Thị trường trái phiếu doanh nghiệp dần phục hồi
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cho thấy dấu hiệu hồi phục rõ rệt, sau một giai đoạn dài lao đao bởi các vụ chậm thanh toán và niềm tin nhà đầu tư bị bào mòn.
Nhiều chuyên gia nhận định, dù vẫn còn áp lực đáo hạn nhưng sự cải thiện trong phát hành, mua lại trái phiếu cũng như niềm tin nhà đầu tư đang dần quay trở lại, cho thấy tín hiệu tích cực trong nửa cuối năm 2025.
Theo thống kê, quý III/2025 sẽ chứng kiến khoảng 67.600 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn – tăng 50,5% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm bất động sản chiếm tới 85%, tương đương khoảng 57.500 tỷ đồng. Tình trạng chậm trả vẫn còn hiện hữu với ba doanh nghiệp mới ghi nhận chậm thanh toán trong tháng 5. Tuy nhiên, khối lượng trái phiếu mua lại trước hạn cũng tăng mạnh, với gần 21.700 tỷ đồng được mua lại trong tháng 5 – tăng 79% so với tháng trước và 46,3% so với cùng kỳ.
Ông Đinh Quang Hinh – Trưởng bộ phận Vĩ mô và chiến lược thị trường CTCK VnDirect cho biết: "Vẫn sẽ có những nguy cơ liên quan đến việc các doanh nghiệp có thể chậm trả gốc, chậm trả lãi trái phiếu trong năm 2025, đặc biệt tập trung vào nhóm doanh nghiệp bất động sản. Đây cũng là một áp lực đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2025. Các cơ quan quản lý cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp để hỗ trợ quá trình phục hồi. Từ đó, góp phần gỡ khó cho thị trường vốn. Trong những năm vừa qua, chúng ta đã phụ thuộc rất lớn vào thị trường tiền tệ, cụ thể là kênh tín dụng. Rõ ràng, điều này cũng tạo ra những áp lực đáng kể đối với chính sách tiền tệ của Việt Nam trong giai đoạn hiện tại".
Một trong những tín hiệu tích cực của thị trường đến từ việc phát hành trái phiếu tăng mạnh trở lại. Các doanh nghiệp như Vingroup, AAC Việt Nam, Song Phương, Văn Phú, Oleco-NQ, TCO… đã liên tục phát hành trái phiếu thành công, cho thấy nguồn vốn qua kênh trái phiếu vẫn là lựa chọn quan trọng trong bối cảnh tín dụng ngân hàng còn chặt chẽ. Tính đến cuối tháng 5/2025, tổng trị giá trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành đã vượt mốc 1,3 triệu tỷ đồng – tăng 9,3% so với cùng kỳ 2024. Trong đó, trái phiếu riêng lẻ tiếp tục chiếm ưu thế tuyệt đối với gần 1,15 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 88% toàn thị trường.
Ông Nguyễn Đức Nhân – Giám đốc Trung tâm Kinh doanh CTCK Mirae Asset Hoàn Kiếm chia sẻ: “Dù áp lực trái phiếu là có thật, nhưng nếu doanh nghiệp có triển vọng và minh bạch thì việc giãn thời hạn là cần thiết để hỗ trợ vượt qua khó khăn ngắn hạn. Do đó, thị trường vẫn có thể hướng đến một quý III tích cực, dù còn nhiều yếu tố phải theo dõi”.
Theo nhận định từ các chuyên gia, thị trường trái phiếu, nhất là trái phiếu bất động sản sẽ tiếp tục khởi sắc trong nửa cuối năm khi Chính phủ đang tích cực cải cách chính sách về đất đai, tài chính và quản lý doanh nghiệp. Đồng thời, việc tăng cường kiểm tra, giám sát các giao dịch sẽ góp phần nâng cao tính minh bạch, bảo vệ nhà đầu tư và củng cố niềm tin vào thị trường tài chính Việt Nam.