Phường Hoàn Kiếm: Tất cả thông tin và thủ tục cần biết

Phường Hoàn Kiếm trực thuộc Thành phố Hà Nội, chính thức hoạt động từ ngày 1/7/2025 trên cơ sở sáp nhập các đơn vị hành chính cũ. Dưới đây là các thông tin chính thức về địa giới, dân số, thủ tục hành chính và lãnh đạo mới của phường sau khi sắp xếp lại.

Phường Hoàn Kiếm là đơn vị hành chính mới, được xem là "trái tim" của Thủ đô sau khi sắp xếp lại. Phường nổi bật với vai trò là trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa lớn, mang trong mình di sản ngàn năm của "36 phố phường" Thăng Long - Kẻ Chợ, gắn liền với định hướng phát triển công nghiệp văn hóa và du lịch dịch vụ cao cấp.

THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ PHƯỜNG HOÀN KIẾM

• Tên gọi chính thức: Phường Hoàn Kiếm

• Đơn vị hành chính: Trực thuộc Thành phố Hà Nội

• Ngày hoạt động chính thức: 1/7/2025

• Nguồn gốc: Sáp nhập trên cơ sở diện tích và dân số của 14 phường thuộc quận Hoàn Kiếm và Ba Đình.

• Diện tích tự nhiên: 1,91 km²

• Quy mô dân số: 105.301 người

• Mật độ dân số: ~55.131 người/km²

• Đặc điểm nổi bật: Trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của Thủ đô; nơi có mật độ di sản dày đặc nhất cả nước, gắn liền với Hồ Hoàn Kiếm và Khu phố cổ Hà Nội.

 

Phường Hoàn Kiếm mới được hình thành từ những phường nào?

Phường Hoàn Kiếm mới được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ hoặc một phần diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 14 phường thuộc quận Hoàn Kiếm và quận Ba Đình, bao gồm:

Đơn vị (trước sáp nhập) Diện tích tự nhiên (phần sáp nhập) Quy mô dân số (phần sáp nhập)
Phường Điện Biên (Quận Ba Đình) 0,04 km² 2.026 người
Phường Cửa Nam (Quận Hoàn Kiếm) 0,004 km² 71 người
Phường Hàng Bông (Quận Hoàn Kiếm) 0,15 km² 9.649 người
Phường Hàng Trống (Quận Hoàn Kiếm) 0,32 km² 9.445 người
Phường Cửa Đông (Quận Hoàn Kiếm) 0,15 km² 9.776 người
Phường Hàng Bồ (Quận Hoàn Kiếm) 0,09 km² 8.164 người
Phường Hàng Bạc (Quận Hoàn Kiếm) 0,09 km² 9.212 người
Phường Hàng Mã (Quận Hoàn Kiếm) 0,17 km² 9.747 người
Phường Đồng Xuân (Quận Hoàn Kiếm) 0,16 km² 10.925 người
Phường Hàng Buồm (Quận Hoàn Kiếm) 0,12 km² 9.915 người
Phường Hàng Đào (Quận Hoàn Kiếm) 0,07 km² 6.481 người
Phường Hàng Gai (Quận Hoàn Kiếm) 0,09 km² 7.009 người
Phường Tràng Tiền (Quận Hoàn Kiếm) 0,21 km² 3.867 người
Phường Lý Thái Tổ (Quận Hoàn Kiếm) 0,25 km² 9.014 người

 

Vì sao phường mới được đặt tên là Hoàn Kiếm?

Việc lựa chọn tên gọi "Hoàn Kiếm" mang ý nghĩa biểu tượng to lớn:

• Giá trị lịch sử - văn hóa: Tên gọi Hoàn Kiếm gắn liền với hồ Hoàn Kiếm, trung tâm của những truyền thuyết và lịch sử hào hùng của dân tộc. Nó đại diện cho nét thanh lịch của người Tràng An và di sản "36 phố phường" của kinh thành Thăng Long xưa.

• Giá trị nhận diện: Đây là địa danh có tính nhận diện cao nhất của Thủ đô và cả nước, giúp dễ dàng xác định vị trí và giữ được bản sắc văn hóa tiêu biểu của địa phương.

 

Phường Hoàn Kiếm có vị trí địa lý, diện tích và dân số ra sao?

• Vị trí địa lý: Phường Hoàn Kiếm giáp các phường: Hồng Hà, Ba Đình, Cửa Nam. Đây là vị trí trung tâm của Thủ đô Hà Nội.

• Diện tích tự nhiên: Tổng diện tích của phường là 1,91 km².

• Quy mô dân số: Tổng dân số của phường là 105.301 người, với mật độ dân cư rất cao.

Bản đồ phường Hoàn Kiếm
Bản đồ hành chính phường Hoàn Kiếm (thành phố Hà Nội).

 

Phường Hoàn Kiếm là nơi tập trung nhiều đầu mối giao thông quan trọng, đa dạng các loại hình đường bộ, đường sắt và kết nối đường thủy, là cơ sở để kết nối với các khu vực khác trong thành phố và cả nước.

 

Trụ sở phường Hoàn Kiếm ở đâu, lãnh đạo phường là ai?

Khi cần giải quyết các thủ tục hành chính, người dân và doanh nghiệp có thể đến làm việc tại trụ sở chính của phường:

• Địa chỉ: Số 126 Hàng Trống, Hà Nội.

• Lãnh đạo phường Hoàn Kiếm: Đồng chí Vũ Đăng Định (Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND), đồng chí Trịnh Hoàng Tùng (Phó Bí thư, Chủ tịch UBND), đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Anh (Chủ tịch Ủy ban MTTQ).

 

Người dân cần lưu ý gì về các thủ tục hành chính và đất đai tại phường Hoàn Kiếm?

Đây là vấn đề được chính quyền phường Hoàn Kiếm mới đặc biệt quan tâm. Sau khi đi vào hoạt động, phường tập trung vào việc ổn định và hỗ trợ người dân. Các giấy tờ cũ vẫn còn giá trị pháp lý và sẽ được chuyển đổi dần khi người dân có nhu cầu giao dịch. Hiện tại người dân chưa cần phải làm lại các giấy tờ còn giá trị pháp lý nếu không cần thiết.

 

Đặc điểm kinh tế nổi bật của phường Hoàn Kiếm là gì?

Phường Hoàn Kiếm là trung tâm kinh tế lớn và năng động bậc nhất Thủ đô:

• Trung tâm Thương mại - Dịch vụ: Là nơi giao thương sầm uất với các phố nghề truyền thống, các phố chuyên doanh, trung tâm thương mại lớn và các loại hình kinh tế mới như chợ đêm Đồng Xuân, không gian đi bộ Hồ Gươm.

• Phát triển Công nghiệp văn hóa và Du lịch: Phát huy lợi thế từ hệ thống di sản dày đặc để hình thành các sản phẩm kinh tế đêm, du lịch văn hóa, ẩm thực đặc trưng, thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước.

• Trung tâm hành chính - chính trị: Là nơi tập trung nhiều cơ quan Trung ương, đại sứ quán, cơ quan Đảng và chính quyền thành phố, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh tế, đối ngoại.

 

Đời sống văn hóa - xã hội tại phường Hoàn Kiếm có gì đặc sắc?

Phường Hoàn Kiếm là không gian chứa đựng những giá trị văn hóa tinh túy nhất của Thăng Long - Hà Nội:

• Di sản văn hóa: Là nơi có mật độ di tích lớn nhất Thủ đô, nổi bật với 2 di tích cấp Quốc gia đặc biệt là Hồ Hoàn Kiếm - Đền Ngọc Sơn và Đền Bạch Mã. Ngoài ra còn có 32 di tích cấp quốc gia khác như Ô Quan Chưởng, Nhà Thờ Lớn, Nhà hát Lớn, di tích nhà 48 Hàng Ngang...

• Không gian văn hóa sáng tạo: Tập trung nhiều nhà hát nghệ thuật truyền thống (Nhà hát múa rối Thăng Long, Nhà hát kịch Hà Nội...), đồng thời nhiều không gian sáng tạo mới được xây dựng trên cơ sở bảo tồn và phát triển di sản.

• Lễ hội và phong tục: 14 lễ hội truyền thống đã được phục hồi và tổ chức thường niên, gắn với các ngày lễ lớn như lễ hội Vua Lê đăng quang, lễ hội đền Bạch Mã, lễ hội Trung thu phố cổ...

• Hệ thống y tế đầu ngành: Tập trung các bệnh viện tuyến đầu cả nước như Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, cùng hệ thống y tế cơ sở đạt chuẩn.

• Hệ thống giáo dục chất lượng cao: Công tác giáo dục luôn được chú trọng, với nhiều trường học có thành tích cao như Tiểu học Trưng Vương, THCS Hoàn Kiếm, THCS Thanh Quan...

Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sắp xếp, thành phố có 51 phường và 75 xã.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy Nhà nước, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước, giữ vững vai trò tiên phong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thông tin chi tiết và hữu ích về 126 xã, phường mới của Hà Nội quý vị có thể truy cập TẠI ĐÂY 

Các thông tin khác về phường Hoàn Kiếm, quý vị có thể xem thêm TẠI ĐÂY

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời