Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2025 hướng tới hợp tác thực chất

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền Kinh tế mới nổi (BRICS) lần thứ 17 được kỳ vọng là bước ngoặt quan trọng giúp BRICS củng cố vị thế và thúc đẩy vai trò trong các vấn đề quốc tế.

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền Kinh tế mới nổi (BRICS) lần thứ 17 chính thức khai mạc vào ngày 6/7 tại thành phố biển Rio de Janeiro, Brazil, với sự tham dự của các quan chức cấp cao đến từ các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Trong bối cảnh trật tự toàn cầu đang có nhiều thay đổi, hội nghị lần này được kỳ vọng là bước ngoặt quan trọng giúp BRICS củng cố vị thế và thúc đẩy vai trò trong các vấn đề quốc tế.

Dù là hai thành viên sáng lập, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đều không trực tiếp tham dự hội nghị năm nay. Ông Putin sẽ phát biểu qua video, trong khi Ngoại trưởng Sergey Lavrov thay mặt Nga tham dự trực tiếp. Trung Quốc cũng cử phái đoàn cấp cao do Thủ tướng Lý Cường dẫn đầu. 

Việc hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc vắng mặt được một số nhà quan sát nhìn nhận theo hướng tích cực. Đây có thể là cơ hội để các quốc gia như Ấn Độ và Brazil - những nước có vị trí then chốt trong nhóm các nước đang phát triển, dẫn dắt chương trình nghị sự, làm “mềm hóa” hình ảnh của khối và thúc đẩy hợp tác thiết thực hơn.

Theo dự thảo tuyên bố chung mà hãng AFP tiếp cận được, BRICS dự kiến sẽ chỉ trích mạnh mẽ các biện pháp thuế quan đơn phương mà Mỹ đang áp dụng, cảnh báo các hành động bảo hộ như vậy có thể gây hại đến kinh tế toàn cầu.

Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula Da Silva phát biểu: “Trước làn sóng trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, các quốc gia mới nổi cần bảo vệ mô hình thương mại đa phương và thúc đẩy cải cách cấu trúc tài chính quốc tế. BRICS tiếp tục là lực lượng đảm bảo cho một tương lai đầy hứa hẹn”.

Một trong những chủ đề trọng tâm khác của hội nghị là cải cách hệ thống quản trị toàn cầu, đặc biệt là Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Các thành viên BRICS cho rằng cấu trúc hiện tại không còn phù hợp với tương quan quyền lực của thế giới thế kỷ XXI, khi các nước đang phát triển vẫn bị thiệt thòi về tiếng nói và quyền lực. Tuy nhiên, quá trình cải cách này đối mặt với nhiều trở ngại. Nga ủng hộ mở rộng Hội đồng Bảo an nhưng cảnh báo: một cơ cấu quá lớn sẽ mất hiệu quả. Trung Quốc công khai ủng hộ Ấn Độ, nhưng thực chất vẫn “thận trọng” với vai trò của New Delhi. Trong khi đó, những nỗ lực của Brazil và Nam Phi cũng gặp trở ngại từ các cường quốc phương Tây và sự cạnh tranh nội khối.

Trước những thách thức chung, BRICS đang tìm cách đẩy mạnh hợp tác thực chất trong các lĩnh vực then chốt như tài chính, công nghệ, an ninh lương thực và phát triển bền vững. Một trong những ưu tiên hàng đầu là xây dựng các cơ chế tài chính mới nhằm giảm phụ thuộc vào đồng USD và hệ thống tài chính phương Tây. Bên cạnh đó, hội nghị cũng sẽ thảo luận các vấn đề an ninh như khủng bố, an ninh mạng, và các điểm nóng toàn cầu từ Ukraine, Trung Đông cho tới châu Phi.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời