Thắt chặt xử lý hành giả qua thương mại điện tử
Tình trạng hàng giả, hàng nhái len lỏi tràn lan trên các sàn thương mại điện tử, gây thiệt hại cho doanh nghiệp chân chính, làm xói mòn niềm tin của người tiêu dùng.
Trên thực tế, không ít doanh nghiệp sản xuất đã và đang chịu áp lực lớn từ hàng giả, hàng nhái. Anh Lê Hải Vũ, Giám đốc điều hành Công ty Velasboost, chia sẻ: "Thứ nhất, hàng giả hàng nhái có mức giá rẻ hơn thì họ sẽ tranh cướp thị phần. Thứ hai, nó tạo ra một cái ám thị cho khách hàng rằng những doanh nghiệp bán hàng chuẩn lại thành bán đắt. Khi bán hàng chính hãng thì biên lợi nhuận cũng không cao. Vì thế, những doanh nghiệp kể cả bán số lượng lớn cũng rất khó tái đầu tư."
Không đứng ngoài cuộc, cơ quan chức năng và nhiều sàn TMĐT lớn tại Việt Nam đã triển khai các biện pháp mạnh nhằm ngăn chặn hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, việc kiểm soát là không dễ khi số lượng sản phẩm niêm yết mỗi ngày lên đến hàng triệu đơn vị và không phải lúc nào công nghệ cũng đủ tinh vi để kịp thời phát hiện. Quan trọng nhất vẫn nằm ở người mua hàng.
Ông Nguyễn Lâm Thanh, Đại diện Tiktok tại Việt Nam, cho biết: "Chúng tôi đã phối hợp hết sức chặt chẽ với cơ quan nhà nước để xử lý triệt để hàng hóa sau khi phát hiện hàng giả. Mặt khác, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch truyền thông từ tháng 3/2025, kêu gọi cộng đồng người bán hàng, cộng đồng người sử dụng và cộng đồng người sáng tạo nội dung - cùng nhau tạo ra những nội dung để chúng ta nâng cao kỹ năng không chỉ của người bán mà cả người mua."
"Có rất nhiều vấn đề phát sinh phát sinh trên các sàn thương mại điện tử như các mô hình kinh doanh mới,vấn đề hàng giả hàng nhái... Do vậy phải tạo nhận thức cho người mua và người bán, đồng thời nâng cao hiểu biết về pháp luật để có sự điều chỉnh hành vi cho đúng đắn, bảo vệ môi trường thương mại điện tử văn minh, lành mạnh" - Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển TMĐT và Công nghệ số, Bộ Công Thương, cho biết thêm.
Thắt chặt xử lý hàng giả, hàng nhái trên TMĐT không chỉ là trách nhiệm của riêng ai, mà cần sự phối hợp đồng bộ giữa người mua, người bán, các sàn TMĐT và cơ quan chức năng. Chỉ khi thị trường trực tuyến trở nên minh bạch và an toàn, người tiêu dùng mới thực sự yên tâm mua sắm, còn doanh nghiệp chân chính mới có thể phát triển bền vững trong thời đại số.