Nhiều trụ cột hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper đã gặp gỡ báo chí Việt Nam để trao đổi, thông tin về những cột mốc quan trọng và định hướng tương lai của mối quan hệ song phương, nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ (1995-2025).

Đại sứ Knapper nhấn mạnh sự phát triển vượt bậc của quan hệ hai nước trong ba thập kỷ qua, với nhiều lĩnh vực hợp tác ngày càng phát triển sâu rộng. Đại sứ cho rằng, với sự mở rộng đáng kể của quan hệ song phương nên hiện có "nhiều trụ cột" hợp tác giữa hai nước.

Về quan hệ kinh tế, Đại sứ khẳng định đây là một trụ cột quan trọng. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ tám của Hoa Kỳ và Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Có nhiều khoản đầu tư đáng kể của Hoa Kỳ vào Việt Nam, ngày càng có nhiều nhà đầu tư Việt Nam hướng tới Hoa Kỳ. Đơn cử như Hội nghị Thượng đỉnh Đầu tư tại Hoa Kỳ - SelectUSA Investment Summit 2025 vào tháng 5 vừa qua đã đón hơn 100 nhà đầu tư Việt Nam - phái đoàn Việt Nam lớn nhất từ trước đến nay do Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn dẫn đầu; phản ánh sự quan tâm ngày càng tăng của Việt Nam đối với đầu tư vào Hoa Kỳ.

Trong lĩnh vực hợp tác giáo dục, sinh viên Việt Nam là nguồn sinh viên nước ngoài lớn thứ sáu tại Hoa Kỳ. Nếu tính cả các chương trình học tập ngắn hạn như trại hè hoặc học kỳ, số lượng sinh viên Việt Nam có liên hệ với hệ thống giáo dục Hoa Kỳ lên tới khoảng 300.000 người. Đại sứ Knapper cũng bày tỏ mong muốn được chứng kiến ở chiều ngược lại, có thêm nhiều thanh niên Hoa Kỳ, và nhiều học giả, nhà nghiên cứu Hoa Kỳ đến Việt Nam.

Trong khi đó, gần đây, một phái đoàn gồm 21 trường đại học Hoa Kỳ đã đến Việt Nam vào tháng 4/2025 và 20 trường trong số đó đang tích cực thảo luận với các tổ chức giáo dục đại học Việt Nam để tăng cường trao đổi sinh viên và học giả. Hoa Kỳ cũng cam kết ủng hộ Việt Nam thực hiện chủ trương từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, xem đây là một bước đi quan trọng mở ra nhiều cơ hội về công nghệ cao và giáo dục.

Trong hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ, hợp tác y tế đã trở thành một trụ cột quan trọng. Theo đại sứ, trụ cột hợp tác này bắt đầu từ các dự án hợp tác chung về phòng, chống HIV/AIDS thông qua Kế hoạch Cứu trợ AIDS khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ (PEPFAR) hỗ trợ ứng phó HIV/AIDS của Việt Nam từ năm 2005 và mở rộng sang phòng, chống bệnh lao và COVID-19.

Nhắc lại việc Việt Nam đã cung cấp thiết bị bảo hộ cho Hoa Kỳ khi nước này cần nhất, sau đó Hoa Kỳ đã cung cấp 44 triệu liều vaccine Pfizer (phòng COVID-19) cho Việt Nam, đại sứ cho rằng hợp tác trong giám sát y tế cũng sẽ là một khía cạnh quan trọng để đối phó với các đại dịch trong tương lai.

Đại sứ Knapper cũng cho rằng, hợp tác quốc phòng cũng là một trụ cột quan trọng trong hợp tác song phương. Về thúc đẩy hợp tác công nghệ cao và bán dẫn, theo đại sứ, việc Hoa Kỳ và Việt Nam chính thức nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9/2023 là một "thành tựu lịch sử", trong đó hai bên nhấn mạnh hợp tác công nghệ cao và đặc biệt là ngành bán dẫn. Hai nước nhận thấy Việt Nam hoàn toàn có khả năng và sẵn sàng vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu về sản xuất công nghệ cao.

Đài PTTH Hà Nội
Ông Marc E. Knapper - Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Hoa Kỳ đang hợp tác chặt chẽ ở cấp Chính phủ để hỗ trợ các trường đại học Hoa Kỳ như Đại học bang Arizona (Arizona State University (ASU) phối hợp với các tổ chức giáo dục đại học Việt Nam phát triển nội dung giáo dục công nghệ cao, nhằm trang bị cho các trường đại học Việt Nam khả năng giảng dạy các ngành bán dẫn và các lĩnh vực công nghệ cao khác. Cùng với đó, các trường đại học như Purdue và Portland State cũng đang tích cực hợp tác về nội dung giáo dục công nghệ cao.

Các công ty của Hoa Kỳ cũng đang nỗ lực đào tạo và nâng cao kỹ năng cho công nhân Việt Nam để đáp ứng nhu cầu về lao động có kỹ năng trong các nhà máy bán dẫn và doanh nghiệp thiết kế chip. Mục tiêu là giúp Việt Nam đóng vai trò lớn hơn, quan trọng hơn trong chuỗi giá trị công nghệ cao toàn cầu và hiện thực hóa tiềm năng trở thành một trung tâm bán dẫn khu vực và toàn cầu. Các lãnh đạo công nghệ cao như Tim Cook (Apple), Jensen Huang (Nvidia), gần đây là lãnh đạo Qualcomm đã đến thăm Việt Nam để công bố việc mua lại mảng trí tuệ nhân tạo của VinGroup, cho thấy sự quan tâm của họ đối với tương lai công nghệ cao của Việt Nam.

Đại sứ Knapper khẳng định, Chính phủ, các doanh nghiệp và cơ sở giáo dục của Hoa Kỳ đều mong muốn trở thành một phần trong tương lai công nghệ cao của Việt Nam.

“30 năm qua đã chứng kiến sự mở rộng và làm sâu sắc thêm niềm tin và sự hiểu biết giữa hai nước. Mặc dù thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức, nhưng Hoa Kỳ và Việt Nam có nhiều lợi ích và mục tiêu chung, cùng hợp tác giải quyết các vấn đề từ y tế đến an ninh mạng, các tội phạm xuyên quốc gia như buôn người và ma túy...”, Đại sứ Knapper nhận định.

Trao đổi về những định hướng phát triển quan hệ song phương hai nước trong thời gian tới, Đại sứ Knapper cho biết, về quan hệ thương mại, mục tiêu của Hoa Kỳ luôn là đảm bảo một mối quan hệ thương mại lành mạnh và cân bằng, mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia và thúc đẩy sự thịnh vượng chung. Chính phủ Hoa Kỳ cũng mong muốn đảm bảo rằng các doanh nghiệp Hoa Kỳ hoạt động tại Việt Nam trên một sân chơi bình đẳng, đồng thời tạo điều kiện cho các công ty Việt Nam thành công trong hoạt động kinh doanh ở Hoa Kỳ.

Theo Đại sứ Knapper, Việt Nam đã chủ động và tích cực trong các cuộc thảo luận về thuế quan và quan hệ thương mại. Tổng Bí thư Tô Lâm là một trong những nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên điện đàm với Tổng thống Donald Trump sau khi nhà lãnh đạo Mỹ công bố chính sách thuế đối ứng. Đoàn đàm phán Việt Nam đến làm việc với các đối tác Mỹ  đã cho thấy sự chủ động và vào cuộc tích cực của Việt Nam.

"Việt Nam đã có các động thái nhanh chóng, rất chủ động và thực sự là một đối tác tuyệt vời khi hai bên cùng nhau thảo luận về những vấn đề này để đạt được mục tiêu như hiện tại", Đại sứ cho biết.

Các cuộc điện đàm cấp cao giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump, cũng như các hoạt động của các phái đoàn cấp cao hai nước “đã cho thấy quan hệ Việt Nam - Mỹ đang ở giai đoạn tốt nhất và sự tôn trọng của Mỹ dành cho Việt Nam, với mong muốn quan hệ hai nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn, tiếp tục mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước".

Đại sứ Knapper cũng chia sẻ rằng, các doanh nghiệp Mỹ cũng rất lạc quan về Việt Nam như một đối tác, thị trường và trung tâm sản xuất, đặc biệt là sản xuất công nghệ cao. Để tăng cường đầu tư, đại sứ cho rằng các bước đi mà Chính phủ Việt Nam đã thực hiện gần đây sẽ rất quan trọng. Việc Việt Nam sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp sẽ thúc đẩy hiệu quả hơn trong việc ra quyết định, cấp phép và phê duyệt các dự án đầu tư. Cùng với đó, việc thúc đẩy vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, tầm quan trọng của công nghệ cao và hạ tầng kỹ thuật số sẽ làm cho Việt Nam trở thành một điểm đến đầu tư và thương mại hấp dẫn hơn nữa. Đại sứ mong muốn thấy nhiều hơn nữa số lượng doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đầu tư vào Hoa Kỳ như việc hơn 100 doanh nghiệp tham gia Hội nghị SelectUSA vừa qua cho thấy tiềm năng lớn của đầu tư Việt Nam vào Hoa Kỳ.

Đề cập đến các chương trình giải quyết hậu quả chiến tranh - nền tảng của quan hệ chính trị hai nước, Đại sứ Knapper khẳng định các chương trình này vẫn tiếp tục được duy trì.

Đại sứ cho biết, sau quá trình xem xét lại toàn bộ các chương trình hỗ trợ nước ngoài, các chương trình liên quan đến vật liệu nổ còn sót lại (UXO), dioxin (chương trình làm sạch và hỗ trợ người khuyết tật), tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh (POW/MIA) của cả Hoa Kỳ và Việt Nam đều đã được khởi động lại sau một thời gian tạm dừng.

Kết thúc cuộc gặp gỡ báo chí, Đại sứ Knapper đã gửi lời chúc mừng 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ, thể hiện niềm tin vào một tương lai hợp tác mạnh mẽ và phát triển giữa hai đất nước.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời