Thủ tướng đề xuất giải pháp về môi trường, y tế tại BRICS

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu ra 5 đề xuất chiến lược đối với hai vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với nhân loại ở hiện tại và tương lai tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS 2025.

Trong chương trình Hội nghị Thượng đỉnh BRICS 2025 tại thành phố Rio de Janeiro, Brazil, sáng 7/7 (giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự và có bài phát biểu quan trọng tại Phiên thảo luận cấp cao về “Môi trường, COP 30 và Sức khỏe toàn cầu”. 

Tổng thống Brazil và các nhà lãnh đạo cảnh báo nguy cơ chậm trễ, thậm chí là đảo ngược tiến độ thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc; kêu gọi hợp tác toàn cầu để ứng phó khủng hoảng khí hậu, tăng cường quản trị y tế toàn cầu và thúc đẩy phát triển bền vững; chia sẻ nhiều giải pháp nhằm thu hẹp bất bình đẳng, tăng cường năng lực y tế cộng đồng, nâng cao phúc lợi xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái.

Phát biểu tại phiên họp, phân tích tình hình, bối cảnh và các thách thức về môi trường, khí hậu và y tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu 5 bảo đảm chiến lược đối với hai vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với nhân loại, về cả hiện tại và tương lai.

Trong đó, bảo đảm nhận thức chung, cách tiếp cận toàn dân, toàn diện, toàn cầu và bao trùm để môi trường và sức khỏe con người; bảo đảm công bằng, công lý về môi trường và sức khỏe; đảm bảo huy động nguồn lực để hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu và y tế; đảm bảo phát huy tối đa vai trò của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, công nghệ số để bảo vệ môi trường, phát triển y tế và đảm bảo cải cách thực chất, hiệu quả thể chế quản trị toàn cầu về môi trường, khí hậu và y tế.

Thủ tướng khẳng định, chỉ có đoàn kết, thống nhất chung tay hành động, chúng ta mới có thể để lại cho các thế hệ mai sau một hành tinh mạnh khỏe, một hệ sinh thái trong lành, một thế giới phồn vinh và nhân loại được hưởng hạnh phúc.

Phiên họp đã khép lại Hội nghị thượng đỉnh BRICS mở rộng năm 2025 với nhiều dấu ấn của nước chủ nhà Brazil. Hội nghị đã phản ánh quan tâm chung của các nước đang phát triển trong việc thúc đẩy hợp tác đa phương, tăng cường đoàn kết quốc tế, xây dựng nền quản trị toàn cầu bao trùm, bền vững, lấy con người làm trung tâm. Trong đó, Việt Nam đã thể hiện vai trò, trách nhiệm và tham gia đóng góp tích cực vào thành công chung của Hội nghị; qua đó làm nổi bật hình ảnh một Việt Nam năng động, nhất quán trong phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, vì hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và trên toàn cầu.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời