Ông Trump gây tranh cãi vì khen tiếng Anh của Tổng thống Liberia
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây tranh cãi khi khen ngợi Tổng thống Liberia vì “nói tiếng Anh rất hay”, trong khi Liberia là quốc gia sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức.

Tại cuộc gặp với các nhà lãnh đạo châu Phi tại Nhà Trắng hôm 9/7, ông Trump hỏi Tổng thống Liberia Joseph Boakai: “Tiếng Anh của ông hay quá, rất tuyệt. Ông học ở đâu vậy?”. Khi ông Boakai trả lời rằng ông học tại Liberia, ông Trump bày tỏ sự ngạc nhiên: “Thật thú vị. Có những người ngồi quanh bàn này mà nói còn không bằng ông".
Liberia được thành lập năm 1822 bởi Hiệp hội Thực dân Mỹ (ASC) như một khu định cư cho người nô lệ Mỹ được giải phóng. Năm 1847, nước này tuyên bố độc lập và tiếng Anh trở thành ngôn ngữ chính thức.
Tuy nhiên, nhiều người Liberia đã cảm thấy bị xúc phạm trước nhận xét của ông Trump, đặc biệt trong bối cảnh ông từng có những phát ngôn gây tranh cãi về các nước châu Phi và mối quan hệ lịch sử giữa Mỹ và Liberia.
Archie Tamel Harris, một nhà hoạt động thanh niên tại Liberia nói với CNN: “Tôi thấy bị xúc phạm vì đất nước chúng tôi nói tiếng Anh. Câu hỏi đó không phải là lời khen. Tôi cảm thấy Tổng thống Mỹ và nhiều người phương Tây vẫn xem người châu Phi như những người sống ở nông thôn, không được học hành”.
Một nhà ngoại giao Liberia (giấu tên) cho rằng, phát biểu của ông Trump là “thiếu phù hợp” và “có phần coi thường một nguyên thủ đến từ quốc gia nói tiếng Anh”.
Chính trị gia Nam Phi Veronica Mente còn đặt câu hỏi trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter): “Điều gì ngăn ông [Boakai] đứng dậy và bỏ đi?”.
Tuy vậy, Nhà Trắng đã lên tiếng bênh vực Tổng thống Trump. Massad Boulos, Cố vấn cấp cao về châu Phi trong chính quyền Trump nói: “Tôi có mặt tại cuộc họp. Mọi người đều trân trọng thời gian và sự quan tâm của Tổng thống. Châu Phi chưa từng có một người bạn nào tại Nhà Trắng như ông Trump”.
Phó Thư ký báo chí Nhà Trắng Anna Kelly gọi đây là “một lời khen chân thành” và cho rằng, giới truyền thông nên công nhận rằng Tổng thống Trump “đã làm nhiều điều để khôi phục ổn định toàn cầu và nâng đỡ châu Phi hơn cựu Tổng thống Joe Biden trong suốt bốn năm”.

Ngoại trưởng Liberia, bà Sara Beysolow Nyanti cũng khẳng định, Tổng thống Boakai “không thấy bị xúc phạm” và cho rằng nhiều người vẫn chưa hiểu rõ đặc điểm ngôn ngữ tại châu Phi.
“Chúng tôi hiểu rằng tiếng Anh có nhiều giọng và cách nói khác nhau. Việc ông ấy nhận ra một ngữ điệu quen thuộc chỉ là một sự quan sát, không có gì xúc phạm”, bà Nyanti nói.
Đây không phải lần đầu ông Trump đề cao tiếng Anh trong các sự kiện ngoại giao. Tại buổi họp báo với Thủ tướng Đức Friedrich Merz, ông cũng khen ông Merz nói tiếng Anh tốt và đùa rằng liệu tiếng Anh của ông Merz có “tốt bằng tiếng Đức của tôi không”.
Ông Trump từ lâu đã gắn tiếng Anh với khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết”. Năm 2015, trong một cuộc tranh luận, ông từng tuyên bố: “Chúng ta là một quốc gia nói tiếng Anh”.
Tháng 3 năm nay, ông còn ký sắc lệnh công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức của Mỹ.
Tuy nhiên, ông Trump từng nhiều lần vướng tranh cãi vì phát ngôn liên quan đến châu Phi. Năm 2018, ông gọi người nhập cư từ các nước châu Phi là đến từ “những quốc gia rác rưởi”. Tháng 5 vừa qua, ông còn cáo buộc rằng nông dân da trắng ở Nam Phi đang bị diệt chủng.
Dù vậy, trong cuộc gặp với lãnh đạo các nước Gabon, Guinea-Bissau, Liberia, Mauritania và Senegal tuần này, ông Trump đã thể hiện giọng điệu mềm mỏng hơn. Ông ca ngợi các nước châu Phi là “rất sôi động, đất đai màu mỡ, tài nguyên khoáng sản và dầu mỏ phong phú, cùng những con người tuyệt vời”.
Các nhà lãnh đạo châu Phi cũng bày tỏ sự hoan nghênh, kêu gọi Mỹ đầu tư và khai thác tiềm năng của các quốc gia họ. Tổng thống Boakai thậm chí còn tuyên bố: “Liberia hoàn toàn ủng hộ chính sách 'Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại'”.