồ hành chính Hà Nội, mang ý nghĩa may mắn, hạnh phúc, cuộc sống an nhàn như "núi vững chãi". Đây là vùng đất hội tụ đầy đủ các yếu tố tự nhiên phong phú, đồng thời có truyền thống văn hóa lịch sử lâu đời với hệ thống đình, chùa đã được công nhận là di tích văn hóa lịch sử. Xã có đầy đủ hệ thống trường học từ bậc mầm non đến tiểu học, THCS và THPT, đáp ứng nhu cầu học tập cơ bản của học sinh trên địa bàn. Xã Phúc Sơn cũng có nhiều cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp thu hút nhiều lao động; các mặt hàng chủ yếu là dệt, may công nghiệp… góp phần tăng thu nhập của người dân.

Ông Nguyễn Đình Nguyên, Phó Chủ tịch thường trực UBND xã Phúc Sơn, TP. Hà Nội cho biết: “Với tên gọi mới, cán bộ và nhân dân sẽ cố gắng phát huy và phát triển xã, trong bối cảnh đất nước có những thay đổi mới để tạo điều kiện cho địa phương có thể phát triển kinh tế - xã hội".

Cũng với ý nghĩa hướng tới sự phát triển, tên gọi Vĩnh Thanh là tên làng, xã cổ và đã từng được sử dụng, mang ý nghĩa lịch sử truyền thống văn hóa xưa; thể hiện sự bền vững, luôn giữ được sự trong sáng và cao quý; gợi nhớ bản sắc văn hóa và thể hiện khát vọng về sự phát triển, giàu có, may mắn, thịnh vượng. Từ khi chính quyền địa phương hai cấp chính thức đi vào hoạt động, người dân xã Vĩnh Thanh rất vui mừng.

Ông Nguyễn Quang Đặng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thanh, TP. Hà Nội chia sẻ: “Thời gian tới, Vĩnh Thanh sẽ phát triển thành xã thông minh, đồng thời cùng các xã khác trên địa bàn huyện Đông Anh cũ trở thành trục phát triển kinh tế, xã hội của Hà Nội".

Với lợi thế nằm trên trục phát triển Nhật Tân - Nội Bài, giáp sông Hồng, Vĩnh Thanh đang từng bước phát triển dịch vụ logistics, thương mại và đô thị sinh thái. Hạ tầng giao thông, trường học, thiết chế văn hóa… đều được nâng cấp đồng bộ, mang đến diện mạo mới cho vùng đất này. Đặc biệt từ khi chính quyền hai cấp chính thức đi vào hoạt động, người dân đều đồng thuận, hài lòng. 

Không chỉ Phúc Sơn hay Vĩnh Thanh, nhiều xã, phường mới của Hà Nội sau sáp nhập đang mang trên mình những cái tên gợi nhắc về truyền thống văn hóa, địa lý, lịch sử, hoặc thể hiện khát vọng vươn lên. Đó là cách mà Hà Nội không chỉ làm mới bản đồ hành chính, mà còn làm dày thêm bản sắc và tầm nhìn cho tương lai.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời