Phường Phúc Lợi: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp
Phường Phúc Lợi được hình thành trên cơ sở nhập phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của phường Phúc Lợi (thuộc quận Long Biên); một phần diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Việt Hưng, Giang Biên, Thạch Bàn, Phúc Đồng (thuộc quận Long Biên) và xã Cổ Bi (thuộc huyện Gia Lâm).
Việc lấy tên đơn vị hành chính mới là Phúc Lợi không chỉ mang đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử mà còn cho thấy sự sáng tạo, ẩn sâu bên trong là khát khao đổi mới, không ngừng phát triển vươn lên; bảo đảm truyền thống văn hóa lịch sử và phù hợp với nguyên tắc ưu tiên sử dụng một trong các tên gọi của các đơn vị hành chính trước khi sáp nhập để đặt tên cho xã, phường mới; hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp do phải chuyển đổi giấy tờ.

Vị trí địa lý, diện tích, dân số phường Phúc Lợi
Phường Phúc Lợi giáp các phường: Long Biên, Việt Hưng và các xã: Phù Đổng, Gia Lâm của thành phố Hà Nội. Phường có diện tích tự nhiên là 10,41 km²; quy mô dân số là 66.790 người.
- Phường Việt Hưng (Quận Long Biên): Diện tích: 1,31 km²; Quy mô dân số: 3.717 người
- Phường Phúc Lợi (Quận Long Biên): Diện tích: 6,81 km²; Quy mô dân số: 44.530 người
- Phường Giang Biên (Quận Long Biên): Diện tích: 0,08 km²; Quy mô dân số: 126 người
- Phường Phúc Đồng (Quận Long Biên): Diện tích: 2,01 km²; Quy mô dân số: 18.143 người
- Phường Thạch Bàn (Quận Long Biên): Diện tích: 0,10 km²; Quy mô dân số: 112 người
- Xã Cổ Bi (Huyện Gia Lâm): Diện tích: 0,10 km²; Quy mô dân số: 162 người
Đặc điểm kinh tế, xã hội phường Phúc Lợi
Phường Phúc Lợi đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng không gian đô thị của Hà Nội về phía Đông Bắc, góp phần giảm áp lực dân số cho khu vực nội thành và thúc đẩy phát triển kinh tế vùng ven đô. Với các khu đô thị hiện đại như Khu đô thị Việt Hưng, Khu nhà ở Thạch Bàn, Khu tái định cư Giang Biên…, phường triển khai các mô hình đô thị mới, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, xã hội và giao thông.
Với vị trí tiếp giáp sông Hồng và nằm gần các cây cầu quan trọng như cầu Vĩnh Tuy, cầu Thanh Trì, phường có lợi thế về giao thông đường bộ lẫn đường thủy, tạo điều kiện thuận lợi cho kết nối liên vùng giữa Hà Nội với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và khu vực kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Là khu vực đóng vai trò vùng đệm trong quy hoạch mở rộng đô thị về phía Đông, phường Phúc Lợi còn là đầu mối trung chuyển, góp phần quan trọng vào việc tái cấu trúc không gian đô thị và phân bố dân cư của Thủ đô.
Đặc điểm kinh tế phường Phúc Lợi
Trước đây, khu vực này chủ yếu phát triển nông nghiệp, với các loại cây trồng chính như lúa, ngô và cây ăn quả an toàn. Tuy nhiên, hiện nay, phường đang từng bước thực hiện quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, thu hút nhiều doanh nghiệp lớn và khu công nghiệp, góp phần tạo việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Phường Phúc Lợi có vị trí giao thông thuận lợi với nhiều tuyến đường quan trọng như đê Nam sông Đuống, đường Nguyễn Văn Linh (Vành đai 3): tuyến giao thông kết nối nội đô với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cảng biển và khu vực công nghiệp phía Đông; cầu Vĩnh Tuy, cầu Thanh Trì tăng khả năng kết nối với trung tâm Thành phố và vùng Bắc sông Hồng. Các trục đường nội khu như Vũ Xuân Thiều giúp phân luồng giao thông, thuận tiện vận chuyển, phân phối hàng hóa, phát triển logistics.
Trong những năm gần đây, nhiều loại hình kinh tế dịch vụ được hình thành và phát triển mạnh: các cửa hàng tiện ích, siêu thị, chuỗi bán lẻ mọc lên nhanh chóng dọc theo các tuyến đường lớn (Nguyễn Văn Linh, Vũ Xuân Thiều…). Ngân hàng, bảo hiểm, dịch vụ tài chính phát triển phục vụ dân cư mới tại các khu đô thị. Dịch vụ logistics và kho bãi bắt đầu hình thành do lợi thế gần trục đường lớn và cầu cảng. Khu vực gần Thạch Bàn và Việt Hưng cũng hưởng lợi từ các trung tâm thương mại lớn như Aeon Mall, Vincom Center Long Biên, tạo động lực lan tỏa phát triển.
Các dự án nhà ở, chung cư, khu đô thị như Khu đô thị Việt Hưng, EcoHome, khu nhà ở Thạch Bàn, Vinhome Riverside đang hình thành hoặc mở rộng.
Đặc điểm văn hóa - xã hội phường Phúc Lợi
Văn hóa - xã hội của phường Phúc Lợi mang đậm dấu ấn của vùng đất ven đô đang chuyển mình mạnh mẽ theo hướng hiện đại nhưng vẫn giữ được những giá trị truyền thống bền vững.
Trên địa bàn phường hiện còn bảo tồn nhiều di tích lịch sử - văn hóa có giá trị như đình Phúc Lợi, chùa Phúc Lợi, cùng các lễ hội truyền thống gắn với tín ngưỡng dân gian thờ Thành hoàng làng, tưởng nhớ công đức tổ tiên.
Phường Phúc Lợi hiện có một số di sản văn hóa tiêu biểu đã được xếp hạng và công nhận di tích cấp Quốc gia như: đình Thượng Đồng (được xếp hạng năm 1993), chùa Thượng Đồng (được xếp hạng năm 1993), đình Nông Vụ Đông (được xếp hạng năm 1995), chùa Nông Vụ Đông (được xếp hạng năm 1995), đình Hội Xá (được xếp hạng năm 1995), chùa Linh Tiên (được xếp hạng năm 1995) .
Nổi bật là cụm đình - chùa Thượng Đồng và đình Hội Xá (thuộc phường Phúc Lợi cũ), đều là di tích cấp Thành phố, gắn liền với các lễ hội truyền thống như rước sắc, kéo tướng, diễn tích Thánh Gióng.
Về y tế, phường Phúc Lợi có Bệnh viện Tâm thần Hà Nội. Phường chú trọng nâng cấp trạm y tế đạt chuẩn quốc gia theo hướng “y tế thông minh” - ứng dụng công nghệ số vào quản lý sức khỏe, khám chữa bệnh và cảnh báo dịch sớm. Mô hình y tế dự phòng cộng đồng, chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người già và trẻ nhỏ sẽ được mở rộng, đi cùng là mạng lưới hiệu thuốc, phòng khám chất lượng cao tại các khu dân cư mới.
Về giáo dục, phường được đánh giá là một trong những điểm sáng của địa phương, với hệ thống trường lớp, chất lượng giảng dạy ngày càng nâng cao, nhiều trường đã đạt chuẩn, được đầu tư đồng bộ cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học lẫn đội ngũ giáo viên.
Một số trường tiêu biểu như: Trường Mầm non Phúc Đồng, Trường Mầm non Phúc Lợi; Trường Tiểu học Phúc Lợi, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, Trường Tiểu học Phúc Đồng; Trường THCS Phúc Lợi; Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trường THCS Phúc Đồng; Trường THPT Phúc Lợi, Trường THPT Tây Sơn,... là các đơn vị giáo dục có truyền thống dạy tốt, học tốt, liên tục đạt thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp.
Dự kiến sẽ có thêm các trường mầm non và tiểu học mới được xây dựng ở các khu đô thị, khu dân cư mở rộng; đồng thời tiếp tục đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại cho các trường hiện có. Các mô hình trường học xanh - an toàn - sáng tạo, phát triển kỹ năng sống và tư duy công dân toàn cầu sẽ được khuyến khích triển khai.
● Trụ sở Đảng ủy phường Phúc Lợi: Số 247a Nguyễn Văn Linh, phường Phúc Lợi (địa chỉ cũ: số 247a Nguyễn Văn Linh, phường Phúc Đồng, quận Long Biên).
● Trụ sở UBND phường Phúc Lợi: Tổ 6, phường Phúc Lợi (địa chỉ cũ: tổ 6, phường Phúc Lợi, quận Long Biên).
● Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Phúc Lợi: đồng chí Nguyễn Thế Thạch
● Phó Bí thư, Chủ tịch UBND phường Phúc Lợi: đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hằng
● Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Phúc Lợi: đồng chí Đinh Xuân Hùng.
Theo Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội
Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sắp xếp, thành phố có 51 phường và 75 xã.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy nhà nước, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước, giữ vững vai trò tiên phong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thông tin chi tiết và hữu ích về 126 xã, phường mới của Hà Nội người dân có thể truy cập Tại đây