Siết chặt truy xuất nguồn gốc, nâng sức cạnh tranh hàng Việt
Xác thực truy xuất nguồn gốc bằng công nghệ được kỳ vọng là công cụ hiệu quả để chống hàng giả, quản lý tốt thị trường trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Chỉ trong 5 tháng đầu năm, cả nước có hơn 40.000 vụ buôn lậu, hàng giả với tổng giá trị hơn 6.500 tỷ đồng. Trong bối cảnh đó, xác thực truy xuất nguồn gốc bằng công nghệ đang được kỳ vọng là công cụ hiệu quả để chống giả, quản lý tốt thị trường trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Lo ngại sản phẩm thuốc dễ bị làm giả, Công ty Cổ phần Dược phẩm ECO đã thử nhiều cách như dán chồng tem hologram và tem chống giả lên mỗi lọ thuốc. Giờ đây, họ đầu tư thử nghiệm mã vạch tích hợp, được coi như căn cước công dân của từng sản phẩm, giúp truy xuất đầy đủ thông tin về nguồn gốc, lô sản xuất và hành trình lưu thông.
Ông Hoàng Tuấn Anh - Giám đốc Khối Công nghệ thông tin, Công ty Cổ phần Dược phẩm ECO chia sẻ: “Hiện nay chúng tôi đang có một con tem chống giả tích hợp ba thứ. Nhiệm vụ thứ nhất là chống giả. Thứ hai là tem có QR code, giống như căn cước công dân của từng lọ thuốc, định danh từng lọ thuốc. Thứ ba là có một lớp phủ bạc để cào, khách hàng có thể sử dụng cái đó để tích điểm”.
Việc ứng dụng công nghệ cao để kiểm soát truy xuất nguồn gốc hàng hóa, chống hàng giả và đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu là mối quan tâm của nhiều doanh nghiệp.
Ông Bùi Bá Chính - Quyền Giám đốc Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ cho hay: “Việc chuyển đổi từ quản lý tiền kiểm sang quản lý theo hình thức hậu kiểm đòi hỏi phải có một hệ thống dữ liệu đầy đủ, được xác thực và quản lý theo chuỗi, đảm bảo rằng các sản phẩm hóa trong nước có thông tin xuất xứ một cách minh bạch. Trước tiên là đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng trong nước, sau đó sẽ giúp sản phẩm của các doanh nghiệp xuất khẩu có căn cứ một cách chính thống để khi xuất hàng phẩm hóa lưu thông đến các thị trường mục tiêu thì sẽ được đối xử công bằng”.
Ông Nguyễn Huy - Trưởng Ban Công nghệ, Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia cho biết: “Gần đây, với những động thái của thuế quan tại Mỹ, ta lại càng thấy rõ trách nhiệm của danh sách hàng hóa để có thể đưa được hàng Việt Nam đi ra nước ngoài mà không phải là hàng có xuất xứ từ những quốc gia khác. Thứ hai là về vấn đề thiệt hại kinh tế. Rõ ràng là hàng giả, hàng nhái không chỉ là dòng sản phẩm giảm chất lượng mà nó còn làm thiệt hại cho những nhà sản xuất chân chính”.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, dữ liệu truy xuất đang tồn tại và phân tán ở nhiều hệ thống. Muốn hình thành được chuỗi thông tin xuyên suốt, bắt buộc phải kết nối giữa các cơ quan quản lý và cả với hệ thống quốc tế. Truy xuất nguồn gốc không chỉ là “lá chắn” chống hàng giả, mà còn là “tấm hộ chiếu” để hàng Việt giành lợi thế thuế quan khi xuất khẩu.